“Tôi tin tưởng chắc chắn rằng mình sẽ trở thành triệu phú trong vòng 8 tuần, đơn giản vì tôi thấy tiềm năng của NFT. Tôi có danh bạ khổng lồ với nhiều khách hàng, họ đang tìm đến tôi vì những thứ như thế này”, Jamieson, 36 tuổi, cho hay.
Jamieson được biết đến với những bức tranh rực rỡ và danh sách khách hàng gồm nhiều vận động viên nổi tiếng. Anh nghe đến NFT từ người bạn là họa sĩ và cựu huấn luyện viên bóng chày Micah Johnson. Jamieson tạo ra NFT từ những bức tranh chân dung vận động viên đến các bức họa trừu tượng, bằng cách chụp ảnh độ nét cao và rao bán chúng trên những nền tảng giao dịch NFT.
“Tôi nghĩ rằng ‘ai đó sẽ trả 150 USD cho ảnh chụp bức tranh tôi vẽ cách đây hai năm và thậm chí còn không nhớ đến nó’. Điều đó khiến tôi hứng thú”, Jamieson nói. Khi các cuộc đấu giá bắt đầu, thuật toán của nền tảng SuperRare thu hút ngày càng nhiều người mua.
Chỉ trong 6 tuần, Jamieson thu về 40.000 USD từ 17 tác phẩm NFT trên SuperRare, trong đó bức tranh đắt nhất có giá 4.772 USD. Họa sĩ này cũng bán được một bức tranh NFT trên nền tảng OpenSea với giá 6.500 USD.
Tác phẩm NFT của Jamieson có giá bán thấp hơn những bức tranh thực do anh vẽ, vốn có giá 10.000 đến 15.000 USD và mang về khoảng 100.000 đến 150.000 USD/năm. “Việc có thêm nguồn thu từ NFT có ảnh hưởng rất lớn đến công việc kinh doanh ngày nay”, anh nhận xét.
Jamieson đang quảng cáo những tác phẩm NFT trên mạng xã hội, cho rằng nó vẫn còn nhiều tiềm năng. “Chúng chứng minh được tính độc và hiếm. Với tranh bình thường, người bán có thể khẳng định chỉ có 10 bản sao, trong khi thực tế có tới 50 bản sao. Bạn không thể xác nhận điều đó. Chuyện này không xảy ra với NFT, hãy nghĩ đến khả năng phát triển dài hạn của mô hình ‘khan hiếm có thể chứng thực’, thay vì chỉ nghĩ rằng bạn vừa mua một file jpeg”, họa sĩ Mỹ nói.
Thị trường NFT gần đây đã nguội dần khi doanh số và giá bán suy giảm, nhưng Jamieson tự tin rằng nó sẽ tiếp tục phát triển và chi phí sẽ ổn định. “Tôi cho rằng có bong bóng với giá bán hiện nay, nhưng thị trường NFT chỉ là bề nổi của tảng băng chìm và đây là cơ hội tuyệt vời cho giới họa sĩ, thật ngốc nghếch khi phớt lờ nó”, anh nói thêm.
NFT (Non-fungible token) – chuỗi mã đại diện cho các vật phẩm – sử dụng công nghệ blockchain, tương tự nền tảng Bitcoin. Khả năng sử dụng của NFT không nằm ở những vật phẩm, như bức tranh JPG hay video MP4, mà nằm ở quyền sở hữu độc quyền chúng, được chứng nhận bởi chuỗi mã NFT. Nhờ đó, món hàng trở thành duy nhất.
Sở hữu NFT được ví như mua một món hàng sưu tầm có một không hai. Nhà đầu tư mua NFT gắn với một sản phẩm nào đó, nhằm biến mình trở thành người sở hữu duy nhất, hoặc kỳ vọng sản phẩm tăng giá và bán kiếm lời. Song song với cơn sốt tiền điện tử, NFT cũng trở thành mặt hàng mới, được giới đầu tư quan tâm.
Điệp Anh (Theo CNBC) – Vnexpress