Khách Việt thay đổi hành vi sau đại dịch

Người Việt bắt đầu du lịch trở lại, nhưng đa phần tự túc, thay vì mua tour trọn gói như trước.

Đợt nghỉ lễ vừa qua, những điểm đến như Đà Lạt, Vũng Tàu, Khánh Hòa, Sầm Sơn, Sa Pa… đông khách. Tuy nhiên, chủ yếu khách tự túc. Du khách chưa mặn mà trở lại với các tour trọn gói theo lịch trình có sẵn, đi qua nhiều địa phương và dừng ở các điểm tham quan.

“Tình hình dịch bệnh dù đã có những dấu hiệu khả quan, tâm lý khách vẫn còn lo ngại. Diễn biến của dịch cũng chưa thể khẳng định trước được điều gì nên khách thích lựa chọn dịch vụ và đi ngay, không chờ đợi tour tuyến”, ông Trần Thế Dũng, Tổng Giám đốc Lữ hành Fiditour, phân tích.

Nhiều đêm thức trắng để nghiên cứu, phân tích nhu cầu du lịch và hành vi của du khách trong nước thời điểm sau dịch, từ những kết luận ban đầu ông Dũng quyết định đưa ra các sản phẩm phù hợp như dịch vụ từng phần về vận chuyển, khách sạn, tour free & easy hay thiết kế tour trọn gói cho nhóm nhỏ khách gia đình.

Theo ông, nhu cầu của khách hiện thích tự do trải nghiệm nên chủ yếu tự đi. Họ mua dịch vụ lẻ trực tiếp hoặc thông qua doanh nghiệp khiến hãng lữ hành chưa khởi động được tour trọn gói. Giai đoạn này, khách thường chọn các tour hoặc dịch vụ cận ngày khởi hành, không đăng ký các tour theo kế hoạch xa như trước.

“Thường giai đoạn này, chúng tôi đã bán được khoảng 40% số lượng vé cho series mùa du lịch hè. Nhưng năm nay vẫn còn nguyên”, ông Dũng nói và cho biết thêm, nhu cầu đi du lịch của khách chắc chắn có nhưng thói quen đã thay đổi.

Nhiều tự lên kế hoạch tham quan, chỉ mua dịch vụ lưu trú và vận chuyển. Trong ảnh: Nhóm bạn trẻ đến từ TP HCM tham quan Điệp Sơn (Khánh Hòa). Ảnh: Nguyễn Nam.
Nhiều du khách tự lên kế hoạch tham quan, chỉ mua dịch vụ lưu trú và vận chuyển. Trong ảnh, nhóm bạn trẻ đến từ TP HCM tham quan lối đi bộ trên biển Điệp Sơn (Khánh Hòa). Ảnh: Nguyễn Nam.

Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, TGD kiêm Chủ tich HĐQT công ty vận chuyển Thiên Thảo Nguyên, cho tới tháng 6/2020, các công ty lữ hành là đối tác của doanh nghiệp vẫn chưa có kế hoạch thuê xe cho khách đoàn.

“Thời điểm này, đa số khách lẻ thuê xe và các bạn trẻ sử dụng dịch vụ vận chuyển theo tuyến cố định Hà Nội –  Sa Pa. Đối tác khách đoàn gần như không có. Doanh nghiệp du lịch cũng chưa đẩy mạnh tour trọn gói và đang tập trung bán lẻ dịch vụ để nhanh chóng thu hồi tiền”, ông Tùng nói.

Ông Nguyễn Minh Mẫn, đại diện công ty TST Tourist cho biết, tâm lý của khách thời điểm sau dịch cần sự an toàn, riêng biệt. Vì thế thường chỉ đặt tour theo nhóm gia đình, dưới 15 người; sử dụng xe riêng và lựa chọn điểm đến có không gian riêng biệt, đảm bảo vừa có khu vui chơi cho trẻ vừa có khu nghỉ dưỡng cho người lớn tuổi.

Sở Du lịch Hà Nội cũng khẳng định, các doanh nghiệp lữ hành đóng trên địa bàn hầu hết đều chưa tổ chức tour trọn gói, chủ yếu bán các dịch vụ riêng lẻ như lưu trú hay vận chuyển cho du khách có nhu cầu.

Theo chuyên gia tư vấn du lịch độc lập Trương Nam Thắng, thành viên của chương trình du lịch bền vững do Thụy Sĩ tài trợ, người dân vẫn còn tâm lý e dè lo sợ dịch bệnh nên không mặn mà với những tour ghép.

“Dù đã bỏ quy định về số lượng người được vận chuyển nhưng khách hàng cũng đang e ngại khi đi chung xe với người lạ vì không kiểm soát được nguồn gốc của dịch bệnh”, ông Thắng nói.

Đồng quan điểm trên, ông Trần Trung Kiên, đại diện Công ty du lịch Vietrantour, cho rằng, khách du lịch nội địa, đặc biệt là các bạn trẻ, gần đây quan tâm nhiều hơn đến hình thức du lịch tự túc. Đó là xu hướng được dự báo sẽ bùng nổ sau đại dịch.

Loại tour free & easy hoặc dạng combo vận chuyển kết hợp lưu trú sẽ giúp du khách chủ động hơn về thời gian, tuyến điểm tham quan và cả chi phí (mà nhóm khách này) dự tính sẽ bỏ ra cho mỗi chuyến đi.

“Tour trọn gói, thường đi theo lịch trình và có sự theo dõi sát sao của hướng dẫn viên, phù hợp nhiều hơn với nhóm khách trung niên vì cảm thấy yên tâm và hạn chế chi phí phát sinh khi đi du lịch”, ông Kiên nói.

Theo ông, đây cũng là một trong những thay đổi đặc tính của khách hàng du lịch nội địa trong thời gian gần đây. Đặc biệt, những thay đổi về hành vi du lịch này thể hiện rõ hơn sau Covid-19.

Sau dịch, nhu cầu và hành vi du lịch của khách cũng thay đổi. Hướng tới tiêu chí an toàn và không thích xô bồ. Ảnh: Hòa Hiệp.
Sau dịch, nhu cầu và hành vi du lịch của khách cũng thay đổi, hướng tới tiêu chí an toàn và không thích xô bồ. Ảnh: Hòa Hiệp.

Ngoài ra, hiện các hãng hàng không chủ động kết hợp với khách sạn, khu nghỉ dưỡng để đưa ra các gói combo gồm vé máy bay và lưu trú, để khách hàng dễ dàng tiếp cận hơn. Bên cạnh đó, các cơ sở lưu trú, khách sạn, khu nghỉ dưỡng cũng chủ động tiếp cận khách hàng…

“Đấy là lý do tour trọn gói chưa thể đưa vào khai thác và các gói combo đang được quan tâm nhiều hơn. Vì đến điểm tham quan, khách muốn đi đâu, chơi gì sẽ chủ động lựa chọn theo sở thích, nhu cầu”, ông Kiên nói.

Nắm bắt xu hướng của khách hàng, đơn vị lữ hành của ông Kiên đã phối hợp với các hãng hàng không như Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airlines… đưa ra các gói sản phẩm combo với giá giảm sâu để kích cầu. Đồng thời, doanh nghiệp này phối hợp với các khách sạn, khu nghỉ dưỡng hỗ trợ giảm giá cho du khách khi mua theo các gói combo, tăng thêm lựa chọn với các gói dịch vụ. Công ty phối hợp với các trung tâm xúc tiến du lịch của các địa phương xây dựng các gói tour ngắn ngày cho khách.

Trong khi đó, Vietravel lại chú trọng nhiều hơn đến chất lượng tour du lịch trọn gói. Các dịch vụ trong từng đường tour được doanh nghiệp này chăm chút kỹ. “Chúng tôi xây dựng tour theo phương châm ‘đi để trải nghiệm’. Mỗi chuyến đi sẽ mang lại những giá trị về cảm xúc cho du khách chứ không đơn thuần chỉ là đi du lịch. Vì thế, trong mỗi hành trình, chúng tôi luôn chú trọng đến tính an toàn và chất lượng của từng dịch vụ”, bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó tổng giám đốc Vietravel, nói.

Nguyễn Nam – Vnexpress