Khi đã có chí, hướng đi nào cũng dẫn tới thành công: Đừng bao giờ sợ hãi trước bất cứ điều gì, tất cả đều nằm ở quyết định của bạn

Chúng ta đều từng đối mặt với những vấp ngã, thất bại trong cuộc đời. Nhưng sau những lần thất bại ấy, bạn đã đứng dậy và kiên trì như thế nào để bắt đầu lại mọi thứ? Có thể nói, ý chí là yếu tố quan trọng nhất giúp chúng ta bước qua những chướng ngại vật của cuộc đời. Rèn cho mình một ý chí bền vững là bạn đã có trong tay chìa khóa để có thể hướng tới thành công.

Tôi đã hỏi rất nhiều người thành công trong các lĩnh vực khác nhau – một số làm việc cho những công ty, số còn lại thì kinh doanh riêng về vấn đề: “Sức mạnh của ý chí góp phần như thế nào đến thành công của họ?”. Nhưng đặc biệt nhất là lần phỏng vấn Sir Richard Greenbury về việc làm thế nào để thành công trong công việc và ông ấy có lời khuyên gì cho những nhà lãnh đạo trẻ tuổi đầy tham vọng.

“Tôi đã học cách để phát triển và truyền tải tầm nhìn một cách nhất quán, nhờ vậy những ý tưởng về việc kinh doanh đang diễn ra như thế nào trở nên rất rõ ràng. Tôi cũng học được sự kiên nhẫn vì không phải ai cũng có suy nghĩ, ý kiến, quan điểm giống nhau.

Khi gặp các tình huống khó khăn, tôi thường tự đặt ra những câu hỏi nghi ngờ về quyết định của mình. Nhưng ngay lập tức, tôi cố gắng gạt bỏ những ý định đó.

Nếu muốn tiến lên phía trước, bạn cần phải nắm bắt cơ hội của mình. Khi đã làm được điều đó, bạn sẽ như cá gặp nước vậy. Đừng bao giờ cảm thấy sợ hãi trước những việc lớn hay quan trọng. Tất cả nằm ở quyết định của bạn.

Đó là tất cả những gì về kinh doanh. Kinh doanh không đơn giản chỉ là ý chí hay tham vọng của bạn, mà nó là khả năng nắm bắt cơ hội và sự nỗ lực không ngừng nghỉ. Nếu sau này bạn đạt được thành công, chắc chắn sẽ có những người tìm cách hạ gục bạn.”

Sau buổi phỏng vấn, ông ấy gọi vọng ra lúc tôi đang đi trên phố Baker, thuyết phục tôi không viết những cuốn sách dạy người khác cách đạt được những lợi ích ích kỷ cho bản thân. “Đó là tất cả những gì về kinh doanh” – ông hét lớn.

Sức mạnh ý chí trong công việc không phải tất cả đều phục vụ cho lợi ích của riêng bạn. Đó chính là sự khác biệt. Tất nhiên bạn cũng phải sẵn sàng liều mạng và đầy quyết tâm.

Nhưng để thành công bạn cần có người đồng hành. Thành công trong công việc rất hiếm khi là sự nỗ lực của duy nhất một cá nhân.

Sức mạnh ý chí là:

  • Khả năng trì hoãn sự tự hài lòng, chống lại cám dỗ nhất thời nhằm hướng đến mục tiêu dài hạn.
  • Khả năng kiểm soát những suy nghĩ, cảm giác, những thôi thúc không mong muốn.
  • Khả năng nhận định tình hình rồi đưa ra quyết định thay vì dựa theo cảm xúc.
  • Hãy nỗ lực thực hiện các nguyên tắc đã đặt ra.

Tất cả những điều trên đều rất cần thiết ở nơi làm việc nhưng chỉ là có thôi thì chưa đủ. Vì vậy tôi đề xuất phương pháp 3S để giúp bạn có được những thành công trong công việc

Phương pháp 3S

Sức mạnh ý chí kết hợp cùng với sự quyết đoán và quyết tâm cao độ, bạn có thể làm được nhiều điều vượt xa giới hạn của mình.

  1. Self-awareness (tự nhận thức)
  2. Skills (kỹ năng)
  3. Self-preservation (tự vệ)

Self-awareness – Sự tự nhận thức

Tự nhận thức là có nhận thức rõ ràng về nhân cách, bao gồm: điểm mạnh, điểm yếu, tư tưởng, niềm tin, động lực và cảm xúc. Sự tự nhận thức cũng cho phép bạn hiểu về người khác: họ cảm nhận về bạn như thế nào, thái độ và cách phản ứng của bạn với họ. Hiểu rõ bản thân là điều tối quan trọng đối với tất cả chúng ta.

Thật không may, nhiều người lại hướng đến lối sống, sự nghiệp không phù hợp với năng lực và mong muốn thực sự của họ. Chúng ta dễ bị ảnh hưởng và dễ chịu sự kiểm soát từ người khác, đặc biệt là từ cha mẹ và thầy cô giáo.

Chúng ta gần như được định hướng theo những gì họ muốn. Mọi người thường có suy nghĩ bạn không nhất thiết phải yêu thích công việc mình đang làm, chỉ cần nó kiếm ra tiền và có địa vị trong xã hội là được. Nói một cách khác, chúng ta dành 48 tuần trong một năm cho việc kiếm đủ tiền để tận hưởng 4 tuần còn lại. Cuộc sống không phải là như thế. Nếu bạn biết mình giỏi trong lĩnh vực gì thì hãy chuyển hướng, theo đuổi đam mê.

Hãy bắt đầu hành trình nhận thức với một cái nhìn tổng quan về cuộc sống. Hãy bắt đầu hành trình nhận thức với một cái nhìn tổng quan về cuộc sống và bắt đầu các bài tập tưởng tượng.

1. Cuộc sống và sự nghiệp của bạn. Ví dụ như hoàn cảnh gia đình, quá trình học tập, giáo dục, công việc trong quá khứ.

2. Công việc hiện tại của bạn. Ví dụ như loại công việc, trong nhà/ ngoài trời, vị trí công việc, văn phòng làm việc.

3. Bạn muốn công việc của bạn sau này sẽ như thế nào. Ví dụ như: chức vụ,trách nhiệm, tiền lương, làm việc nhóm, mức độ hài lòng với công việc.

4. Bạn cần làm gì để đạt được điều đó: phát triển bản thân, tích lũy kinh nghiệm, kết nối, trao đổi, kỹ năng giao tiếp.

Khi lần đầu tiên làm bài tập này, tôi đã tự vẽ ra 4 phần của một năm và đã đạt được tất cả những gì đề ra trong cuộc sống cũng như trong công việc. Tôi luôn tin tưởng vào bản thân mình.

*Trích từ cuốn sách “Khi đã có chí, hướng nào cũng đi được” của tác giả Ros Taylor.

Ros Taylor

Theo Trí thức trẻ

Để lại một bình luận