Chiều 18/5, UBND Hà Nội tổ chức lễ động thổ gói thầu xây dựng hệ thống cống gom nước thải dọc sông Tô Lịch.
Hệ thống cống gom nước thải dài 21 km, trong đó có hơn 11 km đi ngầm dưới lòng sông (từ đường Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy, đến cầu Quang, huyện Thanh Trì).
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường Hà Nội cho biết, trong quá trình rà soát thiết kế dự án đã điều chỉnh phương án đặt cống từ dưới lòng đường hoặc hai bên bờ sông xuống dưới lòng sông. Việc này được cho là giúp giảm thiểu xung đột hệ thống công trình ngầm và không phá vỡ công trình, tiện ích, hạ tầng đô thị hiện có.
“Để không phải giải phóng mặt bằng, hạn chế ảnh hưởng đến giao thông, gói thầu được thiết kế trên cơ sở tiếp cận toàn bộ công nghệ khoan kích ngầm. Đây là công nghệ lần đầu tiên áp dụng tại Hà Nội”, Giám đốc Ban quản lý Nguyễn Văn Hùng nói.
Ông Hùng đánh giá, việc đào ngầm ở độ sâu 6-19 m giúp giảm thiểu rủi ro, mất an toàn trong thi công so với đào mở.
Thành phố đã lựa chọn một công ty của Nhật Bản triển khai gói thầu xây dựng hệ thống bao cho sông Tô Lịch. Các kỹ sư Nhật Bản sẽ trực tiếp thực hiện dự án với tổng tiến độ thi công dự kiến trong 48 tháng.
Hệ cống gom nước thải dẫn về Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá là một trong bốn gói thầu xây lắp của dự án Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá thành phố Hà Nội (nhà máy nước thải Yên Xá đặt ở xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì).
Dự án được khởi công năm 2016, bao gồm một nhà máy có công suất 270.000 m3/ngày đêm và tuyến cống thu gom nước thải dọc sông Tô Lịch, sông Lừ, khu vực đô thị mới Hà Đông với tổng chiều dài trên 52 km. Tổng mức đầu tư dự án hơn 16.000 tỷ đồng.
Sau bốn năm khởi công, hiện gói thầu số một xây Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá đang thi công bể phản ứng bùn hoạt tính, bể lắng thứ cấp, trạm bơm nước thải đầu vào, cống xả, nhà máy xử lý bùn, nhà xử lý nước tái sử dụng…
Gói thầu số 2 và 3 xây hệ thống cống gom nước thải ở sông Tô Lịch và sông Lừ được động thổ cùng ngày 18/5/2020.
Gói thầu số 4 xây hệ thống cống cho một phần khu vực Hà Đông và khu đô thị mới, hiện nhà thầu đã thi công các hạng mục đào mở (hai tuyến cống tại Học viện quân y và Khu đô thị Đại Thanh).
Ban quản lý dự án cho hay, đến năm 2022 sẽ cơ bản hoàn thành các hạng mục chính của dự án.
Đầu tháng 2, khi đi kiểm tra tiến độ dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu “Dự án chỉ có thể về đích sớm thời hạn chứ không được phép lùi tiến độ”.
Theo ông Chung, việc thực hiện thi công cống ngầm dưới đáy sông Tô Lịch sẽ thuận lợi cho việc đẩy nhanh tiến độ, tiết kiệm ngân sách và không ảnh hưởng đến giao thông trong quá trình xây dựng. Ông cũng giao Sở Xây dựng nghiên cứu chỉnh trang toàn bộ 16 km đường hai bên sông Tô Lịch với cây xanh, đường đi bộ. Sở Giao thông Vận tải sớm hoàn thành xây dựng ba cầu đi bộ kết nối người dân hai bên sông (đoạn từ Bưởi đến Ngã Tư Sở); tiếp tục nghiên cứu các cầu đi bộ từ Ngã Tư Sở đến Thịnh Liệt.
“Khi nhà máy xử lý nước thải Yên Xá hoàn thành, toàn bộ nước thải sinh hoạt xả xuống sông Tô Lịch sẽ được xử lý 100%, góp phần làm sống lại con sông này”, ông Chung nói.
Sông Tô Lịch dài khoảng 14 km, bắt đầu từ phường Nghĩa Đô (Cầu Giấy) chảy về phía Nam thành phố và ra sông Nhuệ đoạn xã Hữu Hòa (Thanh Trì). Toàn tuyến sông có hơn 280 cửa xả nước thải. Theo ước tính của Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội, mỗi ngày 150.000 m3 nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý xả xuống sông Tô Lịch.
Nhiều kế hoạch khắc phục ô nhiễm sông Tô Lịch đã được thành phố đưa ra trong hơn 10 năm qua nhưng đều không hiệu quả.
Kế hoạch gần đây nhất được thực hiện giữa tháng 5/2019 với dự án thí điểm làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano-Bioreactor trên một đoạn sông khoảng 300 m. Sau gần 6 tháng, đơn vị tổ chức thí điểm công bố đạt được sáu mục tiêu: xử lý mùi hôi thối; phân hủy một phần bùn hữu cơ tồn đọng lâu năm dưới lòng sông; bảo tồn hệ sinh thái… Nhưng lãnh đạo Sở Xây dựng cho rằng việc thí điểm chưa thành công.
Võ Hải – Vnexpress