“Ở nhà vui hơn nhiều. Không phải bàn cãi gì nữa”, Yoo nói.
Cậu đã được giao thêm vô số bài tập để bù cho những ngày không đến lớp. Yoo đã không ra khỏi nhà từ hôm 23/2 theo yêu cầu từ chính quyền. Sân chơi gần căn hộ của gia đình cậu vắng tanh.
Dù vậy, cậu không có bất kỳ lời phàn nàn nào. “Dù với số lượng bài tập lớn như vậy, thời gian chơi của cháu vẫn tăng gấp đôi”, Yoo nói. “Giờ đây, cháu có khoảng 7 tiếng vui chơi mỗi ngày. Cháu chơi với chó cưng, chơi điện tử và dành thời gian nói chuyện với cha mẹ”.
Hôm 27/2, chính phủ Nhật Bản thậm chí còn có bước đi mạnh tay hơn Hàn Quốc, đóng cửa trường học trên cả nước đến hết tháng ba nhằm ngăn virus corona lây lan.
Tính chung cả hai nước, dịch Covid-19 đã khiến gần 20 triệu học sinh bị gián đoạn việc học. Tại Seoul, động thái của chính phủ nhận được không ít ý kiến trái chiều.
Hàn Quốc là một trong những quốc gia có nền giáo dục cạnh tranh và áp lực cao nhất thế giới. Nhiều trẻ em Hàn Quốc phải dành hàng giờ vào buổi tối tại những trung tâm ôn luyện được gọi là “hagwon” để cố gắng vượt qua các bạn đồng trang lứa.
Hwang Hyun-bi thường dành ba tiếng buổi tối tại hagwon mỗi ngày, học toán, khoa học, tiếng Anh và tiếng Trung. Trung tâm tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba khối lượng bài tập để bù vào những giờ học đã mất ở trên trường. Hwang nói dù trường học đóng cửa, thời gian rảnh rỗi của em không tăng lên. “Nhưng cháu vẫn có những thú vui ở nhà. Cháu xem phim ‘The Incredibles’ với em gái”, Hwang chia sẻ.
Dù vậy, Hwang không thể chờ tới khi dịch bệnh lắng xuống. Em đang trải qua những tuần cuối cấp tiểu học. Học sinh không được vào lớp nếu không đeo khẩu trang và phụ huynh không được phép dự lễ tốt nghiệp.
“Cháu thực sự không thích đeo khẩu trang trong lớp”, Hwang nói. “Nó khiến cháu khó thở”.
Em đã phải hủy kế hoạch ăn mừng lễ tốt nghiệp với bạn bè ở khu Hongdae, thủ đô Seoul, “thiên đường giải trí” của giới trẻ Hàn Quốc. Khi Hwang tham dự buổi định hướng tại trường trung học, “tất cả mọi người đều đeo khẩu trang nên cháu không thể thấy mặt các bạn mới”.
Si-yeon, em gái 6 tuổi của Hwang Hyun-bi, không có nhiều bài tập về nhà như chị. Em dành thời gian rảnh tô màu, vẽ tranh và đọc sách. Tuy nhiên, Si-yeon cũng không thích nCoV.
“Cháu muốn chơi ngoài trời”, Si-yeon cho hay. “Lần cuối cùng cháu ra ngoài đạp xe là vào hai tuần trước, cháu rất thích đạp xe. Tháng vừa rồi, cháu không thể tới trường mẫu giáo. Cháu muốn tới trường gặp bạn bè”.
Lee Eun-jin, mẹ của hai bé gái, cho biết cô và các bà mẹ khác trong khu dân cư đang lo lắng về “khoảng trống giáo dục” mà dịch bệnh tạo ra.
Họ sống ở Mok-dong, một khu dân cư ở Seoul được mệnh danh là “khu giáo dục đặc biệt” vì có rất nhiều trung tâm luyện thi hagwon và trường công tốt. Tại đây, các bậc phụ huynh chi khoảng 1.000 USD mỗi tháng để con em mình tham gia những lớp học thêm ngoài giờ.
“Tôi có thể gọi đây là mối phiền toái hạnh phúc. Tôi thích dành thời gian chơi với các con ở nhà, nhưng việc chăm sóc chúng 24 tiếng, không trường học, không nhà trẻ, là câu chuyện hoàn toàn khác. Nếu là một kỳ nghỉ, chúng tôi sẽ lên kế hoạch đi du lịch, dã ngoại, nhưng hiện tại, chúng tôi mắc kẹt trong nhà”, Lee nói.
Dù chính phủ khuyến cáo đóng cửa, 2/3 trong 25.000 hagwon ở thủ đô Hàn Quốc vẫn hoạt động, Cho Hee-yeon, giám đốc Sở Giáo dục Seoul, hôm qua cho biết.
Giáo viên Choi Bo-na, 29 tuổi, cho hay trường của cô tuần qua mới quyết định đóng cửa nhưng cô nghĩ họ sẽ phải sớm mở cửa trở lại để chuẩn bị cho học sinh cuối cấp tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học. “Với các em, học tập là ưu tiên cấp bách. Trượt kỳ thi đại học vì virus không phải lời biện minh được chấp nhận”.
Choi còn đang cân nhắc quay video hoặc phát trực tuyến các bài dạy đọc và viết bài luận của mình cho học sinh theo dõi.
Sun Yul, 4 tuổi, bình thường vẫn sống cùng ông bà ở thành phố Paju gần biên giới Triều Tiên. Nhưng vì trường mẫu giáo đóng cửa, tuần qua, em về sống với mẹ trong căn hộ tại quận Itaewon, Seoul. Sun nói em đang vô cùng hạnh phúc vì có thể vừa ở nhà vừa xem YouTube.
Son Seung-hee, mẹ của Sun, không hào hứng như em. “Bạn biết đấy, các bà mẹ đang rơi vào tình huống cấp bách. Vì nhà trẻ đóng cửa, tôi phải lên kế hoạch 24 tiếng cho con mình”, cô chia sẻ. “Buổi sáng, hai mẹ con sẽ làm bánh, sau đó cùng vẽ và chơi đùa trong bếp vào buổi chiều. Thời gian còn lại, tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc để con xem YouTube”.
Hôm 26/2, Yul Sun và mẹ cùng vẽ một “bản đồ kho báu” lớn bằng bút màu. “Yul có rất nhiều thời gian rảnh và muốn chơi. Bầu trời ngoài kia thật trong xanh, nhưng chúng tôi lại không thể đi đâu”, cô nói.
Vũ Hoàng (Theo Washington Post) – Vnexpress