Kinh tế Việt Nam, thành tựu và cản trở

Năm 2018 đã kết thúc. Trước thềm năm 2019 có hai luồng cảm nhận về hiện trạng bức tranh kinh tế, xã hội Việt Nam: lạc quan và hoài nghi – lo âu. Lạc quan về những con số tăng trưởng kinh tế cao mà Chính Phủ và Tổng cục Thống kê đưa ra. Lo âu và hoài nghi vì những bất cập, những cản trở đang kìm hãm sự phát triển, kìm hãm sự bứt phá, không khai thác hết tiềm năng của dân tộc, của đất nước.

Với góc nhìn đa chiều vừa lạc quan với những thành tựu đã đạt được vừa mạnh dạn nhìn thẳng vào những yếu kém, những cảm trở, tôi thử vẽ ra bức tranh kinh tế Việt Nam 2018.

KINH TẾ

Về tăng trưởng kinh tế: Tổng cục Thống kê vừa đưa ta con số rất lạc quan tăng trưởng 7,08%, vượt 0,37% so với kế hoạch 6,7% mà Quốc hội giao. World Bank, IMF và các tổ chức quốc tế chưa đưa ra con số chính thức, họ vẫn để con số 6,6% như dự báo từ đầu năm.

Tạm thời tôi nhìn cả hai phương án tăng trưởng 6,6% và tăng trưởng 7,08%.

Với con số tăng trưởng 7,08%, Việt Nam tăng trường cao thứ 7 thế giới, thấp hơn Lybia (10,9%), Etheopia (7,5%), Côte D’Ivoire (7,4%), Bangladesh (7,3%), India (7,3%), Rwanda (7,2%). Nếu tăng trưởng 6,6% Việt Nam tăng trường cao thứ 11 thế giới, khi ấy sẽ thấp hơn 4 nước nữa là Senegal (7,0%), Laos (6,8%), Cambodia (6,7%) và Djibouti (6,7%).

Với GDP trên đầu người 2.553 USD (IMF) hay 2.587 USD (Tổng cục Thống kê), Việt Nam đứng thứ 133 trên tổng số 193 nước. Nếu tính theo sức mua tương đương PPP thì thứ hạng sẽ là 127.

Với tổng GDP 245 tỷ USD, Việt Nam được xếp là nền kinh tế lớn thứ 45 thế giới, còn tính theo sức mua 705 tỷ USD, Việt Nam được xếp là nền kinh tế lớn thứ 34 thế giới, tăng thêm 1 hạng để vượt qua Iraq (năm 2017 đứng trên Việt Nam 1 hạng).

Như vậy tuy Việt Nam có tăng trưởng cao thứ 7 hay thứ 11 thế giới nhưng nó chưa đủ lớn để thay đổi thứ hạng về thịnh vượng, về mức sống của người dân. Việt Nam vẫn chỉ đứng thứ 133 trên 193 quốc gia trên thế giới, đứng thứ 8 trong khối Asean (chỉ hơn Timor Leste, Cambodia và Myamar).

XUẤT NHẬP KHẨU

Năm 2018 tổng kim ngạch XNK cả nước đạt 482,23 tỷ USD, tăng trưởng 12,6% so với năm 2017, trong đó xuất khẩu đạt 244,7 tỷ USD, tăng trưởng 13,8% và nhập khẩu đạt 237,5%, tăng trưởng 11,5%.

Các điểm sáng về XNK là tốc độ tăng trưởng cao, tỷ trọng xuất khẩu trên GDP đạt gần 100% là tỷ trọng cao nhất trong số các quốc gia có dân số trên 20 triệu dân. Hơn nữa năm 2018 xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng 15,9% cao hơn các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (tăng trưởng 12,9%). Với 7,21 tỷ USD xuất siêu năm 2018 so với 2,11 tỷ USD năm 2017 cũng như phải nhập siêu những năm trước đó đã làm cho bức tranh XNK của Việt Nam sáng lên rất nhiều.

Tuy nhiên về chất lượng XNK của Việt Nam vẫn còn thấp và chưa bền vững. Tuy tổng giá trị xuất khẩu cao, nhưng giá trị net của xuất khẩu vẫn thấp hơn Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia. Tỷ trọng xuất khẩu của khối FDI vẫn rất cao chiếm tới 71,7%, đặc biệt là khối FDI xuất siêu 32,8 tỷ, còn khối doanh nghiệp Việt Nam lại nhập siêu lên đến 25,6 tỷ USD. Vì vậy các doanh nghiệp Việt Nam cần phải nỗ lực rất nhiều, đến khi nào kim ngạch xuất khẩu đạt trên 50% thì nền kinh tế Việt Nam mới không bị lệ thuộc quá nhiều vào đầu tư nước ngoài.

DU LỊCH

Năm 2018 ngành du lịch Việt Nam ước đón 15,6 triêu lượt khách quốc tế, tăng hơn 2,7 triệu lượt khách và tăng 19,9% so với năm 2017. Tuy con số tăng trưởng cao, nhưng đà tăng trưởng đã chững lại, bởi vẫn còn thấp hơn mức tăng trưởng 26% và 29,1% của năm 2015 và năm 2016.

NĂNG LỰC CẠNH TRANH TOÀN CẦU

Theo diễm đàn kinh tế thế giới WEF, năm 2018 Việt Nam được 58,1 điểm xếp hạng 77 trên 140 nước trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu, tụt 3 hạng so với năm 2017.

Trong 12 nhóm tiêu chí cạnh tranh toàn cầu, có rất nhiều nhóm tiêu chí Việt Nam ở thứ hạng rất thấp, đó là các nhóm tiêu chí thị trường hàng hoá (thứ 102), năng động kinh doanh (#101), kỹ năng (#97), ứng dụng CNTT Viễn thông (#95), thể chế (#94), thị trường lao động (#90), đổi mới sáng tạo (#82), hạ tầng (#75)….

Nguyên nhân để các nhóm tiêu chí trên có thứ hạng rất thấp là vì rất nhiều tiêu chí được WEF chấm điểm và thứ hạng rất thấp, cụ thể:

1. Nhóm thể chế (#94): Sự tin cậy của kiểm toán và các báo cáo (#128), tự do báo chí (#139), các qui định về xung đột lợi ích (#112), bảo vệ tài sản trí tuệ (#115), quyền sở hữu tài sản (#104), các qui định của chính phủ (#96), vốn xã hội (#93), tham nhũng (#91).

2. Nhóm thị trường hàng hoá (#102): Hàng rào thuế quan (#124), cạnh tranh dịch vụ (#103), ảnh hưởng của thuế và bảo hộ (#94), thuế thương mại (#93).

3. Năng động kinh doanh (#101): Sẵn sàng uỷ quyền (#110), khả năng thu hồi nợ (#109), thời gian thành lập doanh nghiệp (#104), luật phá sản (#93), rủi ro kinh doanh (#93), các công ty sáng tạo (#93).

4. Kỹ năng (#97): Kỹ năng của sinh viên tốt nghiệp (#128), chất lượng dạy nghề (#115), tư duy phản biện trong giảng dạy (#113), nhân viên lành nghề (#104), kỹ năng số (#98), số năm học phổ thông (#98).

5. Thị trường lao động (#90): Quản trị chuyên nghiệp (#124), chi phí lãng phí (#106), lao động nước ngoài (#95), cộng tác giữa chủ và người lao động (#92).

6. Ứng dụng ACT (#95): Mobile băng rộng(#102), số người dùng Internet (#88).

Như vậy để Việt Nam phát huy hết tiềm năng, bứt phá và vươn lên mạnh mẽ, tăng trưởng cao và bền vững hơn nữa thì chúng ta phải nỗ lực nâng điểm, nâng hạng các tiêu chí, các nhóm tiêu chí cấu thành năng lực cạnh tranh quốc gia, đặc biệt là các tiêu chí đã liệt kê ở trên.

Nguồn FB Đỗ Cao Bảo

Để lại một bình luận