Hoàng gia châu Á trải qua sóng gió năm 2019

Các hoàng gia châu Á có một năm nhiều biến động, khi Hoàng quý phi Thái Lan bị phế truất, còn cựu vương Malaysia chia tay người vợ hoa khôi.

Theo Saad Salman, người sáng lập trang web Royal Watcher chuyên đưa tin về hoàng gia trên thế giới, các hoàng gia châu Á luôn được tôn kính vì tầm ảnh hưởng lâu đời về văn hóa. Hoàng tộc đóng vai trò duy trì và tiếp nối những truyền thống và tập quán, cũng như được coi là biểu tượng cho sự đoàn kết quốc gia.

Tuy nhiên, các hoàng gia châu Á năm 2019 trải qua nhiều thăng trầm, trong đó có những ồn ào liên quan đến hậu cung của các quốc vương, điển hình là sự thăng tiến và thất sủng nhanh chóng của Hoàng quý phi Thái Lan.

Quốc vương Thái Lan Maha Vajiralongkorn (Rama X) đăng quang hồi tháng 5, trở thành vị vua thứ 10 của vương triều Chakri trị vì từ năm 1782. Ngay trước lễ đăng quang, ông kết hôn với Suthida, một nữ tướng thuộc lực lượng cận vệ của Quốc vương và phong bà làm hoàng hậu.

Chỉ hai tháng sau, Vua Rama X sắc phong Sineenat Wongvajirapakdi, cựu y tá và chỉ huy lực lượng cảnh vệ của Quốc vương, làm Hoàng quý phi, tước hiệu dành cho phi tần đứng đầu trong hoàng gia. Đây là lần đầu tiên một quốc vương Thái Lan có hơn một người vợ kể từ khi nền quân chủ chuyên chế kết thúc năm 1932 và cũng là lần đầu tiên Tước hiệu Hoàng quý phi Thái Lan được khôi phục kể từ năm 1921.

Tuy nhiên, chưa đầy ba tháng sau, bà Sineenat bị hủy tước hiệu và tất cả huân chương vì tội bất trung và tìm cách chiếm đoạt vị trí của Hoàng hậu Suthida. Quốc vương Thái Lan sau đó còn sa thải hàng loạt quan chức hoàng cung vì có hành vi “cực kỳ xấu xa”.

“Giờ đây nhiều người sẽ học được rằng việc ở gần vua có thể mang lại quyền lợi chưa từng thấy, nhưng cũng tiềm ẩn mức độ nguy hiểm cao. Những người bị thất sủng thường tụt dốc không phanh”, James Buchanan, chuyên gia về chính trị Thái Lan tại Đại học Thành phố Hong Kong, cho hay.

Vua Rama X và bà  Sineenat Wongvajirapakdi tại Hoàng cung ở Bangkok, Thái Lan. Ảnh: Reuters.
Vua Rama X và bà Sineenat Wongvajirapakdi tại lễ sắc phong ở Hoàng cung hồi tháng 7. Ảnh: Reuters.

Dựa trên những sự kiện gần đây, Buchanan dự đoán các biến động liên quan tới Vua Rama X và cuộc sống cá nhân của ông có thể sẽ tiếp tục xuất hiện vào năm 2020.

Tại Malaysia, người dân cũng không khỏi ngỡ ngàng khi Quốc vương Muhammad V bất ngờ thoái vị vào ngày 6/1 sau chưa đầy hai năm cầm quyền, đánh dấu lần đầu tiên kể từ năm 1957 có một vị vua tự nguyện rời ngai vàng ở Malaysia. Ngai vàng sau đó thuộc về Tiểu vương bang Pahang Abdullah Sultan Ahmad Shah, người nổi tiếng đam mê thể thao.

Trước khi thoái vị, ông Muhammad V, người hiện vẫn giữ chức Tiểu vương Kelantan, bí mật tổ chức lễ cưới với hoa khôi Nga Rihana Oksana Voevodina vào năm ngoái và đón con đầu lòng hồi tháng 5. Tuy nhiên, luật sư riêng hồi tháng 6 cho biết cựu vương đã ly hôn với Voevodina và nghi ngờ bé trai không phải máu mủ của ông. Theo các nguồn tin, ông Muhammad V phải chịu sức ép lớn từ gia đình khi kết hôn với hoa khôi Nga.

Voevodina sau đó liên tục đăng ảnh con trai lên mạng xã hội và khẳng định đây là con ruột của cựu vương Malaysia. “Tôi cho rằng Voevodina công khai câu chuyện để chứng minh mối quan hệ và cố gắng khơi gợi sự ủng hộ của công chúng với hai mẹ con”, Salman nhận xét, nói thêm rằng hoa khôi Nga muốn con trai được công nhận là thành viên hoàng gia Malaysia.

Salman cho biết những tin đồn và bê bối là hai điều các hoàng gia cố gắng né tránh bằng mọi giá bởi “nó gây tổn hại đến danh tiếng và các nhiệm vụ cá nhân của họ”. Theo dự đoán của anh, những bàn tán về cuộc ly hôn của cựu vương Malaysia và việc thoái vị “sẽ không sớm biến mất”.

Nhưng không phải hoàng gia nào ở châu Á cũng trải qua bê bối năm qua. Ở Bhutan, nơi chế độ quân luôn có tầm ảnh hưởng sâu rộng, Quốc vương được coi là nhân tố chủ chốt thúc đẩy dân chủ hóa, với một chính phủ tiên phong trong khái niệm về hạnh phúc của cả quốc gia. 

Tại Nhật Bản, Nhật hoàng Naruhito tiếp quản Ngai vàng Hoa cúc từ vua cha Akihito hồi tháng 5, sau đó làm lễ đăng quang vào ngày 22/10, trở thành hoàng đế thứ 126 của nền quân chủ lâu đời nhất thế giới, mở ra thời đại “Lệnh Hòa” của nước Nhật. Ông là Nhật hoàng đầu tiên được sinh ra sau Thế chiến II.

Nhật hoàng Naruhito trong lễ đăng quang hôm 22/10 tại Hoàng cung ở thủ đô Tokyo. Ảnh: Reuters.
Nhật hoàng Naruhito trong lễ đăng quang hôm 22/10 tại Hoàng cung ở thủ đô Tokyo. Ảnh: Reuters.

Hầu hết người Nhật có lòng tôn kính sâu sắc với hoàng gia và các thành viên hoàng tộc thường duy trì sự riêng tư. Tuy nhiên, tân Nhật hoàng 59 tuổi được cho là cởi mở hơn, khi từng selfie với người dân trong các chuyến công du nước ngoài. Nhật Hoàng Naruhito cũng để lại hình ảnh là một người kiên nhẫn, gần gũi và giàu lòng cảm thông, thường đến thăm các nạn nhân chịu thiên tai.

Hoàng hậu Masako cũng được chào đón nồng nhiệt khi xuất hiện trở lại sau thời gian dài sống kín tiếng vì những vấn đề tâm lý. “Những gương mặt tươi cười mà tôi được nhìn thấy ở nhiều nơi là kỷ niệm quý giá với tôi. Đó sẽ là chỗ dựa lớn để tôi tiến về phía trước”, Hoàng hậu cho biết.

Theo giới quan sát, lý do chính khiến Hoàng hậu Masako căng thẳng là áp lực phải có người thừa kế nam, nhưng Công chúa Aiko là người con duy nhất của Hoàng hậu và Nhật hoàng. Chính phủ Nhật Bản từ chối thảo luận bất cứ thay đổi nào trong quy tắc kế vị, bất chấp sự ủng hộ rộng rãi của công chúng đối với việc để công chúa lên ngôi.

Ánh Ngọc (Theo SCMP) – Vnexpress