Học từ xa thời nCoV

Với Huang Yiyang, 18 tuổi, “trường học” bắt đầu là khi cô mở chiếc máy tính xách tay của mình.

Hai tuần qua, “trường học” của Huang không có tiếng chuông báo hiệu tan lớp, những hành lang chen chúc người, canteen ồn ã hay đồng phục. Thay vì tới trường ở Thượng Hải, Huang ngồi trước màn hình laptop tại nhà từ 8h đến 17h, trong bộ quần áo ngủ, dự các lớp học được phát trực tuyến.

Với lớp thể dục, giáo viên sẽ tập động tác qua camera và học sinh làm theo. Với lớp tiếng Anh, Huang ngồi im lặng lắng nghe bài giảng từ xa cùng với 20, 30 bạn học khác.

Một học sinh học trực tuyến tại nhà ở thành phố Nam Xương, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc, ngày 10/2. Ảnh: Xinhua.
Một học sinh học trực tuyến tại nhà ở thành phố Nam Xương, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc, ngày 10/2. Ảnh: Xinhua.

Huang dán sticker hoặc giấy ăn lên webcam để bạn học không nhìn thấy cô nếu giáo viên gọi Huang trả lời câu hỏi. “Mọi người đều đang ở nhà nên không phải ai trông cũng chỉn chu”, cô nói.

Huang rất ít khi rời khỏi nhà và cô chưa gặp bạn bè suốt một tháng qua bởi Trung Quốc đang chiến đấu với dịch Covid-19 và để ngăn nCoV lây lan, chính quyền đã ra lệnh đóng cửa trường học trên cả nước, khiến 180 triệu thanh thiếu niên trong độ tuổi đi học bị mắc kẹt ở nhà.

Không chỉ ở Trung Quốc, học sinh ở Việt Nam, Mông Cổ, Nhật Bản, Iran, Pakistan, Iraq và Italy cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Giới chức Mỹ, Australia và Anh cảnh báo sẽ đóng cửa trường học nếu tình hình dịch bệnh trở nên tồi tệ hơn.

Để tham gia các lớp học từ xa, thiết bị đa phần đều giống nhau, chỉ gồm một chiếc máy tính có kết nối mạng Internet cùng tai nghe và microphone. Tuy nhiên, cách thức tổ chức lớp học trực tuyến lại khác nhau ở từng trường, từng quốc gia.

Với Huang, học ở nhà đồng nghĩa với việc cô phải dành hàng giờ trước máy tính và có rất ít tương tác xã hội. Không có thảo luận trong lớp và Huang thường xuyên không nghe rõ lời giáo viên nói vì kết nối mạng kém. Cô cảm thấy các bạn cùng lớp và kể cả giáo viên của mình đang gặp khó khăn trong việc duy trì động lực học.

“Chúng tôi không thể đưa ra phản hồi với giáo viên dù rất muốn. Vì thế, giáo viên cảm thấy tồi tệ và chúng tôi cũng thấy khó xử”, cô chia sẻ. Ngay cả sau khi lớp học trực tuyến kết thúc, công việc của Huang vẫn chưa dừng lại. Cô thường thức đến 22h hàng đêm, hoàn thành bài tập để nộp online.

Qua các lớp học từ xa, dù không trực tiếp gặp mặt bạn bè mình, Huang cho biết thực tế, cô lại cảm thấy gần gũi hơn với các bạn bởi mọi người đều nói nhiều hơn, dường như tất cả đều khao khát được trò chuyện, kết nối.

Theo hãng thông tấn Xinhua, học sinh tiểu học và trung học Trung Quốc được yêu cầu phải tham gia các lớp học trực tuyến. Nhà chức trách bắt đầu phát sóng các lớp dạy học sinh tiểu học trên truyền hình và ra mắt một ứng dụng học tập trên nền tảng đám mây.

Ở Hong Kong, nơi trường học đã bị đóng cửa một tháng qua, các giáo viên lại có cách làm khác. Tại trường Quốc tế Montessori, học sinh sẽ tập hợp thành các nhóm nhỏ trên ứng dụng Google Hangout để có thể nhìn thấy và trò chuyện với nhau.

Trường học ban đầu chỉ đăng video bài giảng và các hoạt động cho học sinh lên trang web nhưng về sau họ nhận ra rằng giúp học sinh tương tác với nhau và nói chuyện với giáo viên là điều quan trọng hơn.

“Các em đều cảm thấy khó chịu vì bị khóa kín trong những căn hộ”, hiệu trưởng trường Quốc tế Montessori Adam Broomfield cho hay. “Chúng tôi chưa bao giờ trải qua tình trạng trường học bị đóng cửa như hiện nay”.

Theo ông, việc thay đổi cách học thực sự mang đến những đột phá. Học sinh giờ đây sẽ quay video và giải thích cách các em giải một đề toán và giáo viên sẽ quay video từ bãi biển để giúp học sinh hiểu hơn bài học địa lý.

Trong khi học sinh Trung Quốc đại lục và Hong Kong đã quen với việc học trực tuyến, tại Italy, nơi ghi nhận 888 ca nhiễm nCoV, học sinh mới bắt đầu học từ xa.

Trường học tại vùng Lombardy và Veneto ở phía băc Italy tuần qua đã đóng cửa vì dịch bệnh.

Tại Milan, hai con gái của Gini Dupasquier học thông qua các bài thuyết trình trực tiếp trên PowerPoint, làm việc nhóm với những học sinh khác nhờ Google Hangout và chat video với giáo viên.

“Chúng vui với cách học mới này. Đến nay, tôi chưa thấy bất cứ vấn đề gì”, cô nói.

Một rắc rối lớn hơn với Dupasquier cũng như nhiều bậc phu huynh khác là làm thế nào để cân bằng giữa thời gian ở nhà và ở nơi làm việc. “Tôi phải thay đổi lịch làm việc nhưng muốn cân bằng giữa đôi bên là rất khó”.

Tại Casalpusterlengo, một thị trấn phía bắc Italy nằm trong “khu vực đỏ”, nơi hàng nghìn người dân đã bị cách ly với thế giới bên ngoài, cô con gái 15 tuổi của Monica Moretti không được tiếp cận với các nền tảng livestreaming. Thay vào đó, cô bé làm bài tập về nhà bằng một cuốn sổ tay điện tử. Không giống với trẻ em ở Trung Quốc, mỗi buổi chiều, cô bé đều dành thời gian tản bộ.

Học sinh ở các cấp cao hơn có khả năng đối diện với những vấn đề nghiêm trọng hơn là việc bị chậm chương trình.

Jonathan Ye, 18 tuổi, học sinh cuối cấp tại trường quốc tế Bình Hòa Thượng Hải, muốn học đại học ở Anh. Để mở rộng cơ hội của mình, cậu cần có kết quả tốt tại kỳ thi của tổ chức Tú tài Quốc tế (International Baccalaureate) vào tháng 5 nếu muốn học đại học ở nước ngoài, điều Ye đã phấn đấu suốt nhiều năm qua.

“Nếu không đạt được kết quả tốt tại kỳ thi, mọi thứ sẽ đổ sông đổ bể”, Ye nói. “Tôi nghĩ mình sẽ ổn thôi bởi tôi thích tự học nhưng giờ tôi không dám chắc. Tôi vẫn rất lo lắng. Chúng tôi chưa thể tới trường vì vậy có thể bỏ lỡ thông tin từ giáo viên”.

Một giáo viên giảng bài qua điện thoại di động ở thành phố Đông Hải, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, ngày 17/2. Ảnh: AFP.
Một giáo viên giảng bài qua điện thoại di động ở thành phố Đông Hải, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, ngày 17/2. Ảnh: AFP.

Nhưng tình hình của Ye vẫn tốt hơn nhiều học sinh khác ở Trung Quốc. Vào tháng 6 tới, đa số học sinh cuối cấp sẽ bước vào kỳ thi Cao khảo, một trong những kỳ thi tuyển sinh đại học căng thẳng và cạnh tranh nhất thế giới. Với tình trạng việc học bị gián đoạn, tâm lý lo âu đang đè nặng lên các học sinh. Bộ Giáo dục Trung Quốc cho biết đang đánh giá và sẽ quyết định xem có hoãn kỳ thi Cao khảo hay không.

Dù trường học tại Hong Kong sẽ đóng cửa tới 20/4, chính quyền đặc khu vẫn sẽ tổ chức kỳ thi đại học vào ngày 27/3 như kế hoạch. Khác biệt duy nhất là học sinh buộc phải đeo khẩu trang và bàn học sẽ được sắp xếp cách xa nhau hơn so với bình thường.

Bên cạnh đó, cũng có những mối lo lắng về việc học ở nhà sẽ gây ảnh hưởng tới tâm lý của học sinh.

Chuyên gia sức khỏe tâm thần Odile Thiang ở Hong Kong nhận định việc mất đi thói quen và các hoạt động xã hội có thể tác động lớn đến trẻ em, đặc biệt vào giai đoạn căng thẳng như hiện nay.

Theo Chris Dede, giáo sư tại Trường Sư phạm Đại học Harvard, có rất nhiều nghiên cứu cho thấy những tác động tâm lý tiêu cực mà một học sinh phải chịu sau khi bị cách ly khỏi bạn bè vì ốm nặng. Học sinh học tập tại nhà có thể phải chịu những tác động tương tự. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng hiện tại, tất cả các trường đều áp dụng việc học từ xa, vậy nên sẽ không có học sinh nào cảm thấy cô đơn và bị bỏ rơi.

Đây không phải lần đầu tiên các trường học trên thế giới phải đóng cửa hay áp dụng phương pháp học từ xa. Tại các nước có mùa đông khắc nghiệt, trường học đôi khi phải đóng cửa vào những ngày tuyết rơi dày.

Học từ xa từ lâu đã là đề tài được các chuyên gia giáo dục quan tâm. Trẻ em tại những khu vực hẻo lánh ở Australia lâu nay vẫn học bài thông qua các chương trình giáo dục trên đài phát thanh.

Theo Dede, việc phối hợp giữa học trên lớp và học trực tuyến sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn là chỉ áp dụng riêng lẻ một phương pháp. Nhưng vấn đề quan trọng không nằm ở phương tiện mà nằm ở chất lượng và phương pháp giảng dạy.

“Điều tồi tệ nhất với trẻ em là việc bị cách ly tại nhà mà không có sự hỗ trợ cảm xúc từ bạn bè, không có một nhà giáo dục giàu kinh nghiệm giúp các em học tập”, ông nói.

Dù vậy, Dede cho rằng học sinh ngày nay vẫn may mắn hơn rất nhiều so với học sinh trước đây. “Chúng ta có mạng xã hội, Internet và điện thoại thông minh. Vì thế, mức độ cô lập và cơ hội học tập bị đánh mất ở thời điểm cách đây hai thập kỷ lớn hơn nhiều”, ông nói.

 Vũ Hoàng (Theo CNN) – Vnexpress