Có lẽ sau mỗi trận đấu của mình, HLV Park Hang-seo nên viết một bản giải trình về con người, chiến thuật mình chọn cho đội tuyển Việt Nam?
1. Sau trận hòa 2-2 trên “chảo lửa” Bukit Jalil, mọi chỉ trích của người hâm mộ Việt Nam đều hướng về Hà Đức Chinh – chân sút mà HLV Park Hang-seo “bất ngờ” chọn đá chính, thay vì Anh Đức – cầu thủ đang có phong độ khá tốt ở giải đấu lần này. Và thay vì ghi bàn, Đức Chinh bỏ lỡ đến 3 cơ hội cực kỳ đáng tiếc, trong đó có tình huống nếu kết thúc chính xác hơn, tỷ số đã là 3-0 cho Việt Nam ngay khi trận đấu mới trôi qua có 1/3.
Khá khó để ước tính được đóng góp của Hà Đức Chinh trong hai bàn thắng sớm của thầy trò HLV Park Hang-seo trên đất Malaysia, trước hơn 8 vạn khán giả. Nhưng có một điều có thể khẳng định được, là ý đồ của nhà cầm quân người Hàn Quốc khi tung tiền đạo chưa từng đá chính trận đấu nào ở giải lần này vào sân ngay từ đầu, trong trận đấu được đánh giá là khó khăn nhất này.
Tung Đức Chinh đá chính ngay từ đầu, nhà cầm quân người Hàn Quốc không giấu diếm ý đồ sử dụng cầu thủ người Phú Thọ trong vai trò “tiền đạo định hình phòng ngự”, tạo dựng một lối chơi đầy thận trọng, nhưng không như những trận đấu trước là dựa vào hàng phòng ngự vững chắc, mà lần này thầy Park bố trí phòng ngự… ngay từ vòng cấm địa đối phương.
Ngoài tấn công, nhiệm vụ trọng yếu của Đức Chinh là phòng ngự bước đầu.
Nói nôm na, Đức Chinh sẽ là người quyết định toàn đội sẽ phải phòng ngự như thế nào trước những đợt tấn công, và nhất là những pha phản công của đội chủ nhà. Tiền đạo này sẽ là người đầu tiên quyết định xem toàn đội sẽ lùi sâu thủ khu vực, hay chơi pressing.
Vai trò ấy, trong số những tiền đạo của đội tuyển Việt Nam hiện tại, chẳng ai hợp hơn Đức Chinh, với sự hội tụ đầy đủ các yếu tố cao, to, khỏe để tham gia chủ động phòng ngự, cũng như sung mãn, càn lướt và có tốc độ để tham gia phản công. Và quan trọng nhất, đấy là ra quyết định sáng suốt để bắt đầu một pha phòng ngự từ xa của đội nhà.
2. Dĩ nhiên, trong vai trò một tiền đạo, dẫu có là “tiền đạo định hình phòng ngự”, dẫu có đóng vai trò gián tiếp trong hai bàn thắng của Huy Hùng và Đức Huy hay không, dẫu có tham gia kéo giãn hàng phòng ngự đối phương để Quang Hải có cơ hội tung những đường chuyền “cắt tiết”, thì xét cho cùng Đức Chinh vẫn chưa thể hoàn thành nhiệm vụ, khi bỏ lỡ quá nhiều cơ hội.
Chính sự “vô duyên” của Đức Chinh khiến suýt nữa đội tuyển Việt Nam phải “lĩnh đòn đau”. Sự “vô duyên” ấy khiến HLV Park Hang-seo phải đưa ra quyết định đầy khó khăn: đưa Tiến Linh vào thay Hà Đức Chinh ngay khi hiệp 2 trận đấu trôi qua chưa được 10 phút.
Sự ức chế sau nhiều pha kết thúc hỏng khiến tâm lý của tiền đạo được HLV Hoàng Anh Tuấn cực kỳ ưa thích này chịu nhiều sức ép, và nó khiến cho ý đồ chiến thuật của HLV Park Hang-seo bị chuyển hướng.
Với Tiến Linh, đội tuyển Việt Nam không còn gia tăng được sức ép trên phần sân đối phương như khi còn Đức Chinh, và phải trả giá bằng bàn gỡ hòa 2-2 của đối phương, cùng những phút khó khăn cuối trận, khi Malaysia tăng sức ép để tìm kiếm bàn thắng làm lợi thế trước trận lượt về.
Chắc chắn trận lượt về trên sân Mỹ Đình, Đức Chinh sẽ không được ra sân trong đội hình xuất phát. Không phải bởi lỗi của anh ở trận đấu lượt đi, cũng không phải vì HLV Park Hang-seo chiều lòng dư luận, mà bởi vai trò “tiền đạo định hình phòng ngự” thông thường chỉ được thực hiện khi đội bóng chơi phòng ngự ở những trận sân khách “khó nhằn”.
Chiến thắng là câu trả lời duy nhất mà HLV Park Hang-seo có thể làm hài lòng các cổ động viên Việt Nam.
Là bởi, về Mỹ Đình với “lưng vốn” là tỷ số 2-2 ở trận lượt đi, thầy trò HLV Park Hang-seo có đủ độ thảnh thơi để chọn một cách tiếp cận khác, một chiến thuật khác để đảm bảo cho ưu thế ghi 2 bàn trên sân khách được phát huy một cách tuyệt đối nhất.
Thêm lần nữa, HLV Park Hang-seo và các học trò phải đối mặt với sự chỉ trích đến từ người hâm mộ và các chuyên gia. Sau trận tranh hạng 3 ở Asiad 2018, Quang Hải bị tấn công dữ dội bởi cộng đồng mạng, và lần này đến lượt Đức Chinh “lĩnh đòn”.
Chọn Quang Hải làm “chim mồi” trong trận bán kết lượt đi với Philippines, nhà cầm quân người Hàn Quốc khiến tiền vệ người Đông Anh bị các chuyên gia chê bao dữ dội, chọn lối chơi tích cực để đánh bại U23 Nhật Bản ở Asiad 2018, thầy Park bị các chuyên gia “chê lên chê xuống”, đến mức phải tự mình đứng ra thanh minh, lý giải quyết định của mình trước báo chí.
Trên “chiếc ghế nóng” của mình ở Việt Nam, sức ép đặt lên vai ông thầy người Hàn Quốc chưa bao giờ là nhẹ nhàng. Càng thành công, sức ép phải thành công hơn nữa của người hâm mộ, của các chuyên gia bóng đá Việt lại càng nặng hơn, chứ chẳng hề giảm đi. Đôi khi có cảm giác, dù trong tay đều là những kỳ tích của bóng đá Việt Nam, nhưng chỉ cần “vấp ngã”, là lập tức búa rìu dư luận sẽ đổ sập xuống đầu ông.
Nếu chẳng giỏi giang đến mức xuất sắc, thì HLV Park Hang-seo đã chẳng thể đưa bóng đá Việt Nam đến những kỳ tích đỉnh cao đến dường ấy, nhưng càng lên cao, có lẽ nỗi cô đơn của ông thầy người Hàn Quốc đang càng lớn, bởi ông chỉ có thể đáp trả những chỉ trích bằng thành tích trên sân, chứ chẳng thể trả lời từng người để làm hài lòng cả thiên hạ được.
May mắn, ông còn bên mình những học trò đặt niềm tin tuyệt đối vào mình, và ngược lại, các học trò cũng nhận được sự tin tưởng tuyệt đối của ông. Chỉ còn một trận nữa thôi, và mọi sự chỉ trích sẽ chấm dứt, dẫu cho “nỗi cô đơn” vẫn sẽ còn nguyên đấy, HLV Park Hang-seo ạ!
Theo Tâm Anh (CafeF)