“Nếu người dân hài lòng như các báo cáo mà chúng tôi được đọc, chắc cả ngày lãnh đạo không còn việc gì làm, chỉ có đi ăn giỗ”, ông Trần Lưu Quang nói tại hội nghị báo cáo kết quả đánh giá hài lòng của người dân và tổ chức đối với công tác cải cách hành chính, do Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP HCM tổ chức, ngày 3/1.
Báo cáo tại hội nghị, Phó chủ tịch thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM Vũ Thanh Lưu cho biết, năm 2019 đã khảo sát tại 16 sở ngành, 24 quận huyện và 105 UBND phường, xã, thị trấn. Các điều tra viên thực hiện hơn 28.200 cuộc gọi, gặp trực tiếp 2.200 người dân. Kết quả cho thấy người dân, doanh nghiệp thể hiện mức độ hài lòng với cán bộ, công chức trong quá trình cung cấp dịch vụ hành chính công đạt 80% trở lên, có nơi hơn 95%.
Đa số người dân, doanh nghiệp phải đi lại tối thiểu 2 lần để hoàn thành thủ tục hành chính ở 16 sở và các quận huyện. Riêng ở cấp phường, xã có trường hợp dân phải đi lại 7 lần mới hoàn thành thủ tục. Trong quá trình giao dịch có nhiều trường hợp người dân tự ý chi tiền nhưng phần lớn là ngoài ý muốn.
Trong gần 4.000 cuộc khảo sát có 25 trường hợp người dân nói nộp tiền cho công chức ở các sở mà không có phiếu thu, chiếm tỷ lệ 0,6%. Riêng ở cấp quận huyện, kết quả khảo sát cho thấy có 51 trường hợp tương tự.
Theo Phó bí thư Thành ủy Trần Lưu Quang, không có số liệu cụ thể để khẳng định tỷ lệ hơn 95% người dân hài lòng là chưa chính xác, song ông đặt câu hỏi “có ai dám tin con số này không?”. “Bởi nhiều nơi, khi cán bộ xuống lấy ý kiến đã có danh sách người dân được chọn sẵn. Liệu những người có bức xúc, khiếu kiện, có nằm trong danh sách được chọn để khảo sát không”, ông Quang nêu vấn đề.
Lý do khác khiến Phó bí thư Thành ủy nghi ngờ kết quả khảo sát này là, khi thực hiện có thể chỉ đánh giá ở những việc dễ làm như công chứng. Ở đó người dân đóng tiền, cán bộ đóng dấu là xong việc, nên người dân sẽ nhấn nút xuất sắc cho vui vẻ…
“Thực tế, vẫn còn nhiều việc người dân chưa hài lòng như thủ tục quá rắc rối, thái độ cán bộ chưa tốt, còn tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Mặt khác, các doanh nghiệp thường có tâm lý ‘thôi thì cứ đánh giá tốt, góp ý liệu có tác dụng gì?'”, ông Quang nói.
Trung Sơn – Vnexpress