Làn sóng trả mặt bằng kinh doanh

Nhiều phố ẩm thực, thời trang một tháng nay đồng loạt xảy ra tình trạng đóng cửa, bỏ trống mặt bằng.

Cuối tháng 2, tại phố trà sữa Ngô Đức Kế, Hồ Tùng Mậu, quận 1 – nơi từng xuất hiện đủ các thương hiệu trà sữa, quán ăn nhộn nhịp – nhiều mặt bằng bỏ trống. Cách đó vài phút đi bộ, các tuyến đường Lý Tự Trọng, Lê Thánh Tôn cũng nhan nhản nhà phố nguyên căn bị trả mặt bằng.

Tuyến phố thời trang Nguyễn Trãi cũng rơi vào cảnh các dãy nhà san sát nhau đóng cửa. Những căn nhà phố mặt tiền từng bày biện quần áo hàng hiệu trong tủ kính sang trọng nay cửa đóng then cài, mặt tiền chi chít số điện thoại liên hệ cho thuê. Các shop còn hoạt động cũng tranh thủ giảm giá “khủng” để thanh lý.

Cách trung tâm quận 1 chừng 10 phút xe máy, phố ẩm thực Phan Xích Long, quận Phú Nhuận, là khu tập trung nhiều quán ăn, tiệm cà phê, trà sữa cũng đột ngột vắng lặng suốt một tháng qua.

Một mặt bằng kinh doanh rao cho thuê trên đường Phan Xích Long đóng cửa ngày 5/3. Ảnh: Quỳnh Trần
Một mặt bằng kinh doanh rao cho thuê trên đường Phan Xích Long đóng cửa ngày 5/3. Ảnh: Quỳnh Trần

Giới kinh doanh F&B xác nhận, Covid-19 cùng với nỗi lo ngại nhiễm bệnh từ sau kỳ nghỉ Tết đang khiến việc bán buôn của các hàng quán trở nên ảm đạm. Không biết bao lâu dịch bệnh sẽ chấm dứt, nên nhiều cửa hàng chọn giải pháp đóng cửa trả mặt bằng.

Anh Minh Tâm, chủ hai quán ăn tại quận 1, cho biết thông thường, trong kinh doanh ăn uống, các nhà hàng quán ăn mới gia nhập thị trường có quy mô vừa và nhỏ sẽ chấp nhận lỗ 2-3 tháng hoặc tối đa 5-6 tháng. Một số đơn vị đã bắt đầu kinh doanh khó khăn hơn từ đầu năm, khi Nghị định 100 có hiệu lực. Sau đó, Covid-19 làm tình hình tệ hơn, nên nhiều hàng quán quyết định đóng cửa. Chỉ những hàng quán lâu năm, vốn đông khách nay thưa người, vẫn cố duy trì hoạt động.

“Quán của tôi hòa vốn và vẫn có lời chút đỉnh trong tháng rồi. Nếu lỗ 5-6 tháng thì tôi cũng sẽ đóng cửa nghỉ, chờ qua dịch tính tiếp chứ không dại gì kinh doanh trong tình cảnh này”, anh Tâm nói.

Ông Định, môi giới cho thuê bất động sản nhà lẻ tại khu trung tâm TP HCM cho hay, hàng năm, cứ sau Tết là mùa trả mặt bằng nếu các cơ sở kinh doanh quyết định không ký tiếp. Năm nay, xu hướng trả mặt bằng cao hơn vì gánh thêm cú sốc dịch bệnh. Ngoài trả mặt bằng, nhiều cửa hàng thời trang, ăn uống cũng đang rao sang nhượng lại do vắng khách.

Với lượng mặt bằng trống nhiều, giá cho thuê bắt đầu giảm nhẹ khi tâm lý của bên đi thuê vẫn muốn chờ qua mùa dịch mới tính. Các năm trước, các mặt bằng đẹp vừa được trả sẽ có khách mới “chớp” liền, thậm chí đã đặt cọc sẵn nhưng hiện nay rổ hàng vị trí đẹp đang bị trống khá nhiều.

Khách thuê cũng thận trọng chọn lựa do họ sợ “hố”. Điều này khiến tốc độ cho thuê trên thị trường diễn ra chậm hơn so với cùng kỳ. Để khuyến khích người thuê, một số chủ mặt bằng chấp nhận giữ giá như cũ thay vì tăng theo từng năm. Một số khách thuê bắt đầu mạnh dạn thương lượng với chủ nhà về việc giảm giá thuê.

Hai căn nhà mặt tiền rao cho thuê trên đường Phan Đăng Lưu đóng cửa ngày 5/3. Ảnh: Quỳnh Trần
Hai căn nhà mặt tiền rao cho thuê trên đường Phan Đăng Lưu đóng cửa ngày 5/3. Ảnh: Quỳnh Trần

Diễn biến thị trường mặt bằng cho thuê ở nội đô TP HCM trong 2 tháng đầu năm 2020 đang đảo chiều so với năm 2019. Khảo sát trực tuyến của kênh thông tin Batdongsan.com.vn về diễn biến thị trường nhà phố mặt tiền năm 2019 cho thấy mặt bằng cho thuê lẻ đã tăng giá mạnh so với năm 2018.

Trên các chợ bất động sản online, giá chào thuê nhà mặt tiền tại quận 1 leo thang đến 35%, tại quận 10 đội lên 20% trong năm ngoái. Nhà mặt phố tại các quận Phú Nhuận, Tân Bình và Bình Thạnh cũng có giá chào thuê tăng 12-15% suốt năm 2019. Tuy nhiên, với tâm lý lo ngại dịch, đà tăng giá thuê của nhà phố mặt tiền đã nhanh chóng giảm nhiệt.

Ông Nguyễn Lộc Hạnh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Bất động sản Ngọc Châu Á cho biết, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến cơn lốc trả mặt bằng diễn ra khắp TP HCM từ sau Tết đến nay.

Thứ nhất, đây là phản ứng thời vụ. Thông thường thị trường cho thuê nhà lẻ có điểm rơi sau Tết, là thời điểm thay đổi khách thuê, giao trả mặt bằng. Đây là hiện tượng chuyển giao mang tính mùa vụ năm nào cũng có.

Thứ hai, giá mặt bằng lẻ cho thuê khu vực trung tâm thành phố và các khu ẩm thực sôi động đã tăng mạnh trong 2 năm trở lại đây. Giá bất động sản liên tục leo thang trong gần nửa thập niên qua, khiến cho giá thuê bị đẩy lên cao do hiệu ứng dây chuyền. Giá thuê tăng vọt khiến chi phí mặt bằng chiếm tỷ trọng lớn trong dòng vốn đầu tư, làm cho biên lợi nhuận bị thu hẹp dần. Những khách thuê kinh doanh không hiệu quả chỉ còn cách trả mặt bằng giá cao, thanh lý hợp đồng thuê để tìm những địa điểm rẻ hơn nhằm giảm áp lực chi phí mặt bằng.

Thứ ba, Covid-19 khiến mọi người hạn chế tiếp xúc nơi đông người, hạn chế sử dụng các dịch vụ ăn uống và mua sắm nên tình hình kinh doanh ế ẩm được ví như giọt nước tràn ly, đẩy làn sóng trả mặt bằng lên đỉnh điểm trong quý đầu năm 2020.

Ông Hạnh phân tích, dịch bùng nổ tại Trung Quốc sau đó lan ra nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ 2 tháng qua, tuy Việt Nam hiện nay được xem là vùng an toàn vì kiểm soát dịch tốt nhưng ít nhiều có tác động tâm lý đến người dân trong nước. Hàng quán kinh doanh mảng F&B, thời trang, giải trí nhắm vào nhân viên văn phòng, người lao động tại trung tâm thành phố, học sinh, sinh viên nhưng nhóm khách hàng tiềm năng này đang hạn chế phạm vi hoạt động, trường học tạm đóng cửa, kinh doanh sản xuất bị thu hẹp hoặc ngưng trệ.

Trước đây các chủ kinh doanh tại trung tâm TP HCM vì cần mặt bằng để trưng bày sản phẩm, tiếp cận khách hàng nên gần như chấp nhận giá thuê ngất ngưởng vì cần tối ưu cơ hội kinh doanh. Tuy nhiên sức chịu đựng của khách thuê phụ thuộc rất lớn vào bài toán kinh doanh hiệu quả đến đâu và dòng tiền mang về có đủ sức chịu đựng mức phí mặt bằng này.

Hiện dịch bệnh còn diễn biến phức tạp trong khi lợi nhuận không có, kịch bản kinh doanh màu xám có thể kéo dài. Điều này khiến những cửa hàng có tiềm lực tài chính yếu buộc phải ra quyết định trả mặt bằng.

“Cơn lốc trả mặt bằng kinh doanh ở khu trung tâm có thể kéo dài đến quý II thậm chí lâu hơn song làn sóng tiêu cực này sẽ dịu lại khi dịch kết thúc và người dân không còn tâm lý e sợ dịch bệnh. Khi các hoạt động xã hội trở lại bình thường sẽ là thời điểm các mặt bằng trống dần được lấp đầy trở lại”, ông Hạnh dự báo.

 Trung Tín – Dỹ Tùng – Vnexpress