Lệnh trừng phạt mới Mỹ thông báo hôm 10/1 nhắm vào 8 quan chức an ninh quốc gia và quân sự cấp cao, cũng như nền công nghiệp nặng của Iran, sau căng thẳng gần đây liên quan tới vụ hạ sát tướng Soleimani của Mỹ và vụ Iran tập kích trả đũa nhằm vào lực lượng Mỹ ở Iraq.
Chỉ trong ba năm, hy vọng dè dặt về khả năng cải thiện quan hệ Mỹ – Iran biến thành leo thang căng thẳng. Nhiều dân thường Iran cho rằng họ sẽ một lần nữa phải gánh chịu hậu quả từ tình trạng này.
“Mỗi ngày khi thức dậy, người dân Iran lại đối mặt với tương lai đầy đen tối và mơ hồ”, Mehdi Rajabian, nhạc sĩ 30 tuổi người Iran, cho biết.
Khi thỏa thuận hạt nhân Iran được ký năm 2015, Tổng thống Barack Obama ca ngợi nó không “xây dựng trên niềm tin” mà là “sự xác minh”. Thỏa thuận được xem là một trong những thành tựu ngoại giao quan trọng của Obama, chính thức có hiệu lực vào đầu năm 2016.
Không bị giới hạn bởi lệnh trừng phạt quốc tế, công ty nước ngoài đổ xô tới Iran. Iran từ một quốc gia có tốc độ tăng trưởng thực tế ở mức -1,3% năm 2015 phát triển chóng mặt khi đạt 13,4% trong năm 2016. Nhưng khi Tổng thống Donald Trump đắc cử tháng 11/2016, ông đã đảo ngược chính sách dưới thời Obama, khiến tốc độ tăng trưởng GDP của Iran sụt giảm.
Trong suốt chiến dịch tranh cử, Trump lập luận rằng Mỹ nên rút khỏi thỏa thuận Iran. Trong bài đăng Twitter năm 2015, Trump nói đây là “điều tồi tệ với nước Mỹ và thế giới”. Thỏa thuận không có lợi ích gì ngoại trừ giúp Iran làm giàu và dẫn tới thảm họa. Tháng 8/2018, Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân. “Nó đã không mang lại ổn định, không mang lại hòa bình và sẽ không bao giờ mang lại điều đó”, Trump nói.
Người ủng hộ Trump lập luận rằng Iran lừa dối cộng đồng quốc tế và tiếp tục gây bất ổn ở Trung Đông. Nhưng các nước phương Tây tham gia thỏa thuận gồm Đức, Anh, Pháp lại bác bỏ lập luận. Họ cho rằng mục đích của thỏa thuận không phải là ngăn can thiệp của Iran ở khu vực và tình báo cho biết Iran tuân thủ thỏa thuận.
Ngoại trừ Mỹ, tất cả bên tham gia đều phải tuân thủ thỏa thuận. Châu Âu thông báo sẽ thiết lập cơ chế bảo vệ công ty tiếp tục làm ăn với Iran trước các lệnh trừng phạt của Mỹ. Tuy nhiên, khi Mỹ khôi phục lệnh trừng phạt Iran tháng 11/2018, thông báo trước đó của châu Âu có rất ít tác động. Đồng rial của Iran nhanh chóng mất giá so với đồng đôla.
Chính quyền Trump đe dọa áp lệnh trừng với tất cả quốc gia mua bán dầu với Iran, khiến tình hình ở quốc gia này càng thêm khó khăn. Xuất khẩu dầu của Tehran giảm mạnh sau khi lệnh trừng phạt có hiệu lực.
Lúc đầu, Mỹ đồng ý gia hạn thời gian áp lệnh trừng phạt cho một số khách hàng của Iran. Họ có thêm 6 tháng để tiếp tục nhập khẩu của Iran. Nhờ vậy, sản lượng dầu xuất khẩu của Iran tăng trong những tháng tiếp theo. Nhưng khi thời hạn 6 tháng kết thúc vào tháng 5/2019, xuất khẩu dầu của Iran chứng kiến mức sụt giảm mới.
Mối quan hệ gần đây giữa Tehran và châu Âu cũng không êm ấm. Giới chức Iran đổ lỗi cho đối tác châu Âu vì quá chậm chạp khi thực hiện biện pháp bảo vệ các công ty trước lệnh trừng phạt của Mỹ.
Phản ứng trước vụ hạ sát tướng Qassim Soleimani, tư lệnh lực lượng đặc nhiệm Quds, chính quyền Tehran gây sức ép bằng cách tuyên bố từ bỏ thêm cam kết trong thỏa thuận hạt nhân. Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) cam kết sẽ “làm mọi điều có thể” để giữ thỏa thuận Iran trước áp lực đe dọa “làm chết yểu” của Mỹ.
Tuy nhiên, câu hỏi quan trọng hiện nay là liệu lệnh trừng phạt bổ sung của Mỹ có gây ra tác động lớn cho Iran. Nhiều nhà phân tích cho hay chỉ riêng lệnh trừng phạt hiện tại đã đủ khiến Iran “khó thở” khi chứng kiến giá hàng hóa tăng vọt trong năm qua. Trong vòng một năm, giá thịt bò và thịt bê tăng từ 5,2 USD đến 7,7 USD mỗi kg, trong khi giá sữa tăng từ 0,3 USD tới 0,5 USD mỗi lít.
“Trong khi giới lãnh đạo luôn nói chúng tôi cần phải mạnh mẽ và chống chịu áp lực, nhưng chúng tôi dường như nghe thấy xương mình đã gãy”, Shiva Keshavarz, kế toán 22 tuổi, trả lời phỏng vấn AP mùa hè năm ngoái.
Theo Rajabian, kể từ đó, điều kiện sống của người dân Iran ngày một khốn khó hơn và dường như họ phải “đấu tranh để sinh tồn”.
Thanh Tâm (Theo Washington Post)