Kim Jong-un có thể cảnh giác Trump

Lãnh đạo Triều Tiên có thể chịu áp lực tâm lý và cẩn trọng hơn về nơi ở sau vụ Mỹ hạ sát tướng Iran Soleimani, theo giới quan sát.

Andrei Lankov, học giả người Nga và là chuyên gia về các vấn đề Triều Tiên, nói với tờ NK News hôm 5/1 rằng vụ hạ sát tướng Iran Qassem Soleimani cho thấy Tổng thống Mỹ Donald Trump sẵn sàng chấp nhận rủi ro hơn những gì các chiến lược gia Triều Tiên từng đánh giá, hiện thực hóa “lửa và thịnh nộ” mà ông nói trong năm đầu nhiệm kỳ.

“Thời gian trôi qua, ngày càng nhiều nhà quan sát có xu hướng coi năm 2017 đơn giản là trò bịp và người ta chấp nhận rằng Donald Trump không đủ can đảm hành động quân sự ở một phần rất bất ổn của thế giới”, Lankov cho hay. “Tuy nhiên, việc giết tướng Soleimani tuần trước chứng minh thế giới đã đánh giá thấp khả năng chấp nhận rủi ro của Trump”.

Theo chuyên gia này, người Triều Tiên đã lưu ý và rất có thể coi đó là một dấu hiệu cảnh báo. “Cái chết của Soleimani nhắc nhở họ rằng hành vi nguy hiểm quá mức có thể dẫn đến một máy bay không người lái Mỹ lặng lẽ tiếp cận một số mục tiêu ở vùng ngoại ô Bình Nhưỡng”, Lankov nhận định.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dự cuộc họp của đảng Lao động ở Bình Nhưỡng hôm 29/12. Ảnh: AFP.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dự cuộc họp của đảng Lao động ở Bình Nhưỡng hôm 29/12. Ảnh: AFP.

Trong khi đó, Yang Moo Jin, giáo sư Đại học Nghiên cứu Triều Tiên tại Seoul, Hàn Quốc nói với tờ Korea Herald rằng kết quả cuộc không kích của Mỹ tại Baghdad sẽ khiến lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un “chịu áp lực tâm lý”.

Cựu bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Jeong Se Hyun bác khả năng một cuộc tấn công tương tự của Mỹ nhằm vào lãnh đạo Triều Tiên, song cho rằng Bình Nhưỡng sẽ càng thận trọng hơn trong việc tiết lộ nơi ở của Kim Jong-un.

“Thông điệp của Mỹ là Triều Tiên không nên phóng tên lửa và khiêu khích quân sự vì điều đó chính là đe dọa Mỹ”, ông Jeong nói.

Mỹ không kích hạ sát thiếu tướng Iran Qassem Soleimani, tư lệnh đặc nhiệm Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, tại sân bay Baghdad, Iraq rạng sáng 3/1. Ấn phẩm văn hóa Triều Tiên Arirang Meari cho rằng sự kiện này sẽ biến Trung Đông thành nghĩa địa cho Mỹ, trong khi hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA nhấn mạnh rằng Nga và Trung Quốc đã có lập trường mạnh mẽ chống lại cuộc không kích của Mỹ.

Triều Tiên cuối năm 2019 tuyên bố sẽ gửi “quà Giáng sinh” cho Mỹ nếu Washington không có động thái nhượng bộ sau nhiều tháng đàm phán bế tắc. Giới chuyên gia dự đoán “món quà” có thể là một vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa, nhưng cuối cùng không có sự kiện nào xảy ra.

Trong bài phát biểu đầu năm mới 2020, Kim Jong-un đã dùng ngôn ngữ thận trọng để nói về Mỹ. Ông cho rằng chiến thuật trì hoãn của Mỹ là nhằm kéo dài tác động của các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Triều Tiên, kêu gọi người Triều Tiên thắt lưng buộc bụng chặt hơn vì việc cứu trợ dường như không thể xảy ra sớm.

“Nếu nước Mỹ không giữ lời hứa trước thế giới, đánh giá sai sự kiên nhẫn của người dân chúng tôi, tiếp tục sử dụng các biện pháp trừng phạt và áp lực đối với nền cộng hòa của chúng tôi, chúng tôi sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc tìm kiếm con đường mới để bảo đảm chủ quyền và lợi ích của đất nước”, Kim Jong-un nói.

 Huyền Lê (Theo Sputnik) – Vnexpress