Họng cứu hỏa bị bục khiến nước tràn vào nhiều căn hộ tại chung cư An Bình City (Hà Nội) gây thiệt hại nặng nề về tài sản.
Hệ thống kỹ thuật nên không ai có thể cam kết được…
Khoảng 9h30 phút sáng qua (16/2) tại tòa nhà A4 khu chung cư An Bình City (đường Phạm Văn Đồng, phường Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), do Công ty CP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Geleximco) làm chủ đầu tư, những hộ cư dân sống tại tầng 21 tòa nhà A4 đã bị ngập trong nước, nguyên nhân ban đầu được xác định là do tuột mấu nối ở họng nước cứu hỏa ở vách tường.
Chị Lý Phương Anh, chủ căn hộ 2104 cho biết, chị mới chuyển về sống tại chung cư An Bình City một ngày trước khi xảy ra sự cố. Sau khi nghe thấy một tiếng nổ lớn, giật mình mở cửa chạy ra ngoài thì nước bất ngờ ập vào nhà, khi nước ồ ạt chảy được khoảng 5 phút thì có còi báo cháy, bảo vệ chạy lên, thang máy bị khóa, cư dân hoảng loạn sơ tán trẻ con chạy bộ từ tầng 21 xuống dưới dưới tầng 1.
“Khoảng 30 phút sau mới có người của chủ đầu tư chạy lên giúp đỡ cư dân xử lý sự cố, tuy nhiên, lúc đó nước đã ngập vào nhà khoảng tầm hơn 30cm, đệm, bếp từ, các thiết bị sinh hoạt của gia đình chị đều bị hỏng” – chị Phương Anh ngậm ngùi chia sẻ.
Ông Đỗ Tuấn Anh, Trưởng Ban Đại diện lâm thời của tòa A4 cho biết, khu chung cư An Bình City do Geleximco làm chủ đầu tư gồm 8 tòa (từ A1 cho đến A8) mới được đưa vào vận hành sử dụng được khoảng gần 1 năm. Tuy nhiên, đây là lần thứ 2 đường ống nước cứu hóa bị bung gây nước tràn ra hành lang và vào các căn hộ của cư dân.
Lần đầu tiên xảy ra cách đây 2 tháng, tại tòa nhà A5. Lần thứ 2 là vào ngày 16/2 tại tòa A4. Vì vậy, cùng ngày (16/2), Ban Đại diện lâm thời tòa A4 đã tổ chức cuộc đối thoại với chủ đầu tư và lập biên bản cuộc họp.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Ban Quản lý dự án, Công ty CP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Geleximco) cũng đã xin lỗi toàn thể cư dân và hứa sẽ kiểm tra khắc phục hậu quả.
Tuy nhiên, nhiều cư dân tỏ ra quan ngại về vấn đề vận hành tòa nhà An Bình City vì đây không phải là lần đầu tiên sự cố bục, tuột đường ống nước cứu hỏa xảy ra. Nếu hệ thống vận hành tốt, thi công đảm bảo chất lượng, an toàn, thì sau sự vụ xảy ra bên A5 được kiểm tra, giám sát và khắc phục triệt để lỗi này sẽ không lặp lại tại tòa A4.
Nhiều cư dân đặt ra câu hỏi: “Liệu sau này Ban quản lý dự án có thể cam kết, đảm bảo không để xảy ra được sự cố tương tự như vậy hay không?”.
Câu trả lời từ phía ông Phạm Khánh Dương, Trưởng Ban sau đầu tư rằng: “Do là hệ thống kỹ thuật nên không ai có thể cam kết được, có lúc phải xảy ra vấn đề này, vấn đề kia. Chúng tôi sẽ khắc phục theo tòa nhà”.
Trước câu trả lời của ông Dương, nhiều cư dân hiện đang sống tại . Bởi, nếu nói vậy thì tính mạng và sự an toàn của người dân phụ thuộc hoàn toàn vào hệ thống vận hành kỹ thuật hay sao?
Anh Đào Ngọc Anh, cư dân của tòa nhà lo lắng trước câu trả lời này, hiện 4/5 thang máy của tòa nhà bị nước tràn vào, sau sự cố, đội kĩ thuật của Ban quản lý tòa nhà đã phải cho dừng thang máy để tạm thời sửa chữa. Vấn đề đặt ra ở đây, thang máy là thiết bị điện tử, một khi đã bị nước tràn vào gây hỏng hóc thiết bị thì sau này có vận hành được tốt hay không? Liệu khi sử dụng ai đảm bảo được việc không gỉ sét, chập cháy gây mất an toàn?
Đã có rất nhiều sự cố xảy ra tại khu đô thị An Bình City…
Không chỉ có sự cố bục, tuột đường ống nước cứu hỏa, mà tại khu đô thị An Bình City còn xảy ra rất nhiều sự cố trước đó.
Theo chia sẻ của người dân tại đây, khoảng hai tháng trước, căn hộ 1608 (tòa nhà A4) cũng bị nổ bình nóng lạnh, nguyên nhân xác định là do chập cầu đấu bình nóng lạnh (thuộc về lỗi thi công của nhà thầu)
Hệ thống báo cháy thường bất ngờ kêu giữa đêm khuya khiến cư dân đang chìm trong giấc ngủ phải hốt hoảng chạy ra hành lang kiểm tra. Thật giả lẫn lộn, nhiều người dường như đã quen với việc tiếng chuông báo cháy giả kêu giữa đêm. Nhưng đây chính là vấn đề quan ngại khi xảy ra cháy thật thì sao, khi đó cư dân hoàn toàn bị mất cảnh giác và thiếu đề phòng
Các cư dân An Bình City cũng bày tỏ ra bức xúc trước chất lượng dịch vụ của tòa nhà. Hiện mức phí áp dụng tại đây là 6.000 đồng/m2/tháng, tuy nhiên, chất lượng dịch vụ chưa được tốt, sảnh của các tòa nhà chưa được vệ sinh thường xuyên, nhân công ít và làm việc thiếu trách nhiệm. Cư dân cũng không được biết khoản phí 6.000 đồng/m2 đó được chi cho các hạng mục dịch vụ gì và chi như thế nào?
Với 8 tòa (4 tòa 28 tầng và 4 tòa 35 tầng) với khoảng 2.800 căn hộ, dự án được chủ đầu tư kỳ vọng sẽ trở thành khu đô thị kiểu mẫu tích hợp nhiều tiện ích lớn nhất khu vực phía tây của Hà Nội, thế nhưng thực tế người dân lại luôn sống trong cảnh nơm nớp lo sợ và bất an.
Năm 2018, khi chuẩn bị bàn giao căn hộ, nhiều khách hàng đã bức xúc và đấu tranh để đòi hơn 5.000 m2 diện tích thông thủy của hơn 2.700 căn hộ bị thiếu hụt so với hợp đồng mua bán./.