Hồi ức một hành khách trên du thuyền Diamond Princess

Những ngày bị cách ly trong cabin chật hẹp không cửa sổ, Hoàng chỉ cảm nhận thời gian trôi qua bằng 3 bữa ăn được phát mỗi ngày. – Star.vn Đời sống

“Du thuyền virus”, “Du thuyền khủng bố”, “Nhà tù nổi”… những từ nghe có vẻ đáng sợ để mô tả chiếc du thuyền hạng sang như Diamond Princess. Một tháng trước Diamond Princess chở hơn 3.700 hành khách và thủy thủ  đoàn cập cảng Yokohama, Nhật Bản và mọi người được yêu cầu ở lại trên tàu để kiểm dịch. 10 người được chẩn đoán nhiễm nCoV và tăng lên 621 người chỉ sau 14 ngày.

Đến 1/3, nhóm người cuối cùng bao gồm cả thuyền trưởng đã rời khỏi tàu khi tổng số người dương tính với nCoV được xác nhận lên tới 705. Con tàu thu hút sự chú ý của toàn thế giới. Diamond Princess trở thành một thảm họa về mặt dịch tễ học, biến kỳ nghỉ của toàn bộ hành khách thành một cơn ác mộng khi bị lênh đênh trên biển, không có lối thoát với nguy cơ nhiễm một căn bệnh nguy hiểm chưa có thuốc chữa luôn kề cạnh.

Một du khách người Hong Kong, Hoàng Nhã Hy đã ghi lại những trải nghiệm đáng nhớ trên du thuyền này.

Những ngày đầu như một giấc mơ

Năm tháng trước, Hoàng Nhã Hy hào hứng đặt vé du lịch cho gia đình trên du thuyền Diamond Princess nhân kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Lúc đó cô đã nghĩ tới những phòng khiêu vũ hạng sang, những phòng trưng bày nghệ thuật tuyệt đẹp, bể bơi vô cực sang chảnh và biển trời xanh ngắt. Hoàng đặt ba phòng không có cửa sổ, không ban công cho gia đình 7 người. “Chúng tôi sẽ rất bận rộn khi tham gia các hoạt động khác nhau trên du thuyền, không có nhiều thời gian ở trong phòng”, cô giải thích.

Những ngày đầu tiên diễn ra đúng như những gì Hoàng tưởng tượng, rất bận rộn và hạnh phúc. Là người đam mê nhiếp ảnh, cô gái 35 tuổi đã quay clip mọi hoạt động mình tham gia. “Những người trên du thuyền đến từ hơn 50 quốc gia. Chúng tôi chào hỏi, nhảy múa, chơi bóng bàn, mạt chược cùng nhau. Không khí vô cùng vui vẻ và náo nhiệt”, Hoàng Nhã Hy nhớ lại, “Nó giống như một giấc mơ vậy”.

Tâm trạng thoải mái chỉ tồn tại đến ngày 1/2, hôm đó Hoàng nhận được tin nhắn của bạn bè thông báo một người đàn ông 80 tuổi trên tàu Diamond Princess nhiễm nCoV. Cô nhanh chóng đặt điện thoại xuống, đeo khẩu trang, lao vào bộ phận chăm sóc khách hàng, nhân viên ở đây nói rằng họ chưa nhận được thông tin như vậy.

Hai ngày sau, Hoàng nhận được thông báo Diamond Princess sẽ di chuyển đến Yokohama và chính phủ Nhật Bản yêu cầu kiểm tra sức khỏe tất cả hành khách trên tàu. Thời điểm đó dù có chút căng thẳng nhưng mọi người vẫn nói chuyện với nhau, thậm chí một vở nhạc kịch vẫn diễn ra vào ban đêm. “Chúng tôi từng thực hiện một cuộc kiểm tra sức khỏe ở Okinawa và mọi người nghĩ rằng lần này ở Yokohama cũng tương tự”, Hoàng nói.

Tối hôm đó, nhân viên kiểm dịch Nhật Bản lên tàu, vào từng cabin kiểm tra sức khỏe hành khách. 4h30 sáng hôm sau, nhân viên mặc quần áo bảo hộ kín mít nặng nề gõ cửa phòng Hoàng. Sau khi đo nhiệt độ và lấy dịch từ họng, thấy Hoàng căng thẳng, họ an ủi: “Bạn nên đi ngủ, mọi thứ sẽ ổn vào hôm sau”.

Nhưng mọi việc tệ hơn vào ngày hôm sau khi tất cả hành khách được yêu cầu không rời khỏi phòng. “Ngay lúc đó tôi biết rằng cơn ác mộng đã bắt đầu”, Hoàng hồi tưởng.

Những nhân viên y tế trên tàu Diamond Princess đi kiểm tra sức khỏe của hành khách. Ảnh: Global times.
Những nhân viên y tế trên tàu Diamond Princess đi kiểm tra sức khỏe của hành khách. Ảnh: Global times.

Mặc dù ở cạnh phòng nhau nhưng người trong gia đình Hoàng được yêu cầu không gặp gỡ trong những ngày đầu cách ly, họ chỉ liên lạc qua Internet.

Những ngày sống trong cabin, Hoàng không cảm nhận được thời gian trôi qua bên ngoài. Điều duy nhất khiến cô định hình được thời gian là khi ba bữa ăn mỗi ngày được giao. Sau đó nhân viên du thuyền nói rằng TV trong phòng có một kênh tường thuật trực tiếp cảnh mặt trời mọc và lặn mỗi ngày phía trên đầu tàu. Hoàng bật màn hình và che bằng một mảnh vải như rèm cửa, giả vờ đây là cửa sổ và mặt trời.

Ngoài việc đo thân nhiệt hàng ngày, Hoàng cũng liên lạc với các hành khách khác trên tàu. Một ngày, cô gái sống ở buồng dưới gửi cho Hoàng tin nhắn nói rằng nhiệt độ của cô rất cao. “Cô ấy khóc không ngừng vì sợ hãi và lo lắng cho cha mẹ mình. Tôi an ủi nhiều nhưng tâm trạng cô ấy rất tồi tệ”, Hoàng Nhã Hy kể. Một ngày sau, cô gái buồng dưới bị chẩn đoán mắc nCoV và ra khỏi du thuyền cùng mẹ đến bệnh viện. “Hàng ngày tôi vẫn gửi tin nhắn động viên họ, câu cuối luôn là: Mọi thứ sẽ ổn thôi”.

Thế nhưng mọi việc lại không ổn như Hoàng mong muốn, số người nhiễm nCoV trên du thuyền ngày càng cao, nỗi sợ của cô vì thế cũng tăng lên cấp số nhân. Thậm chí mỗi lần nghe tiếng gõ cửa, Hoàng đều run sợ. “Tôi sợ họ đến thông báo mình nhiễm bệnh”, bởi vậy, người ra mở cửa luôn là chồng cô. Cả ngày hai vợ chồng kiểm tra nhiệt độ liên tục cho nhau, có ngày lên tới 30 lần.

Những hành khách trên tàu Diamond Princess được lên boong tàu hóng gió từng đợt sau ngày 7/2. Ảnh: Global times.
Những hành khách trên tàu Diamond Princess được lên boong tàu hóng gió từng đợt sau ngày 7/2. Ảnh: Global times.

Từ ngày 7/2, Bộ Y tế Nhật Bản cho phép hành khách lên boong tàu hóng gió từng đợt. Đây là khoảng thời gian khiến Hoàng Nhã Hy cảm thấy hạnh phúc nhất bởi được hít gió biển, tận hưởng ánh nắng mặt trời. Thế nhưng chỉ cần nghe một hành khách nào ho, lập tức những người còn lại tránh ra xa. “Có thể họ chỉ bị dị ứng thời tiết, nhưng ở thời điểm nhạy cảm, hành động đó là tức thời”, Hoàng nhận định.

Nhiều ngày sống trong không gian tù túng và khép kín, ngay cả món tráng miệng cũng có thể tạo ra sự bất ngờ. Có ngày, một chiếc kẹo xoắn xuất hiện trong bữa ăn sáng được giao, Hoàng ngạc nhiên và chia sẻ trên trang cá nhân: “Đây là kỷ niệm thời thơ ấu của tôi”. Coca, sữa chua, trứng rán… những thứ cô rất ít khi đụng đũa giờ lại cảm thấy ngon miệng. “Nhân viên trên tàu chăm sóc chúng tôi tốt nhất có thể. Đó là điều chúng tôi luôn phải cảm ơn họ”, Hoàng viết.

Bằng cách này, trong sự xen kẽ liên tục của những cảm xúc tốt và xấu, ngày 19/2, Hoàng và gia đình nhận được thông báo rời tàu. Dường như không tin vào tai mình, cô liên tục gọi đến số trợ giúp xác nhận. Cô nhớ lại: “Cơ thể tôi run rẩy trong lần kiểm tra sức khỏe cuối cùng. Nhận được kết quả âm tính với nCoV, tôi đã ôm chầm lấy chồng và con trai khóc lớn. Đó là những giọt nước mắt của sự giải thoát”.

Bố mẹ và con trai của Hoàng Nhã Hy được gặp lại nhau sau nhiều người bị cách ly trong cabin. Ảnh:  Global times.
Bố mẹ và con trai của Hoàng Nhã Hy được gặp lại nhau sau nhiều ngày bị cách ly trong cabin. Ảnh: Global times.
Tuy nhiên, rời khỏi tàu không có nghĩa là kết thúc. Gia đình Hoàng Nhã Hy và những người Hong Kong khác khi trở về phải đến trung tâm kiểm dịch trên đường Kwei Tei, Fo Tan chịu cách ly trong 14 ngày.

Phòng ở và bữa ăn tại đây rất đơn giản, không có tivi và đường truyền mạng khá kém. Tuy nhiên khi đã trải qua thử thách sinh tử trên du thuyền Diamond Princess, Hoàng vẫn cảm thấy hạnh phúc vì chân đã được chạm tới đất liền. “May mắn là chúng tôi chưa nhiễm bệnh”, cô nói.

Thế nhưng khi trở về Hong Kong, những người như Hoàng lại bị chỉ trích nặng nề khi nhiều người coi họ là nguồn lây nhiễm virus. Thay vì bực tức, cô chỉ cố nhớ đến những khoảnh khắc đẹp đã trải qua hơn một tháng qua.

“Khi trên tàu, vào ngày thứ ba bị cách ly, mẹ tôi đột nhiên đau mắt dữ dội. Nhân viên y tế trên tàu khi đó dù rất bận rộn với việc kiểm dịch nhưng vẫn dành thời gian để điều trị kịp thời cho những người già như mẹ tôi”, Hoàng nhớ lại và không quên bản thân mình đã tận tình phiên dịch cho những người lớn tuổi trên tàu khi họ không hiểu được thông báo bằng tiếng Anh về dịch bệnh.

“Tôi biết ơn chuyến đi đã cho tôi cơ hội được giúp đỡ người khác. Nó giúp tôi hiểu rõ bản chất thật sự của nhiều người khi đồng loại gặp nạn”. Hoàng Nhã Hy nói và cho biết bất chấp nhiều phản ứng tiêu cực, chỉ trích gay gắt đối với tàu Diamond Princess, nhưng là nhân chứng sống cô hiểu và đánh giá cao tất cả mọi thứ mà Bộ Y tế Nhật Bản và các nhà quản lý trên tàu đã làm.

“Đó là một cuộc khủng hoảng chưa từng có trong lịch sử, bởi vậy sẽ chẳng có quyết định nào là hoàn hảo cả”, cô nói.

Hoàng cũng mô tả trải nghiệm trên tàu Diamond Princess đã thay đổi hoàn toàn cuộc sống của cô. “Cho đến hôm nay, chồng vẫn giúp tôi đo nhiệt độ nhiều lần trong ngày. Những ngày đầu trở về tôi thường xuyên gặp ác mộng và đột nhiên thức dậy lúc nửa đêm. May mắn những cơn ác mộng như vậy ngày càng ít đi”.

Bà mẹ một con cho biết điều duy nhất cô và gia đình có thể làm bây giờ là chấp hành tốt mọi quy định trong thời gian cách ly ở Hong Kong.

“Tôi sẽ quên hết những ký ức không vui trên du thuyền Diamond Princess. Mỗi ngày chúng tôi lại gần hơn một chút để trở về nhà. Chúng tôi vẫn đang chờ đợi”.

Hải Hiền (Theo Global Times) – Vnexpress