Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng hôm 31/12 ngang nhiên nói rằng Trung Quốc có chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa cùng vùng biển lân cận, ám chỉ ngoài khơi quần đảo Natuna nằm ở phía đông bắc quần đảo Trường Sa. Cả Trung Quốc và Indonesia đều có hoạt động đánh bắt cá “bình thường” ở đây, ông Cảnh nói thêm.
Trước đó, Indonesia hôm 30/12 ra tuyên bố tàu hải cảnh Trung Quốc xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia ngoài khơi quần đảo Natuna ở nam Biển Đông nhưng không nói rõ thời gian sự việc xảy ra. Bộ Ngoại giao Indonesia đã triệu đại sứ Trung Quốc để phản đối. EEZ của Indonesia ở ngoài khơi quần đảo Natuna chồng lấn với yêu sách “đường 9 đoạn” Trung Quốc đơn phương vạch ra, bao trùm hầu hết diện tích Biển Đông.
Bộ Ngoại giao Indonesia hôm nay ra tuyên bố yêu cầu Trung Quốc giải thích “cơ sở pháp lý và biên giới rõ ràng” cho yêu sách của họ đối với EEZ, dựa trên Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).
“Yêu sách của Trung Quốc với EEZ lấy cớ rằng ngư dân của họ đã hoạt động tại đây từ lâu, yêu sách đó không có cơ sở pháp lý và chưa bao giờ được UNCLOS năm 1982 công nhận”, Bộ Ngoại giao Indonesia viết trong tuyên bố. Jakarta cũng nhắc lại việc Tòa Trọng tài Thường trực năm 2016 tuyên bố Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên bên trong “đường 9 đoạn”.
Indonesia không phải là một trong số các bên có tuyên bố chủ quyền chồng lấn ở quần đảo Trường Sa. Tuy nhiên, Indonesia nhiều lần căng thẳng với Trung Quốc về quyền đánh bắt cá quanh quần đảo Natuna.
Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa. Chủ trương nhất quán của Việt Nam là mọi tranh chấp quốc tế, trong đó có tranh chấp về vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa phải giải quyết bằng các biện pháp hoà bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hợp Quốc.
Phương Vũ (Theo Reuters) – Vnexpress