Khi diễn viên Hải Tú vướng tin đồn đời tư gần đây, dù cô chưa hề xác nhận, những hành động mang tính tẩy chay đã diễn ra. Các bức ảnh nhạy cảm của cô bị phát tán lại với những bình phẩm không hay. Đặc biệt, MV Blue Tequila của rapper Táo – có Hải Tú đóng – nhận 13.500 lượt “dislike” (ghét) sau vài ngày. MV phải tắt bình luận để tránh những lời ác ý.
Cả chục nghệ sĩ, tác phẩm
Phim Trạng Tí phiêu lưu ký, bộ phim 43 tỉ đồng với ước mơ đưa các nhân vật truyện tranh Thần đồng đất Việt lên màn ảnh rộng, đang vấp phải phong trào tẩy chay từ một nhóm cư dân mạng. Lý do là họ cho rằng phim “vi phạm bản quyền”, khi mua bản quyền chuyển thể từ Công ty Phan Thị mà không phải họa sĩ Lê Linh.
Theo phán quyết của tòa án, Phan Thị nắm quyền sở hữu bộ truyện, còn họa sĩ Lê Linh nắm quyền nhân thân với hình tượng 4 nhân vật chính. Do đó, theo luật sư bên thứ ba, Trạng Tí phiêu lưu ký mua bản quyền từ Phan Thị là đúng luật.
Thế nhưng trong vụ tẩy chay, các phân tích về luật bị chìm lấp trước cơn bão căm ghét. Fanpage của nhà sản xuất Ngô Thanh Vân và các bài đăng về phim nhận hàng chục nghìn bình luận tiêu cực. Ngô Thanh Vân thừa nhận cô “e dè” về việc làm phim chuyển thể từ truyện tranh sau vụ tẩy chay này.
Trước đó, phim Cậu Vàng – phóng tác từ tác phẩm của nhà văn Nam Cao – bị tẩy chay vì hai lý do chính: sử dụng chó Nhật đóng phim Việt, và màn đối đáp thiếu tôn trọng của người quản trị fanpage với khán giả.
Bên cạnh đó, những trào lưu lập nhóm anti-fan (căm ghét) với các nghệ sĩ khi có bất cứ lùm xùm nào liên quan đến họ, dù lớn hay nhỏ, cũng có thể coi là hành vi mang tính tẩy chay. Các nghệ sĩ Trấn Thành, Hương Giang, Thủy Tiên, Nhã Phương, Khánh Vân, Hải Tú, Sơn Tùng M-TP… đều bị lập nhóm anti-fan gần đây.
Việc lập nhóm anti-fan từng được coi là hành động thiết thực để thể hiện sự phản đối khi nghệ sĩ hành xử thiếu tôn trọng công chúng, dính bê bối. Nhưng hiện nay, khi phong trào này trở nên đại trà đến mức chỉ một lỗi nhỏ của nghệ sĩ cũng làm xuất hiện một loạt nhóm anti-fan thì nó có còn là hành động xác đáng?
Đây là biện pháp mạnh thanh lọc những bê bối trong giới giải trí hay đang dần sa đà vào tấn công cá nhân những người có và không liên quan? Câu trả lời phụ thuộc vào từng trường hợp, phụ thuộc vào tính đúng sai, phải trái và quy mô của sai lầm đó.
Tuy nhiên, ở cả Việt Nam và trên thế giới, hành vi tẩy chay được cho là đã đi quá xa trong một số trường hợp. Và khi tẩy chay sai, chúng ta không thể đảo ngược hành vi.
Những di chứng đau đớn
Các hành vi tẩy chay như trên đều nằm trong “văn hóa xóa sổ” (cancel culture), hiện tượng mà nhà phê bình văn hóa Kimberly Foster (Mỹ) cho là cách cư dân mạng tuyên bố với một ai đó: “Bạn xong đời rồi”. Văn hóa xóa sổ thực sự đã bao trùm chúng ta.
“Văn hóa xóa sổ có thể bao hàm tất cả mọi thứ, từ những người có nhiều tiền và đặc quyền nhất cũng có thể bị phản đối, vì nói những lời gây khó chịu, đến những người bình thường có thể bị mất việc vì những lỗi lầm nhỏ” – Foster nói.
Hành vi chính của văn hóa xóa sổ nằm ngay ở chữ “cancel” – hủy bỏ. Cư dân mạng vận dụng đến chức năng nhỏ bé nhưng quyền lực của họ: hủy bỏ theo dõi, hủy bỏ đăng ký, hủy bỏ tiếp nhận… đối tượng bị tẩy chay.
Với tư cách người tiêu dùng sản phẩm văn hóa, họ tuyên bố không xem một bộ phim, không ủng hộ một MV, không mua sản phẩm, ngưng theo dõi nhân vật nổi tiếng. Trong một số trường hợp, đây là điều cần thiết để phản đối các lỗi lầm của đối tượng.
Nhưng có ý kiến cho rằng văn hóa xóa sổ không tạo ra tác động tích cực như công chúng mong muốn, và “đi quá xa” trong một số trường hợp.
Tháng 8-2020, 150 nhà văn nổi tiếng thế giới – gồm J.K. Rowling, Salman Rushdie và Margaret Atwood – từng viết chung bức tâm thư bày tỏ nỗi lo văn hóa xóa sổ đã tạo ra “bầu không khí cố chấp” và làm suy yếu các quy tắc tranh luận văn minh.
Đôi khi, quanh một vụ tẩy chay, người ta kiệt sức khi mọi lý lẽ đều chìm nghỉm trước yêu ghét cảm tính.
Theo BBC, hậu quả của “lệnh xóa sổ” để lại cho cá nhân luôn nghiêm trọng hơn các tổ chức. Nếu một công ty, doanh nghiệp có thể dần lấy lại tên tuổi sau trào lưu tẩy chay thì một cá nhân thường mất việc, chịu thiệt hại tài chính, uy tín nặng nề và lâu dài sau tẩy chay.
Cẩn thận với những bình luận “top”
Theo bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt (giảng viên khoa báo chí truyền thông ĐH KHXH&NV TP.HCM), tẩy chay thường xảy ra với những đối tượng có yếu tố nổi tiếng, giật gân, bất thường, thu hút đám đông. Đôi khi nó là hành động a dua mà không hiểu rõ bản chất thực sự của thông tin.
Bà Nguyệt cho biết: “Khi giảng dạy về thẩm định thông tin, tôi nhận thấy rất nhiều người sử dụng mạng xã hội không nắm tận gốc vấn đề, không thể phân tích sâu sắc và có chuyên môn về vấn đề họ đang tiếp cận. Do đó, họ thường nghe theo người điều hướng dư luận. Những bình luận đứng đầu thu hút sự chú ý của nhiều người và người ta có xu hướng tin vào chúng, tin vào số đông”.
Bà Nguyệt nhận định người dùng mạng xã hội thường chỉ tiếp cận được thông tin bề mặt. Họ có xu hướng tin những thứ gần nhất với quan điểm, thói quen của họ.
“Có những trường hợp sẽ rất khó để ta biết đâu là sự thật, đâu là thông tin được bơm thổi để dẫn dắt dư luận. Điều quan trọng nhất là chúng ta phải bình tĩnh, đọc đầy đủ thông tin, xem xét nhiều góc nhìn khác nhau, thậm chí góc nhìn của người làm ra sản phẩm, lắng nghe và đưa ra ý kiến của riêng mình” – bà Nguyệt nói.
Theo MI LY – Tuổi Trẻ