Hơn 111 triệu ca Covid-19, hơn 200 triệu mũi vaccine được tiêm toàn cầu

Toàn cầu ghi nhận hơn 111 triệu ca nhiễm, gần 2,5 triệu ca tử vong vì nCoV, hơn 200 triệu liều vaccine Covid-19 đã được tiêm.

Thế giới đã ghi nhận 111.595.331 ca nhiễm nCoV, trong đó 2.471.015 người đã chết, tăng lần lượt 383.219 và 9.128 ca. 86.784.812 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.

Tổng cộng, 201.042.149 liều vaccine Covid-19 đã được tiêm trên khắp thế giới tính đến 10h ngày 20/2 tại ít nhất 107 quốc gia và vùng lãnh thổ, theo số liệu của AFP dựa trên các nguồn chính thức. Con số trên chưa bao gồm dữ liệu mới nhất từ Trung Quốc và Nga, hai nước đã ngừng công khai tiến độ trong những ngày gần đây.

Tình nguyện viên tiêm vaccine Covid-19 tại Mỹ, tháng 10/2020. Ảnh: NY Times.
Tình nguyện viên tiêm vaccine Covid-19 tại Mỹ, tháng 10/2020. Ảnh: NY Times.

Khoảng 45% số liều vaccine được tiêm tại các nước thuộc khối G7, nơi chỉ chiếm 10% dân số thế giới. Mỹ, Canada, Anh, Đức, Pháp, Italy và Nhật Bản, 7 nước thuộc G7, hôm 19/2 cam kết chia sẻ vaccine một cách công bằng hơn với những quốc gia kém phát triển hơn.

Các lãnh đạo G7 có kế hoạch tăng gấp đôi tổng số hỗ trợ của họ cho nỗ lực tiêm chủng Covid-19 toàn cầu, lên mức 7,5 tỷ USD, bao gồm cả thông qua chương trình COVAX của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

92% số liều vaccine toàn cầu đã được tiêm ở những nước mà Ngân hàng Thế giới (WB) phân loại là “thu nhập cao” hay “thu nhập trên trung bình”, chiếm khoảng một nửa dân số thế giới. Trong 29 nước mà WB xếp hạng “thu nhập thấp”, chỉ có Guinea và Rwanda là đã bắt đầu chương trình tiêm chủng.

Israel đang bỏ xa các nước khác trên thế giới với gần 1/2 dân số đã được tiêm ít nhất một liều vaccine Covid-19. 1/3 dân số Israel đã tiêm đủ hai liều.

Một số nước khác đã tiêm chủng cho hơn 10% dân số ít nhất một liều vaccine gồm Anh (25%), Bahrain (16%), Mỹ (13%), Chile (12%), Cộng hòa Seychelles ở Đông Phi (43%) và Maldives (12%)

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận thêm 61.990 ca nhiễm và 1.672 ca tử vong, đưa tổng số lên lần lượt là 28.670.843 và 509.641.

Phân tích dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins tính đến 19/2, CNN nói rằng ca nhiễm mới ở Mỹ giảm 29% so với một tuần trước, đây là mức giảm mạnh nhất trong một tuần mà Mỹ từng chứng kiến trong đại dịch.

Trong một cuộc họp báo tại Nhà Trắng hôm 19/2, Giám đốc CDC Rochelle Walensky cho biết ca nhiễm mới ở Mỹ giảm liên tiếp 5 tuần, trung bình ca mới trong 7 ngày giảm 69% kể từ khi đạt đỉnh vào ngày 11/1.

Tuy nhiên, mức giảm này chưa hẳn phản ánh đúng thực tế, vì thời tiết mùa đông khắc nghiệt đã buộc các quan chức phải đóng cửa các trạm xét nghiệm, ảnh hưởng đến việc thu thập dữ liệu quan trọng.

Một số bang bị ảnh hưởng bởi các cơn bão mùa đông đang chứng kiến sự sụt giảm lớn về số ca mắc mới trong tuần này, bao gồm Texas, nơi ca mới giảm 56% so với tuần trước.

Tuy nhiên, đầu tuần này, Tiến sĩ Ashish Jha, hiệu trưởng Trường Y tế Công cộng Đại học Brown và Tiến sĩ Jonathan Reiner, giáo sư y khoa và phẫu thuật tại Đại học George Washington, đều chỉ ra rằng việc người dân ngày càng đeo khẩu trang nhiều hơn là một lý do khiến số ca mới giảm.

Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, báo cáo thêm 14.315 ca nhiễm và 99 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và chết vì nCoV lên lần lượt 10.991.091 và 156.339.

Chính phủ Ấn Độ, nước sở hữu năng lực sản xuất vaccine lớn nhất thế giới, hôm qua cho biết họ sẽ tăng gấp 5 lần số điểm tiêm chủng vaccine Covid-19, sau khi tiêm gần 9 triệu liều trong một tháng. Do giới chức đặt mục tiêu tiêm phòng cho 300 triệu người trong số 1,35 tỷ dân vào tháng 8, hoạt động này sẽ phải tăng cường đáng kể.

60% trong số gần 10 triệu nhân viên y tế Ấn Độ đã được tiêm kể từ khi chiến dịch tiêm chủng khởi động vào ngày 16/1. Ấn Độ dự kiến tiêm cho toàn cộng đồng từ tháng sau, bắt đầu với nhóm trên 50 tuổi hoặc có bệnh lý nền. Nước này cũng đã xuất khẩu vaccine sang 24 quốc gia như một phần của nỗ lực ngoại giao.

Brazil, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, ghi nhận thêm 1.022 người chết, nâng tổng số ca tử vong lên 245.977. Số ca nhiễm nCoV tăng 57.455 trong 24 giờ qua, lên 10.139.148.

Thị trấn Serrana ngày 17/2 bắt đầu tiêm chủng cho toàn bộ dân số trưởng thành, đánh dấu thử nghiệm tiêm chủng lâm sàng đầu tiên ở Brazil. Chiến dịch tiêm chủng đầy tham vọng cho 30.000 người trong số 50.000 dân của thị trấn sẽ cho phép giới chức phân tích tác động của việc tiêm chủng đối với đại dịch. Ngoại trừ phụ nữ có thai và cho con bú và những người bị bệnh, mỗi người lớn ở Serrana sẽ được tiêm hai liều vaccine Trung Quốc CoronaVac trong vòng hai tháng. CoronaVac và AstraZaneca/Oxford là hai loại vaccine duy nhất được Brazil cấp phép.

Tuy nhiên, chính quyền Brazil đang hứng chỉ trích là triển khai chiến dịch tiêm chủng chậm chạp và hỗn loạn. Một tháng sau khi triển khai, Brazil mới tiêm cho khoảng 6,2 triệu người trong 212 triệu dân. Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro kiên quyết không tiêm vaccine và bị cáo buộc “dẫn đầu chiến dịch chống tiêm chủng”, bất chấp việc quốc gia này là nơi bắt nguồn một biến chủng nCoV mới dễ lây lan hơn.

Anh, vùng dịch lớn thứ 5 thế giới, ghi nhận thêm 10.406 ca nhiễm và 445 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 4.105.675 và 120.365.

Thống kê cho thấy hơn 16 triệu người đã tiêm liều vaccine Covid-19 đầu tiên hơn hai tháng sau khi khởi động chương trình tiêm chủng. Giới chức Anh tuyên bố sẽ hoàn thành tiêm chủng cho tất cả những người trên 50 tuổi vào tháng 5 và tất cả người trưởng thành vào tháng 9.

Pháp, vùng dịch lớn thứ sáu thế giới, ghi nhận thêm 22.371 ca nhiễm và 183 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 3.583.135 và 84.147.

Hơn 3,3 triệu người Pháp đã tiêm vaccine Covid-19. Bộ Y tế yêu cầu cơ quan y tế khu vực và các bệnh viện “kích hoạt chế độ khủng hoảng” từ ngày 18/2, để chuẩn bị cho đợt gia tăng ca nhiễm do biến chủng virus dễ lây lan hơn. Chế độ này đòi hỏi tăng số giường bệnh hiện có, trì hoãn phẫu thuật không khẩn cấp và huy động mọi nhân sự y tế.

Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 1.271.353 ca nhiễm, tăng 8.054, trong đó 34.316 người chết, tăng 164. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định số ca nhiễm trên thực tế tại Indonesia có thể cao gấp 3 lần.

Indonesia ngày 17/2 khởi động chiến dịch tiêm chủng đại trà thứ hai, tập trung vào những người tiếp xúc nhiều với công chúng như người buôn bán ở chợ, giáo viên, cảnh sát, công chức và người trên 60 tuổi. Giai đoạn hai được bắt đầu với việc tiêm chủng hàng loạt tại chợ dệt may Tanah Abang ở Jakarta, nơi có khoảng 55.000 tiểu thương.

Trước đó, trong giai đoạn đầu tiên tập trung vào nhân viên y tế, 1,1 triệu người đã được tiêm chủng. Vaccine được triển khai là CoronaVac của Trung Quốc, một phần được sản xuất ở Indonesia. Giai đoạn tiêm chủng thứ hai dự kiến kết thúc vào tháng 5, tiếp cận 38,5 triệu người Indonesia.

Quốc gia gần 270 triệu người này có kế hoạch tiêm chủng cho hơn 180 triệu người, nhưng các nhà phân tích ước tính việc này có thể mất vài năm.

Philippines, vùng dịch lớn thứ hai Đông Nam Á, ghi nhận 559.288 ca nhiễm và 12.068 ca tử vong, tăng lần lượt 2.240 và 239 ca.

Từ vị trí một trong những quốc gia phát triển nhanh nhất châu Á trước đại dịch, Philippines phải hứng chịu đợt suy giảm kinh tế tồi tệ nhất vào năm 2020, do lệnh phong tỏa nghiêm ngặt buộc các doanh nghiệp đóng cửa và đẩy hàng triệu người vào cảnh thất nghiệp. Lo ngại gia tăng khi những lô vaccine Covid-19 đầu tiên dự kiến đến nửa cuối năm nay mới tới nước này.

Do sự xuất hiện của biến chủng nCoV dễ lây lan hơn từ Anh tại Philippines, Tổng thống Rodrigo Duterte cuối tháng một quyết định tái áp đặt lệnh cấm trẻ em 10-14 tuổi rời nhà, bất chấp lo ngại việc này sẽ khiến nền kinh tế ngày càng lún sâu vào khủng hoảng.

Vũ Hoàng (Theo CNN, AFP, Reuters) – Vnexpress