Kinh nghiệm trồng cúc chi ‘chỉ thấy hoa, không thấy lá’

Đã ba năm nay, hai tầng ban công nhà anh Tuyên Nguyễn (Thái Nguyên) vàng rực những khóm cúc chi. Cây rủ xuống như một chiếc rèm cửa điệu đà.

Cúc có hàng trăm loại nhưng mỗi dịp giáp Tết, hoa cúc chi lại được nhiều gia đình lựa chọn mua về để làm đẹp không gian sống. Bởi cúc chi nở thành chùm xum xuê, màu vàng tươi mang thông điệp về sự thịnh vượng, sung túc cho năm mới; hương hoa thơm phức, đậm đà và đặc biệt dễ trồng, dễ chăm; cây có độ rủ nhẹ mềm mại rất phù hợp để trang trí ban công hay trồng trong chậu treo trước cửa. Hoa cúc chi phơi khô còn có thể dùng để pha trà thanh nhiệt, giải độc.

Anh Tuyên Nguyễn (Thái Nguyên) là một người yêu hoa và có kinh nghiệm trồng nhiều loại như cúc, lan, hồng, ly… trên ban công gia đình. Riêng với cúc chi, anh Tuyên cho biết, ba năm trước anh mua một chậu hoa nhỏ rồi giâm cành để nhân giống nên đến nay, những khóm hoa cúc như tạo thành tấm rèn buông rủ phía trước ngôi nhà của anh. 

Anh Tuyên trồng cúc ở cả mặt trước và bên hông của ngôi nhà.
Anh Tuyên trồng cúc ở cả mặt trước và bên hông của ngôi nhà.

Theo anh Tuyên, cúc chi gồm hai loại có thân – lá khá giống nhau, chỉ khác ở kích thước bông và độ bền. Giống cúc bông to thường không bền bằng loại bông nhỏ nhưng khi nở rộ lại rất bắt mắt. Tuy vậy, cách trồng, chăm sóc cả hai loại hoa này của anh Tuyên đều giống nhau và theo các bước dưới đây.

1. Thời điểm trồng

Bạn có thể giâm cành tầm tháng 8 dương lịch thì cây sẽ cho hoa vào tháng 11-12. Cây phát nụ phụ thuộc chủ yếu vào quang kỳ. Ở đây là khi thời tiết bắt đầu chuyển lạnh và quang kỳ là ngày ngắn đêm dài sẽ kích thích cây ra nụ.

2. Chậu và giá thể trồng

Bạn chọn loại chậu càng to càng tốt nếu muốn một chậu cúc thật rực rỡ. Đường kính chậu từ 30 cm đến 60 cm.

Anh Tuyên Nguyễn sử dụng giá thể trồng cây gồm phân bò (hoặc trùn quế) trộn với trấu hun và đất thịt theo tỷ lệ khoảng 3/3/3. Yêu cầu giá thể có độ tơi xốp, thông thoáng và thoát nước. Đây chính là điều kiện quan trọng để rễ cây phát triển mạnh, hấp thu tối đa dinh dưỡng. 

Cúc chi phù hợp với khí hậu miền Bắc.
Cúc chi phù hợp với khí hậu miền Bắc.

3. Tưới nước và bón phân

Cây cần được bổ sung nước hàng ngày, đều đặn. Đừng để cây héo rũ rồi mới tưới, như vậy sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển ổn định của cây. Vào những ngày thời tiết quá hanh khô, bạn có thể tưới 2 lần/ngày vào sáng và trưa.

Về phân bón, bạn nên phối hợp bón cả phân hữu cơ và vô cơ (Phân bò khô, phân trùn quế, phân gà, phân dê, phân cá, phân đậu tương, phân rong biển…). Khoảng 10 ngày một lần, bạn bổ sung thêm phân vô cơ và bón phân đầu trâu 501 vào giai đoạn đầu cây tăng trưởng. Giai đoạn cây trưởng thành, bắt đầu phân hóa mầm hoa, bạn bón đầu trâu 701.

4. Nắng gió và sâu, bệnh

Cúc chi cần nhiều nắng (từ 3 đến 8 tiếng) một ngày, tuy nhiên không phải là nắng gắt 39-40 độ C. Cây thích nắng nhưng lại ưa nhiệt độ mát. Bạn nên treo hoặc đặt cây chỗ thoáng gió là tốt nhất.

Loại cây này có sức đề kháng tốt, thích nghi cao với khí hậu nhiệt đới nên nhìn chung ít bị bệnh. Nếu thấy xuất hiện bệnh muội hoặc bị rệp tấn công là do bạn đang để cây ở chỗ thiếu nắng, gió, độ ẩm cao, giá thể úng nước hoặc trong vườn nhà bạn có sẵn những loại sinh vật trên… Cách xử lý là phun thuốc trị rầy, rệp khoảng 1-2 lần. 

Cúc chi nở thành chùm và mỗi đợt kéo dài tới gần 2 tuần.
Cúc chi nở thành chùm và mỗi đợt kéo dài tới gần 2 tuần.

5. Cách giữ và nhân giống

Cây ưa khí hậu mát của mùa thu đông nên vào mùa hè, dưới cái nắng chói chang và nhiệt độ cao, cây thường bị lụi tàn hoặc chết khô. Vì thé, sau khi hết mùa hoa, anh Tuyên thường cắt cây, chừa lại gốc khoảng 20 cm rồi để chậu vào chỗ râm mát, tưới nước giữ ẩm và không bón phân cho cây.Từ những gốc cũ đó, mầm mới sẽ mọc ra và phát triển từ từ. 

Khoảng tháng 8 dương lịch hàng năm, anh Tuyên cắt những ngọn cây mới mọc để đem giâm cành sang chậu mới. Chậu có gốc cũ anh thường bỏ đi. Những cành mới giâm đó nếu được chăm sóc tốt thì sau vài tháng có thể đạt chiều dài 1-1,5m. 

6 tháng sau khi giâm cành, chậu cúc đạt kích thước khủng. Chậu cây nhà anh Tuyên đặt hoàn toàn trong ban công. Khi cây phát triển, nó sẽ tự bò ra và rủ xuống.

Anh Tuyên Nguyễn lưu ý thêm là khi cây đạt chiều cao khoảng 20-30cm, bạn nên ngắt ngọn cây để kích thích cây phân nhánh nhiều, chậu nhiều ngọn sau này sẽ tạo ra bụi hoa “không thấy lá đâu”.

Hà Nhi – Ngoisao.net