Khi giải Cống hiến xướng những cái tên quen

Giải Cống hiến lần thứ 16 (vừa trao giải sáng 7-1 tại Hà Nội và TP.HCM) khá ‘an toàn’ và dễ đoán khi cân bằng giữa tính chuyên môn và các dòng chảy, xu hướng âm nhạc mới, tiêu chí về tính viral (lan truyền nhanh) hay độ nổi tiếng…
Khi giải Cống hiến xướng những cái tên quen - Ảnh 1.
Rapper Dế Choắt nhận giải Nghệ sĩ mới xuất sắc tại giải Cống hiến 2020 – Ảnh: GIA TIẾN

Sau mỗi giải thưởng, bao giờ cũng có những băn khoăn nhất định về xứng đáng hay không xứng đáng. Cống hiến cũng không là ngoại lệ, nhất là khi nhìn vào bảng đề cử, rất dễ nhận ra sự trộn lẫn của nhiều trường phái trong âm nhạc.

“3 giải thưởng Cống hiến lần này đã giúp Tùng Dương có tổng cộng 13 giải Cống hiến. Xin được cảm ơn sự kỳ vọng và ghi nhận của mọi người. Tôi sẽ luôn cố gắng phát huy sự sáng tạo cho đến khi nào không còn sức khỏe.

Ca sĩ Tùng Dương

1. Việc bầu chọn không chỉ là đánh giá ai hơn ai kém, mà còn lựa chọn ủng hộ xu hướng nào, lối sản xuất và quảng bá nào.

Nếu xét riêng các hạng mục quan trọng (Ca sĩ của năm, Album của năm, Chương trình của năm), “chất cống hiến” vẫn được thể hiện rõ ràng, đậm nét. Đó là tính chuyên môn vượt lên tất cả. Do đó, chiến thắng của Tùng Dương là xứng đáng.

Cũng như ở Grammy hay các giải thưởng âm nhạc khác, tinh thần cốt lõi của giải vẫn được thể hiện qua những hạng mục trọng yếu. Còn ở các hạng mục phụ vẫn có thể có sự giao thoa, bắt tay với nhiều trường phái khác để giải có thêm sự đa dạng, thu hút nhóm công chúng mới.

Dế Choắt – Nghệ sĩ mới của năm – là một đại diện cho sự giao thoa này. Anh nói với Tuổi Trẻ: “Tôi, một cậu bé đường phố, xuất thân từ underground khiến các cô chú, anh chị cảm thấy thế giới này thú vị.

Tôi vinh dự khi nhận giải, đồng thời cũng hiểu rằng những nghệ sĩ đi trước như Tùng Dương, Huy Tuấn đã là bậc thầy. Sự cố gắng của họ không thể phủ nhận được. Họ truyền cảm hứng cho các bạn trẻ đi sau”.

2. Giải chỉ bao gồm 9 hạng mục, không nhiều nên sẽ có những vai trò khác nhau được gộp chung hạng mục. Chẳng hạn, giám đốc âm nhạc các chương trình biểu diễn được gộp với êkip sản xuất, hòa âm phối khí album nhạc trong hạng mục Nhà sản xuất của năm.

Và người chiến thắng, Touliver – giám đốc âm nhạc Rap Việt – có thể là do độ phủ sóng quá sâu rộng của chương trình này (thắng giải Chuỗi chương trình của năm) – giúp cống hiến của Touliver được đông đảo công chúng ghi nhận, chứ không đồng nghĩa với việc anh xuất sắc hơn Dương Cầm – giám đốc âm nhạc Bandland, chương trình mà chính Dương Cầm tự nhận là “bé nhỏ” so với các chương trình “hàng khủng” kia.

Hạng mục Music video của năm còn thiên về độ nổi tiếng nhiều hơn, khi Đi về nhà của Đen Vâu và Justa Tee chiến thắng trước Kẻ cắp gặp bà già của Hoàng Thùy Linh.

Bỏ qua việc Đi về nhà vốn là MV gắn với nhãn hàng thì khi đặt cạnh Kẻ cắp gặp bà già, MV này vẫn yếu hơn về các yếu tố: hình ảnh, concept (chủ đề), thông điệp, chiều sâu, tính văn hóa. Có chăng, Đi về nhà gần gũi và dễ hiểu hơn nhưng đó không phải điểm vượt trội khi hình ảnh trong MV khá cũ.

Khi được hỏi liệu sự nổi tiếng có tính quyết định trong giải Cống hiến năm nay, nhạc sĩ Nguyễn Minh Cường (người giành giải Nhạc sĩ của năm và Bài hát của năm với Hoa nở không màu) nói:

“Chắc nhiều người sẽ nghĩ Hoa nở không màu là ca khúc được nhiều người biết đến nên thắng giải là hiển nhiên. Nhưng đối với tôi, không có sự hiển nhiên nào ở đây. Tôi cảm ơn sự công nhận của báo chí và ban tổ chức với lao động của tôi và ca sĩ Hoài Lâm trong năm qua”.

Bên cạnh đó, nhạc sĩ cũng nuối tiếc khi Buồn làm chi em ơi – một bài hát cũng rất nổi tiếng của anh và Hoài Lâm – lại vắng mặt tại giải.

3. Giải Cống hiến luôn mong muốn tìm nhân tố mới nhưng cần hiểu thêm, mới không đồng nghĩa với trẻ hay viral, và cũng không có nghĩa là phải giảm tính chuyên môn.

Cống hiến sẽ giữ được bản sắc nếu luôn có sự khai phá, giới thiệu đến khán giả những cái tên ít được biết đến nhưng có sản phẩm chất lượng, cá tính nổi bật. Riêng việc có tên trong đề cử cũng là sự vinh danh đối với những nghệ sĩ như vậy.

Theo MI LY – Tuổi Trẻ