Dushman, hiện sống tại Munich, Đức, là cựu chiến binh Hồng quân Liên Xô và là một trong số ít người lính của Thế chiến II còn sống. Ông đã gia nhập Hồng quân năm 1941 sau khi Đức Quốc xã tấn công Liên Xô. Dushman từng tham gia giải phóng trại tập trung Auschwitz tháng 1/1945 và cho tới giờ vẫn không lý giải nổi tại sao phát xít Đức có thể gây ra tội ác như vậy.
“Khi tới đây, chúng tôi nhìn qua hàng rào và thấy nhiều tù nhân bị nhốt ở đó. Chúng tôi đã dùng xe tăng để phá hàng rào, rồi đưa cho họ thức ăn và tiếp tục chiến đấu”, Dushman kể tại nhà riêng ở Munich, phía nam nước Đức, nơi ông sống từ năm 1996.
“Họ đứng đó trong bộ đồ tù nhân, chỉ còn những đôi mắt hốc hác nhìn về phía chúng tôi. Cảnh tượng đó vô cùng ám ảnh. Chúng tôi trước đó không hề biết về sự tồn tại của trại Auschwitz”, Dushman nhớ lại.
Hơn 1,1 triệu người gồm đàn ông, phụ nữ và trẻ em đã chết tại Auschwitz, trại tập trung và hành quyết lớn nhất của Đức Quốc xã tại Ba Lan. Khoảng 6 triệu người Do Thái bị giết trong thảm họa diệt chủng Holocaust do phát xít Đức gây ra.
Khi được hỏi tại sao Đức Quốc xã xây trại Auschwitz, Dushman thấy bối rối. “Thật khó để giải thích khi tôi không phải chính trị gia. Thực sự tôi không thể lý giải tại sao trại này được xây dựng”, Dushman nói và hy vọng trại tập trung kiểu vậy không bao giờ xuất hiện nữa.
Không lâu sau khi tới Auschwit, Dushman nhận lệnh tiếp tục tiến quân về Berlin. Là một trong 69 người lính sống sót của đơn vị xe tăng 12.000 người, Dushman bị thương nặng và phải cắt bỏ một phần phổi. Tuy nhiên, điều đó không thể ngăn ông trở thành vận động viên đấu kiếm chuyên nghiệp, từng tham dự Olympic.
“Tôi tạo thói quen luyện tập một phút mỗi ngày. Dần dần, tôi đã đạt đến trình độ chuyên nghiệp và giành chức vô địch bộ môn đấu kiếm ở Nga năm 1951”, Dushman cho biết.
Dushman có thể đã có cuộc sống mới sau chiến tranh nhưng ký ức về cuộc chiến tranh năm xưa vẫn ám ảnh ông. Trước đây ông thường gặp gỡ đồng đội cũ ở Moskva, Nga nhưng giờ tất cả họ đều đã qua đời.
“Tôi thường nhận thư chúc mừng từ Tổng thống Nga Putin vào Ngày chiến tháng 9/5, ngày đánh dấu kết thúc Thế chiến II”, ông nói khi nhìn vào lá thư với vẻ tự hào.
Thanh Tâm (Theo Reuters) – Vnexpress