Hạ viện Nga hôm qua phê chuẩn Mikhail Mishustin làm Thủ tướng, chưa đầy 24 giờ sau khi Tổng thống Vladimir Putin đề xuất sửa đổi hiến pháp và cựu thủ tướng Dmitry Medvedev cùng toàn bộ chính phủ bất ngờ từ chức.
“Mọi người giờ đây nên cảm thấy sự thay đổi thực sự theo hướng tích cực”, Mishustin, người có bằng tiến sĩ kinh tế và lãnh đạo Cơ quan Thuế Liên bang Nga từ năm 2010, phát biểu trước khi được phê chuẩn. Ông đặt ra ưu tiên “tăng thu nhập thực tế của người dân”, đồng thời kêu gọi chính phủ khôi phục niềm tin vào doanh nghiệp, thúc đẩy đổi mới.
Theo bình luận viên Thomas Grove và Georgi Kantchev của WSJ, việc đề cử Mishustin, một chính trị gia ít danh tiếng, làm thủ tướng cho thấy Putin muốn trọng dụng các nhà kỹ trị, những người có chuyên môn cao và hoạt động hiệu quả, nhưng ít tính toán chính trị, không tiềm ẩn nguy cơ cạnh tranh quyền lực nào lớn.
Mishustin ít được biết đến ở Nga đến mức các phóng viên truyền hình nhà nước thường xuyên phải nhắc lại tiểu sử của ông khi đưa tin những ngày qua, đồng thời ca ngợi ông vì giúp xử lý các vấn đề kinh tế và cải cách thuế, ngành vốn bị coi là quan liêu với thủ tục giấy tờ phức tạp.
Giới chuyên gia đánh giá sự chuyển giao này còn thể hiện khao khát xoay chuyển nền kinh tế Nga của Putin. Dù đạt được những thành công nhất định trong việc gia tăng sức ảnh hưởng toàn cầu của đất nước, ông chủ Điện Kremlin bị coi là thất bại với mục tiêu cải thiện mức sống cho người dân, khi nền kinh tế bị bao vây bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây và phụ thuộc quá mức vào nguồn thu từ dầu khí.
Theo dữ liệu từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nền kinh tế Nga đình trệ suốt 10 năm qua xét về đồng USD, tình trạng mà một số nhà kinh tế học gọi là “thập kỷ mất mát”. Thu nhập thực tế của người dân giảm gần như hàng năm kể từ năm 2014, do vừa chịu ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt của phương Tây, vừa gánh hậu quả vì giá dầu xuống thấp. Rosstat, cơ quan thống kê nhà nước của Nga, năm ngoái cho biết 80% gia đình Nga cảm thấy khó khăn trong việc cân đối thu chi.
“Chúng ta cần giải quyết những nhiệm vụ xã hội, kinh tế và công nghệ trên quy mô lớn mà đất nước đang đối mặt một cách nhanh chóng hơn và không chậm trễ”, Tổng thống Putin phát biểu hôm 15/1.
Bình luận viên Grove và Kantchev cho rằng Putin đang hy vọng chính phủ mới, với Mishustin đóng vai trò “đầu tàu”, có thể dung hòa sự đối lập giữa tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Moskva ở nước ngoài và nền kinh tế sa sút trong nước.
Nga đã chi hàng trăm tỷ USD để hồi sinh lực lượng vũ trang, bao gồm mua loạt vũ khí mới, máy bay và tàu ngầm. Với bước đột phá tại Syria và nhiều nơi khác, quân đội Nga dần trở thành biểu tượng cho sức mạnh của Moskva ở nước ngoài. Tuy nhiên, việc tăng đầu tư cho quốc phòng cũng đồng nghĩa với việc cắt giảm những đồng ruble dành cho lương hưu, giáo dục và các chương trình y tế.
Mishustin đã cam kết sẽ dành nhiều ngân sách hơn cho các lĩnh vực trên. Ông đảm bảo trước quốc hội rằng Nga đủ khả năng tăng lương và các khoản thanh toán xã hội, với mức chi khoảng 4 nghìn tỷ ruble (65 tỷ USD) trong 4 năm tới.
“Sự thay đổi trong chính phủ thực sự mang lại hy vọng rằng đội ngũ mới có thể hành động nhiều hơn và đạt được nhiều thành tựu hơn”, cựu bộ trưởng tài chính Nga Alexei Kudrin, người ủng hộ cải cách kinh tế tự do, cho biết.
Trong bài phát biểu trước hạ viện hôm qua, Mishustin nói mối quan hệ giữa chính quyền và doanh nghiệp cần được cải thiện, thừa nhận doanh nghiệp trong và ngoài nước đều thường xuyên phải chịu đựng ánh mắt dò xét của các quan chức an ninh Nga. Nhiều thương nhân cho biết họ không đầu tư vào doanh nghiệp của chính mình tại Nga để tránh trở thành mục tiêu của các cuộc đột kích, khám xét của lực lượng an ninh.
“Để phát triển, chúng ta phải khôi phục niềm tin có lẽ đã bị đánh mất giữa doanh nghiệp và chính quyền”, tân Thủ tướng phát biểu trước các nghị sĩ.
Theo hãng tin Interfax, trong một cuộc họp sau khi được Putin đề cử, Mishustin đã nói với các nghị sĩ từ đảng nước Nga Thống nhất cầm quyền rằng chính phủ phải hành động để loại bỏ những rào cản với các doanh nghiệp, thúc đẩy một môi trường mà trong đó doanh nghiệp cỡ trung có thể phát triển. Ông cũng nhắc lại cam kết của Putin về việc hỗ trợ người nghèo.
“Ông ấy có một số phẩm chất có thể giúp trấn an doanh nghiệp và các nhà đầu tư”, Jason Bush, nhà phân tích cấp cao tại công ty tư vấn Eurasia của Mỹ, nhận xét về tân Thủ tướng Nga. “Là người đứng đầu cơ quan thuế từ năm 2010, Mishustin hoạt động hiệu quả trong việc đề ra những cải cách thu thuế, giúp tăng đáng kể doanh thu”.
Bên cạnh đó, Mishustin còn có kinh nghiệm trong lĩnh vực tư nhân, nhờ từng lãnh đạo tập đoàn quản lý tài sản UFG, một công ty đầu tư trụ sở tại Nga, nơi ngân hàng thương mại lớn nhất Đức Deutsche Bank có cổ phần. Mishustin điều hành UFG từ năm 2008 tới khi được bổ nhiệm làm người đứng đầu Cơ quan Thuế Liên bang Nga năm 2010.
“Ông ấy dường như là một lựa chọn sáng suốt trong tình hình kinh tế hiện nay”, Abbas Gallyamov, người từng viết diễn văn cho Putin, đồng thời là nhà tư vấn chính trị tại Moskva, nhận định.
Ánh Ngọc (Theo WSJ, AFP) – Vnexpress