Khởi công Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng

Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng do EVN làm chủ đầu tư, tổng số tiền hơn 9.220 tỷ đồng, công suất 480 MW, với hai tổ máy.

Sáng 10/1, phát lệnh khởi công dự án, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh những công trình thủy điện lớn trên sông Đà (gồm Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu) là biểu tượng của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Để xây dựng được những công trình trên, nhiều xương máu, mồ hôi đã đổ xuống (168 cán bộ, kĩ sư, trong đó có 11 cán bộ kỹ thuật Liên Xô đã hy sinh).

“Chúng ta khởi công Nhà máy Thủy điện Hòa Bình giai đoạn hai thể hiện sự kế thừa, phát huy sáng tạo của thế hệ hôm nay tiếp nối những thế hệ đi trước trong việc tận dụng nguồn tài nguyên nước quý giá, tạo ra nguồn năng lượng mới đóng góp cho sự phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng”, Thủ tướng nói.

Với việc mở rộng, xây dựng thêm hai tổ máy công suất 240 MW, tổng công suất Nhà máy Thủy điện Hòa Bình được nâng lên 2.400 MW, bằng công suất Thủy điện Sơn La. Như vậy, ba nhà máy trên sông Đà (Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu) có tổng công suất 6.000 MW, là chuỗi nhà máy trên một dòng sông lớn nhất Đông Nam Á, đóng góp 30% sản lượng điện quốc gia.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nghe báo cáo về quy mô nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng, sáng 10/1. Ảnh: Quang Hiếu
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nghe báo cáo về quy mô nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng, sáng 10/1. Ảnh: Quang Hiếu

Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu, sau khi mở rộng và đi vào vận hành, Thủy điện Hòa Bình tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ phát điện, điều tiết chống lũ, cấp nước, giao thông…

Thủy điện Hòa Bình mở rộng là công trình lớn, phức tạp, điều kiện thi công trong lòng thành phố, khối lượng thi công lớn, phạm vi rộng, nên các đơn vị cần đoàn kết, vượt khó, nỗ lực hoàn thành trước thời hạn ít nhất nửa năm. Mục tiêu là đưa nhà máy vận hành đầu năm 2023 để bổ sung nguồn điện cho đất nước.

“Phải an toàn tuyệt đối, an toàn lâu dài và phát triển bền vững, nhất là với vùng hạ du, không để sự cố nào xảy ra trong điều kiện thời tiết cực đoan hiện nay”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu.

Dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư với số tiền hơn 9.220 tỷ đồng, tổng công suất 480 MW với hai tổ máy, mỗi tổ máy có công suất 240 MW. Sản lượng phát điện bình quân 488,3 triệu kWh/năm. Dự kiến, hai tổ máy lần lượt phát điện vào quý 2 và 4/2024.

Nhà máy Thủy điện Hòa Bình do Liên Xô (cũ) thiết kế và cung cấp thiết bị, khởi công xây dựng 06/11/1979, khánh thành 20/12/1994. Đập dâng nước được áp dụng phương pháp màn chống thấm (đập đất đá lõi sét) chiều dài 734 m, chiều cao 128 m, chịu cột nước chênh lệch thượng, hạ lưu 102 m. Để xây dựng đập, công nhân phải tiến hành hai lần ngăn sông. Đợt 1 vào 12/1/1983 và đợt 2 vào 9/1/1986.

Đập xả tràn có 12 cửa xả đáy và 6 cửa xả mặt với năng lực xả tối đa 35.400m3/s. Hồ chứa nước có dung tích 9,8 tỷ m3 nước.

Lực lượng tham gia công trình gồm: 30.000 cán bộ công nhân, 5.000 chiến sỹ, 750 chuyên gia Liên Xô, 1.000 cán bộ ban quản lý công trình.

Sau hơn 30 năm vận hành, đến hết năm 2020, nhà máy đã cung cấp cho cả nước gần 250 tỷ kWh. Với dung tích hồ chức gần 10 tỷ m3 nước, dung tích chống lũ 5,6 tỷ m3, thủy điện Hòa Bình còn tham gia chống lũ, bảo đảm an toàn cho đồng bằng Bắc Bộ và Thủ đô Hà Nội.

Viết Tuân – Vnexpress