‘Không dùng ngân sách xử lý doanh nghiệp thua lỗ’

Thủ tướng chỉ đạo rà soát các doanh nghiệp làm thất thoát, lãng phí vốn hoặc lỗ kéo dài nhưng không được dùng ngân sách nhà nước để xử lý.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký quyết định ban hành chương trình tổng thể về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020. Nhiệm vụ chung là siết chặt kỷ luật tài chính, thực hiện các giải pháp chống thất thu, kiểm soát bội chi ngân sách nhà nước, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển và giảm tỷ trọng chi thường xuyên.

Đối với hoạt động quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước, Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục cơ cấu và sắp xếp lại doanh nghiệp; đồng thời rà soát, xử lý dứt điểm tồn tại yếu kém của doanh nghiệp nhà nước và có vốn nhà nước. Doanh nghiệp vi phạm làm thất thoát, lãng phí vốn hoặc các dự án đầu tư chậm tiến độ, kém hiệu quả phải bị xử lý, nhưng không được dùng ngân sách nhà nước để xử lý thua lỗ.

Theo báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội vào tháng 10/2019 về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp, tính đến cuối năm 2018, 19 doanh nghiệp nhà nước và có vốn nhà nước chi phối đang đầu tư 114 dự án ở nước ngoài trong các lĩnh vực viễn thông, thăm dò và khai thác dầu khí, trồng cây cao su, khai thác khoáng sản, tài chính ngân hàng. Tổng số lỗ phát sinh trong năm 2018 của các dự án báo lỗ là 367 triệu USD. Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong số này là các dự án của Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG).

Chính phủ cũng đánh giá nguyên nhân chủ quan chung dẫn đến kết quả hoạt động đầu tư ra nước ngoài còn chưa đạt như kỳ vọng là khả năng dự báo thị trường, năng lực quản lý, năng lực tài chính và về kinh nghiệm trong đầu tư ra nước ngoài còn hạn chế. 

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ ngành chỉ quyết định chủ trương đầu tư các dự án có hiệu quả và phù hợp khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư công, đảm bảo 100% dự án đầu tư công có đầy đủ thủ tục theo quy định. Các bộ ngành phải lựa chọn dự án đảm bảo thủ tục để khi được giao kế hoạch đầu tư vốn thì triển khai ngay, tránh tình trạng giao vốn nhưng không thực hiện, trong khi số khác có nhu cầu thì không được bố trí.

Thủ tướng cũng yêu cầu cải thiện chất lượng công tác khảo sát, thẩm định dự án để hạn chế tối đa các nội dung phát sinh dẫn đến phải điều chỉnh thiết kế, thi công và tổng mức đầu tư.

Phương Đông – Vnexpress