Hàng loạt lãnh đạo các ngân hàng đã đăng ký mua sau khi cổ phiếu của nhóm ngành này trên thị trường liên tục rớt giá.
Chỉ trong hai tuần gần đây, lãnh đạo ba ngân hàng đã liên tục đăng ký mua vào cổ phiếu, trong bối cảnh giá cổ phiếu những nhà băng này liên tục lập đáy mới.
Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, mã CK:VPB) vừa thông báo việc đăng ký mua cổ phiếu của ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT và bà Vũ Thị Quyên (mẹ ông Dũng). Hai cổ đông nội bộ này đã đăng ký mua lần lượt 8 triệu và 13 triệu cổ phiếu, với mục đích gia tăng sở hữu.
Tính theo giá thị trường, động thái mua vào 21 triệu cổ phần của Chủ tịch HĐQT VPBank và người thân có thể tốn gần 430 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Hữu Đặng, thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc Ngân hàng Phát triển TP HCM (HDBank) cũng vừa đăng ký mua 500.000 cổ phiếu của ngân hàng này trong khoảng thời gian từ 19/11 đến 30/11. Với thị giá của cổ phiếu trong phiên gần nhất gần 30.000 đồng, để hoàn tất việc đăng ký mua, CEO HDBank có thể phải chi ra khoảng 15 tỷ đồng.
Với Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), đồng loạt ba lãnh đạo cấp cao của nhà băng này là ông Đỗ Tuấn Anh – Phó chủ tịch HĐQT, ông Nguyễn Lê Quốc Anh – Tổng giám đốc và ông Phạm Quang Thắng – Phó tổng giám đốc đã đăng ký mua tổng cộng 300.000 cổ phiếu của ngân hàng. Công đoàn của nhà băng này cũng đăng ký mua vào 1,2 triệu cổ phiếu trong thời gian đầu tháng 11.
Động thái gia tăng sở hữu của lãnh đạo ba ngân hàng VPBank, HDBank và Techcombank, thực tế diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu của ngành ngân hàng liên tục lao đốc.
Sau khi lập đỉnh cùng với thị trường vào đầu tháng 4, ngân hàng từ nhóm cổ phiếu dẫn đắt thị trường trở thành cái tên bị “xa lánh” nhất. Liên tục bị nhà đầu tư chốt lời cùng những kỳ vọng không cao như trước khiến những cổ phiếu lớn trong nhóm này đều ghi nhận mức giảm hai con số chỉ trong thời gian ngắn.
Niêm yết trên thị trường chứng khoán từ giữa tháng 8/2017, VPB khi mới lên sàn là một trong những ngân hàng thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư. Tuy nhiên, sau hơn một năm giao dịch, từ mức đỉnh (sau điều chỉnh) hơn 43.000 đồng xác lập đầu tháng 4/2018, đến nay thị giá cổ phiếu VPB đã giảm quá nửa, chỉ còn 20.300 đồng.
Ngoài tác động chung từ thị trường, ảnh hưởng tới VPBank còn đến từ kết quả kinh doanh không như kỳ vọng. 9 tháng đầu năm ngân hàng mới đạt hơn 60% kế hoạch và được dự báo không thể hoàn thành kế hoạch năm do ảnh hưởng từ sự đi xuống của FE Cedit – công ty tài chính tiêu dùng đứng đầu thị trường xét về dư nợ.
Cùng với VPBank, cổ phiếu hai ngân hàng có lãnh đạo vừa đăng ký mua cổ phiếu là HDBank và Techcombank cũng đã giảm trên 30% so với mức đỉnh.
Nhờ việc đăng ký mua cổ phiếu của các lãnh đạo, các cổ phiếu này đã có những diễn biến tích cực trong ngắn hạn. Cả VPBank và HDBank trong phiên cuối tuần trước đều tăng trần với dư mua hàng triệu cổ phiếu, còn cổ phiếu của Techcombank cũng tăng gần 2%.
Tuy nhiên, theo nhiều thành viên thị trường, vẫn còn quá sớm để xác nhận sự đảo chiều về xu hướng với cổ phiếu ngân hàng. Trong khi năm 2018 được dự báo là năm mà các nhà băng tiếp tục báo lãi lớn thì triển vọng những năm tiếp theo được kỳ vọng sẽ khó có thể duy trì một tốc độ tăng trưởng cao.
Minh Sơn