Họa sĩ nhí Việt được ví như Jackson Pollock

Nhìn tia nắng xuyên kẽ lá ở Canada, vạt sóng dập núi đá ở Vịnh Hạ Long, Xèo Chu vẽ, bán được các bức tranh với giá hơn 150.000 USD.

Từ cách phối màu nguệch ngoạc đầy ngẫu hứng trong những bức tranh trừu tượng trưng bày tại George Berges Gallery (New York, Mỹ), người xem có cảm giác họa sĩ đang tìm lại tuổi thơ. Thực tế, tác giả là một đứa trẻ. Xèo Chu, 12 tuổi, con trai chủ một phòng tranh tại TP HCM, khiến giới hội họa Mỹ trầm trồ về tài năng.

Lần đầu tiên Xèo Chu triển lãm tranh tại Mỹ và cũng là lần đầu tiên phòng tranh này lập kỷ lục có các tác phẩm do họa sĩ 12 tuổi vẽ bán được hơn 150.000 USD. 

Xèo Chu trước bức tranh chưa được đặt tên bán với giá 150.000 USD trong triển lãm tại George Berges Gallery (Manhattan, New York, Mỹ) diễn ra từ 19/12/2019 đến 2/1/2020.
Xèo Chu trong triển lãm tại George Berges Gallery (Manhattan, New York, Mỹ) diễn ra từ ngày 19/12 đến 2/1/2020. Ảnh: Reuters.

Vẽ tranh từ năm bốn tuổi

Có mẹ là chủ phòng tranh, Xèo Chu được xem như “con nhà nòi”. Từ năm lên bốn tuổi, Xèo Chu đã thể hiện niềm yêu thích với hội họa. Cậu bé xin phép mẹ cho vẽ cùng anh trai và có thể phóng bút vẽ bất cứ cái gì cậu nhìn thấy. Những bông hoa trong vườn, con chó Boot – cũng là người bạn thân của cậu. Hoặc có thể là những tia nắng xuyên qua kẽ lá cậu nhìn thấy và vẽ lại trong chuyến du lịch Canada cùng gia đình.

Gần nhất, một trong những tác phẩm mới dành riêng cho triển lãm tại Mỹ là bức vẽ Vịnh Hạ Long. Tranh dài 4,5 m, gồm ba phần, sử dụng nước tạo hiệu ứng, gam màu xanh chủ đạo và điểm trắng cho sóng, lá, hoa, đôi khi có cả cây. 

“Đó là lần đầu cháu vẽ bức tranh lớn như vậy. Vì là lần triển lãm đầu tiên ở Mỹ nên cháu muốn làm gì đó thật đặc biệt và khác biệt nữa”, Xèo Chu cho biết. 

Bức Vịnh Hạ Long của Xèo Chu. Ảnh: George Berges Gallery.
Bức Vịnh Hạ Long của Xèo Chu. Ảnh: George Berges Gallery.

Khi báo giới Mỹ đặt câu hỏi vì sao thích vẽ, Xèo Chu trả lời: “Sự sáng tạo. Cháu có thể nghĩ ra nhiều thứ khi vẽ. Cháu được tự chọn vẽ cái cháu thích, tự chọn màu và chất liệu”.

Niềm đam mê hội họa của Xèo Chu hồn nhiên và trong sáng như một tờ giấy trắng. Cậu lớn lên trong không gian toàn tranh và tranh, nhưng không có danh họa nào truyền cảm hứng cho cậu.

“Cháu không xem nhiều tranh của họa sĩ khác. Mong là khi lớn lên cháu sẽ xem và cảm nhiều tác giả hơn. Còn bây giờ cháu chỉ vẽ những gì cháu thích thôi”, Xèo Chu nói.

Là một cây bút theo trường phái tự do, Xèo Chu cũng là một họa sĩ cần mẫn. Cậu từng dành hai tiếng đồng hồ liên tục vẽ tranh ngay tại một triển lãm ở Singapore hồi 2018. Cậu sẵn sàng vẽ đè lên tranh cũ nếu không ưng ý cho tới chừng nào thành phẩm khiến cậu hài lòng. Xèo Chu “chê” những tòa nhà chọc trời ở Manhattan và chưa thấy có ý tưởng nào khiến cậu muốn phóng bút về “thành phố không ngủ” New York.

Tuy nhiên, cậu cũng nhát. Xèo Chu không kể cho bạn nghe mình là họa sĩ vì “thấy kỳ khi bây giờ đến nói với bạn là mình đang vẽ tranh”.

Tiền bán tranh Xèo Chu dành làm từ thiện. Cậu chia sẻ, trong khi cậu có nhà, có mẹ, được chăm sóc và hỗ trợ, thì bên ngoài có rất nhiều đứa trẻ cùng trang lứa đang còn thiếu thốn. Cậu muốn dành phần nào hỗ trợ mà mình nhận được cho những người bạn khác. Chủ yếu cậu quyên góp cho tổ chức Heartbeat Việt Nam.

Bức Mùa thu tháng Mười của Xèo Chu. Ảnh: George Berges Gallery.
Bức “Mùa thu tháng Mười” của Xèo Chu. Ảnh: George Berges Gallery.

Phong cách gợi nhớ Jackson Pollock

Tác phẩm của Xèo Chu gợi nhớ Jackson Pollock (1912-1956), họa sĩ Mỹ đầu tiên theo đuổi trường phái mỹ thuật trừu tượng với phong cách vẽ vảy sơn nổi tiếng. Ông cũng là biểu tượng lớn của hội họa thế giới những năm 1940, giai đoạn nghệ thuật biểu hiện trừu tượng lên ngôi ở các nước phương Tây. Ông dùng số lượng lớn màu vẽ và đường nét bất quy tắc để giấu chủ đề thực của bức tranh sau những “điệu” vảy sơn trên toan. Có những bức được gọi tên rõ ràng, cũng có những bức chỉ được đánh số như thách đố người xem đi tìm căn tính của bức tranh. 

Họa sĩ George Berges, chủ phòng tranh George Berges Gallery tin rằng, Xèo Chu đang đi lại con đường của Jackson Pollock năm xưa. Chỉ khác một điều, phải mấy chục năm sau cái tuổi 12, Pollock mới vẽ được những bức tranh nổi tiếng.

“Rõ ràng tranh của cậu bé đã vượt ra khỏi giới hạn tư duy của một đứa trẻ 12 tuổi, đến nỗi phải khiến ta tin vào thuyết tái sinh rằng ẩn trong chúng ta vẫn còn tồn tại những tiềm thức của tiền kiếp”, George Berges nói. 

Họa sĩ người Mỹ đánh giá, còn quá sớm để thúc ép Xèo Chu tiếp nối con đường hội họa chuyên nghiệp. Đứa trẻ 12 tuổi mới chỉ chạm ngõ mỹ thuật bằng niềm đam mê thuần túy và ghi dấu lại trên tranh mình thế giới lớn cậu nhìn thấy qua đôi mắt nhỏ của trẻ thơ. Tuy nhiên, nguồn năng lượng cậu bé truyền tải qua những bức tranh sống động như đang nhảy múa. Người xem có thể đặt niềm tin sự trong sáng và hồn nhiên sẽ dẫn lối cho họa sĩ nhí 12 tuổi đi tiếp con đường “vẽ bất cứ cái gì mình thích, theo ý mình”.

Bảo Khánh (theo Artnet, Reuters) – Vnexpress