Indonesia – nơi tỷ lệ chết vì nCoV báo động

Tỷ lệ xét nghiệm nCoV thuộc hàng thấp nhất thế giới và chính quyền thiếu phối hợp có thể khiến tỷ lệ tử vong tại Indonesia thuộc hàng cao nhất thế giới.

Indonesia ghi nhận số người chết vì Covid-19 cao nhất Đông Nam Á với 49 ca tử vong trong 579 người nhiễm. Tỷ lệ tử vong 8,4% của nước này tương đương Italy, ổ dịch lớn thứ hai toàn cầu và gấp đôi mức trung bình toàn thế giới.

Giới chuyên gia cho rằng nguyên nhân bắt nguồn từ số ca dương tính được phát hiện quá ít, tỷ lệ tử vong sẽ giảm dần khi càng có nhiều người được xét nghiệm và điều trị.

Binh sĩ Indonesia chuẩn bị chuyển thiết bị y tế tại sân bay Jakarta hôm 23/3. Ảnh: AFP.
Binh sĩ Indonesia chuẩn bị chuyển thiết bị y tế tại sân bay Jakarta hôm 23/3. Ảnh: AFP.

Tới nay, chỉ vài nghìn trong 270 triệu cư dân Indonesia được xét nghiệm nCoV, tỷ lệ nằm trong nhóm thấp nhất thế giới. Đến cuối tuần trước, mới có 1.727 người được kiểm tra Indonesia, tương đương 7,4 xét nghiệm/một triệu dân, so với mức trung bình khoảng vài trăm xét nghiệm/một triệu dân của thế giới. Số lượng này được kỳ vọng sẽ tăng lên trong thời gian tới khi Indonesia có thêm bộ xét nghiệm, trong đó 150.000 bộ đã được chuyển đến từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, Indonesia cũng phải đối mặt với nguy cơ bùng phát Covid-19 khi để lọt nhiều bệnh nhân và chưa có giải pháp ứng phó quyết liệt.

Trung tâm Mô hình Toán học về Bệnh truyền nhiễm (CMMID) có trụ sở tại London, Anh, cho rằng số người nhiễm nCoV thực tế ở Indonesia có thể nằm trong khoảng 70.000-250.000, tùy thuộc tốc độ lây lan. Và mỗi ca tử vong do Covid-19 ở một nước như Indonesia có thể tương đương với hàng chục nghìn người nhiễm virus.

“Khi xuất hiện ca tử vong đầu tiên, nhiều khả năng đã có hàng trăm đến hàng nghìn người mắc bệnh trong cộng đồng. Điều này gây nhiều khó khăn cho nỗ lực khoanh vùng và truy tìm người từng tiếp xúc với bệnh nhân, buộc giới chức phải áp dụng các chiến lược kiểm soát khác”, nghiên cứu được CMMID công bố hồi đầu tháng cho biết.

Indonesia công bố thông tin hai ca nhiễm đầu tiên vào 2/3, trong bối cảnh có nghi vấn nCoV đã lây lan rộng mà không bị phát hiện. Phó giáo sư Stefan Flasche tại CMMID nhận định Indonesia có thể ghi nhận đến một triệu ca dương tính nCoV. “Đây là kịch bản tồi tệ nhất với quốc gia đông dân thứ tư thế giới. Nó chưa chắc đã phải con số cao nhất”, ông nêu quan điểm.

Giáo sư Niall Ferguson thuộc Đại học Hoàng gia London của Anh cũng đồng quan điểm, cho rằng tốc độ tăng số ca nhiễm mới tại Indonesia có thể tăng vọt trong thời gian tới.

Jakarta tới nay chỉ áp dụng một số biện pháp giới hạn nhằm ngăn tình trạng xấu đi, trong đó có lệnh cấm nhập cảnh với ngươi đến từ những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất thế giới gồm Trung Quốc, Italy, Iran và Hàn Quốc.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo vẫn bác bỏ khả năng phong tỏa thủ đô Jakarta, nơi phát hiện phần lớn ca dương tính và tử vong của nước này. Những đoàn tàu vẫn đông chật người trong giờ cao điểm. Tín đồ vẫn đến những thánh đường Hồi giáo khắp Indonesia để tham gia buổi cầu nguyện ngày thứ sáu hàng tuần.

Indonesia không áp dụng cách ly bắt buộc với người nhập cảnh như Singapore và Australia, cũng không phát lệnh hạn chế đi lại dù cảnh sát được lệnh đóng cửa các sự kiện tôn giáo đông người, cũng như đình chỉ mọi hoạt động thể thao và giải trí.

Nhân viên y tế tại bệnh viện dã chiến trong làng vận động viên Asiad hôm 23/3. Ảnh: AFP.
Nhân viên y tế tại bệnh viện dã chiến trong làng vận động viên Asiad hôm 23/3. Ảnh: AFP.

Chính phủ Indonesia đã chỉ định 130 bệnh viện chuyên điều trị người mắc Covid-19, bổ sung 161 bệnh viện cảnh sát và quân đội vào danh sách dự bị. Làng vận động viên dành cho Asiad 2018 cũng được hoán cải thành bệnh viện dã chiến có khả năng tiếp nhận trên 4.000 bệnh nhân.

Tổng thống Widodo ra lệnh chuẩn bị hàng triệu liều thuốc chống sốt rét chloroquine và thuốc trị cúm, dù chưa có bằng chứng cho thấy chúng hiệu quả với Covid-19. Thống đốc Jakarta Anies Basweden cũng ban bố tình trạng khẩn cấp tại thủ đô, hối thúc các văn phòng và trường học đóng cửa, cho công chức làm việc tại nhà và giảm tần suất các phương tiện giao thông công cộng.

“Có thể phải mất đến vài tuần để biết những biện pháp này có mang lại hiệu quả hay không. Trên thực tế, Indonesia nhiều khả năng sẽ phải đối mặt với cơn sóng thần Covid-19 và hệ thống y tế có nguy cơ quá tải trong thời gian ngắn”, phóng viên Anne Barker của ABC News nhận xét.

Covid-19 cũng làm lộ những vết nứt giữa chính quyền trung ương và các tỉnh, đồng thời cho thấy điểm yếu trong cách tiếp cận của Widodo với chính trị và phong cách lãnh đạo của ông.

Joko Widodo luôn áp dụng công thức cố định từ khi còn là một doanh nhân, đến lúc trở thành thị trưởng thành phố Solo, thống đốc Jakarta và Tổng thống Indonesia. Đó là xây dựng cơ sở hạ tầng, cắt giảm thủ tục quan liêu, cải thiện khả năng tiếp cận dịch vụ cơ bản dù không thực sự cải thiện về chất lượng, cũng như dựa vào đội ngũ công chức để tăng hiệu quả công việc.

Cách tiếp cận này đặc biệt thành công khi tranh cử, nhất là khi các chính trị gia khác thể hiện sự yếu kém, khiến những cải thiện nhỏ của Widodo cũng trở nên đáng kể. Tuy nhiên, điều này không giúp gì nhiều trong nỗ lực kiểm soát Covid-19 tại Indonesia.

Phản ứng ban đầu của Jakarta khiến nhiều người lo ngại. Bộ trưởng Y tế Terawan Agus Putranto hồi giữa tháng 2 từng khẳng định Indonesia không xuất hiện người nhiễm nCoV nhờ cầu nguyện. Việc không xét nghiệm diện rộng cũng đặt ra nghi vấn thiếu minh bạch trong nỗ lực chống dịch.

Tổng thống Widodo (trái) và Bộ trưởng Putrano trong cuộc họp báo tại Jakarta chiều nay. Ảnh: Reuters.
Tổng thống Widodo (trái) và Bộ trưởng Putrano trong cuộc họp báo tại Jakarta hôm 2/3. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Indonesia tuần trước thừa nhận chính quyền đang hạn chế thông tin về Covid-19 vì “không muốn gây hoảng loạn” trong công chúng. Là người ưu tiên kinh tế, ông tỏ rõ lo ngại về ảnh hưởng của những biện pháp ứng phó mạnh tay đến kinh doanh và việc làm.

Widodo đã cố gắng trấn an người dân, khuyến khích họ áp dụng các biện pháp chống chống dịch cơ bản như liên tục rửa tay và hạn chế tiếp xúc xã hội. Ông cũng thành lập một đội phản ứng nhanh để đối phó dịch, khẳng định chính quyền trung ương sẽ nắm quyền điều hành. Tuy nhiên, vẫn thiếu sự điều phối giữa các cơ quan chính phủ và chưa có kế hoạch rõ ràng nhằm đối phó Covid-19.

Indonesia đã đối mặt với tình trạng bất đồng giữa các bộ ngành, cũng như giữa chính quyền trung ương và địa phương từ lâu. Widodo khó lòng khắc phục điều này chỉ trong hai nhiệm kỳ Tổng thống, dù ông có thể áp dụng những biện pháp khá cực đoan.

“Phong cách chính trị của Widodo không đủ để giải quyết khủng hoảng ở mức độ này. Một trong những lý do khiến các chính quyền địa phương tự áp dụng biện pháp ứng phó riêng là họ đang mất niềm tin vào năng lực quản lý của Tổng thống Indonesia trong đại dịch”, ký giả Ben Bland của Channel News Asia nhận xét.

Vũ Anh (Theo ABC News, CNA) – Vnexpress