‘Không thể tiếp tục cho học sinh nghỉ tháng 3’

Số ngày còn lại của học kỳ II và mùa hè giống như “lương khô” đối với ngành giáo dục. Số “lương khô” đã ít, khi nào thực sự cần hãy dùng.

Có con đang học lớp 1, TS Trần Vinh Dự (43 tuổi, hiện làm việc tại TP HCM) chia sẻ quan điểm về thời điểm cho học sinh đi học trở lại.

Chiều 22/2, sau khi được Phó thủ tướng Vũ Đức Đam giao điều chỉnh kế hoạch, thời gian năm học 2019-2020, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã ký văn bản đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh thành cho học sinh đi học trở lại vào ngày 2/3. Tuy nhiên, đến chiều 24/2, Văn phòng Chính phủ kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cho học sinh mầm non, tiểu học, THCS nghỉ thêm hai tuần, học sinh THPT đi học từ đầu tháng 3.

Nếu không có gì thay đổi, hầu hết tỉnh thành cho học sinh đi học trở lại từ ngày 2/3. Riêng Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM đề xuất thành phố chỉ cho học sinh lớp 9 và 12 đi học ngày 2/3, các khối lớp còn lại ở bậc THCS, THPT, lớp lá (trên 5 tuổi) ở mẫu giáo và học sinh lớp 5 bậc tiểu học đi học từ 16/3. Các lớp còn lại cấp mầm non và tiểu học sẽ có thông báo sau tùy vào tình hình dịch bệnh.

Vậy quyết định như thế nào về thời gian cho học sinh trở lại trường trong dịch Covid-19 này mới hợp lý?

Khảo sát trên VnExpress từ ngày 24 đến 27/2.
Khảo sát trên VnExpress từ ngày 24 đến 27/2.

Không có thống kê chính xác nhưng theo những tranh luận trên các diễn đàn báo chí và mạng xã hội, có một tỷ lệ rất lớn (nếu không phải là đa số) ủng hộ việc tiếp tục nghỉ học trong tháng 3.

Nếu dựa vào ý kiến của công chúng để quyết, có lẽ Thủ tướng sẽ cần một cuộc trưng cầu dân ý. Nhưng điều này bất khả thi vì thời gian không cho phép. Hơn nữa, ngay cả khi tổ chức trưng cầu được, người dân cũng cần được tiếp cận thông tin đầy đủ để phân tích và bỏ phiếu.

Thế nào là thông tin đầy đủ? Ngay cả Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng chưa thể dự báo chính xác chiều hướng diễn biến của dịch bệnh. 

Các kịch bản là gì? Tình hình dịch bệnh Covid-19 ở Việt Nam tại thời điểm này có thể nói là không đáng kể vì cả 16 ca nhiễm bệnh đều khỏi hoàn toàn và trong 15 ngày qua không ghi nhận ca nhiễm mới. Tuy nhiên, như Phó thủ tướng Vũ Đức Đam hôm 25/2 đã nói “Việt Nam đã thắng trong trận đầu chống dịch, nhưng chưa thắng cả cuộc chiến, mà bước sang giai đoạn mới khi xuất hiện các diễn biến mới về dịch tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Italy”.

Từ trạng thái hiện nay, tình hình có thể tốt lên nữa (hoàn toàn hết dịch), như cũ (còn một vài trường hợp), xấu đi đáng kể (phát hiện thêm nhiều ca nữa nhưng không đến mức hàng trăm hay hàng nghìn), hoặc rất xấu, trở thành một dạng như Hàn Quốc, Nhật Bản, Italy, hay cực kỳ xấu như Hồ Bắc ở Trung Quốc.

Liệu ngành giáo dục có nhiều lựa chọn để có nhiều kịch bản ứng phó trong từng trường hợp như trên? Học kỳ II năm học 2019-2020 đã mất một tháng (tháng 2), có thể mất thêm một tháng nữa (tháng 3). Nếu nghỉ cả tháng 4, việc thi cử chuyển cấp hoặc tốt nghiệp phổ thông sẽ vỡ trận vì không thể tổ chức học và thi kịp trước khi khai giảng năm học mới. 

Những học sinh không phải thi chuyển cấp có thể học từ tháng 5 tới tháng 8 để hoàn thành học kỳ II rồi bắt tay luôn vào học kỳ I của năm học mới 2020-2021. Nhưng sau tháng 4 liệu có nghỉ tiếp được không? Nếu nghỉ tiếp, dù chỉ một tháng, năm học 2019-2020 coi như bỏ.

Nói như vậy dường như ngành giáo dục có lựa chọn nghỉ thêm cả tháng 4 đối với học sinh không phải thi chuyển cấp, nhưng đó chỉ là lý thuyết. Thực tế gần như không thể, vì ảnh hưởng của việc nghỉ này quá lớn đối với ngành giáo dục.

TS Trần Vinh Dự. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
TS Trần Vinh Dự. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Vậy việc quyết định nghỉ học trong tháng 3, hoặc sau đó cả tháng 4 sẽ dựa trên cơ sở gì, kịch bản nào về dịch bệnh?

Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội có thể chưa xây dựng phương án đối phó cho các kịch bản. Những người ủng hộ việc nghỉ học trong tháng 3 chủ yếu dựa trên cảm nhận “tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp”. Cứ cho là học sinh, sinh viên sẽ nghỉ cả tháng 3 thì sau đó là gì? Chưa ai có câu trả lời.

Nếu sau tháng 3, tình hình vẫn diễn biến như hiện nay, hoặc tốt hơn, việc nghỉ học trong tháng 3 là thừa. Nếu sau tháng 3, tình hình diễn biến theo hướng tệ đi thì Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cũng không còn “dư địa” để cho học sinh nghỉ tiếp trong tháng 4 hoặc kéo dài sau tháng 4 trừ khi chấp nhận việc bỏ luôn cả năm học 2019-2020.

Nhưng ai dám chịu trách nhiệm cho việc quyết định bỏ nguyên cả năm học? Điều này không chỉ ở câu chuyện hơn 24 triệu học sinh, sinh viên mất nguyên một năm tuổi trẻ không bao giờ lấy lại được, nó còn nằm ở chỗ cả một ngành giáo dục ngừng hoạt động. Ảnh hưởng của nó đến cả hệ thống kinh tế, đến ngân sách, hiệu suất lao động của người đi làm, cơ sở hạ tầng xã hội cần thiết để quản lý hơn 24 triệu người ngừng học tập một cách an ninh và an toàn.

Hệ thống giáo dục tư thục sẽ tồn tại như thế nào sau cú sốc? Ai sẽ trả lương cho thầy cô không đi dạy, đặc biệt khi họ làm trong khu vực giáo dục tư? Các gia đình người nước ngoài có con đi học sẽ phản ứng thế nào khi con họ không được đi học trong thời gian dài? Đó là danh sách ngắn các vấn đề. Trên thực tế còn có thể có hàng trăm vấn đề khác cần giải quyết nếu mất hẳn một năm học.

Vì thế, ngay cả Trung Quốc cũng chỉ có bốn địa phương là Hồ Bắc, Bắc Kinh, Cát Lâm, Thiên Tân cho học sinh nghỉ, còn lại không có nơi nào dám cho học sinh nghỉ dài hạn.

Vậy nên nếu quyết định cho học sinh tiếp tục nghỉ tháng 3, nhà nước cũng cần phải đủ quyết tâm để cho học sinh nghỉ tiếp tháng 4 và lâu hơn trong trường hợp dịch bệnh xấu hơn, dẫn tới việc mất nguyên một năm học và có kế hoạch đủ tốt để hạn chế các tác động tiêu cực của nó. Và vì điều này cơ bản là bất khả thi, tôi cho rằng việc không cho trẻ đến trường vào tháng 3 chỉ là một liều thuốc an thần.

Trong khi đó, nếu cho học sinh đi học lại vào tháng 3 và trường hợp dịch bệnh có xu hướng diễn biến xấu hơn, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội sẽ còn dư địa để cho học sinh nghỉ học thêm vào thời gian còn lại của học kỳ, ví dụ vài tuần trong tháng 4 hoặc tháng 5 mà kế hoạch năm học 2019-2020 vẫn thực hiện được. Có vẻ như ít người để ý đến khía cạnh này.

Số ngày còn lại của học kỳ II và mùa hè giống như một thứ “lương khô” đối với ngành giáo dục. Số “lương khô” đã ít thì khi nào thực sự cần thiết và bắt buộc hãy ăn. Giờ đang ở lúc tuy vẫn rủi ro nhưng cũng không tới nỗi nào, nếu lấy ra ăn hết, lúc khủng hoảng hơn nữa biết lấy “lương khô” ở đâu mà chữa cháy?

Chiều 22/2, Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định điều chỉnh thời gian kết thúc năm học 2019-2020 trước ngày 30/6, xét công nhận hoàn thành chương trình tiểu học, THCS trước 15/7, tuyển sinh lớp 10 hoàn thành trước 15/8, thi THPT quốc gia từ 23 đến 26/7.

Như vậy, ba mốc thời gian kết thúc năm học, xét công nhận hoàn thành chương trình tiểu học, THCS và thi THPT quốc gia được lùi một tháng so với quy định. Riêng việc tuyển sinh vào lớp 10 lùi nửa tháng. 

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương xây dựng kế hoạch học tập, đảm bảo số tuần thực học trong năm đối với cấp mầm non và tiểu học ít nhất là 35, cấp THCS và THPT ít nhất là 37; giáo dục thường xuyên (THCS và THPT) ít nhất 32 tuần.