Theo dòng thời gian: Hoa gạo tháng ba

Tháng ba lại về cùng mùa xuân theo nhịp trôi chảy của thời gian viên miễn. Khung cảnh tháng ba ấm áp, rực rỡ, tươi đẹp với nhiều sắc màu của cỏ cây hoa lá. Trong những sắc màu ấy có sự góp mặt vừa mộc mạc vừa ấn tượng của hoa gạo.

Cây gạo được trồng nhiều ở làng quê Việt Nam gắn với hình ảnh cánh đồng, triền đê, triền sông, đường làng, cổng làng, mái chùa thân thuộc. Thân gạo cao thẳng với nhiều cành mọc ngang tạo thành tán rộng, vỏ gạo xù xì, gai góc. Với chiều cao nổi bật, gạo sừng sững chĩa cành vượt lên khỏi nhà cửa, vườn tược, ruộng đồng, tạo thành một dấu ấn của khung cảnh làng quê, nhất là những cây gạo cổ thụ.

Ít có loại cây có cách ra hoa đặc biệt như cây gạo. Thường khi mùa đông tới, cây gạo trút hết lá để trơ ra những cành gầy guộc khẳng khiu giữa buốt giá. Hình như gạo nhen lửa, tích than trong giá rét, mưa phùn để đợi xuân về trổ nụ, đơm hoa. Những cây khác ra lộc, ra lá rồi mới ra hoa còn gạo thì ngược lại. Chỉ khi hoa trút xuống rồi thì lộc non, lá biếc mới xanh cành, tỏa bóng.

Minh họa: MAI MINH
Minh họa: MAI MINH

Khoảng đầu tháng ba, trên những cây gạo khẳng khiu, những nụ gạo chi chít trồi ra rồi nở thành hoa đồng loạt khiến cây gạo như một tháp lửa đỏ rực giữa trời xuân. Hoa gạo lớn, cánh dày với năm cánh được xòe ra từ một ống hình trụ, giữa ống hình trụ vươn lên nhụy hoa nhiều vòi như những tia lửa nhỏ tuôn ra. Hoa gạo đỏ thắm như son môi thiếu nữ, như lửa than đang độ rực rỡ, như mặt trời cháy lúc hoàng hôn. Mỗi bông gạo như một ngọn lửa thắp sáng trời tháng ba. Đời một bông hoa gạo không dài. Hoa chỉ nở độ vài ba hôm thì rụng. Nhưng có một điều lạ là hoa gạo không héo, không tàn, không rụng từng cánh mà rụng nguyên cả bông còn tươi màu đỏ thắm. Hình như có điều gì son sắt, bền bỉ, cần mẫn níu kéo đến tận cùng một đời hoa thôn dã. Bông gạo rụng vương trên mái chùa cổ kính, nằm trên thềm đá xanh rêu phong, lã chã trên đường làng, triền đê, bờ ruộng, mặt sông… nhuộm trong lòng người quê một nỗi niềm sâu đậm.

Những lứa đôi đi qua thời hò hẹn mà có những kỷ niệm gắn với hoa gạo, hẳn ký ức lại cồn cào cháy đỏ mỗi độ tháng ba về. Có người thiếu nữ đã ngả chiếc nón trắng để người yêu nhặt những bông gạo đỏ đựng đầy đến vành nón rồi nâng niu ký ức trong niềm yêu không dễ tàn phai. Có chàng trai nhớ mãi bông gạo đã từng cài lên mái tóc người yêu thời vụng dại, bông gạo ấy như một dấu tích còn cháy mãi khi tình yêu không đi trọn con đường.

Trong ký ức của người già, bông gạo có thêm một nỗi niềm xa cũ. Hoa gạo nở vào tháng ba, đúng kỳ giáp hạt của người xưa. Hẳn trong trí nhớ của nhiều người vẫn còn nhớ câu thành ngữ “tháng ba, ngày tám”. Kỳ giáp hạt đồng nghĩa với đói khát, cơ hàn. Tháng ba, lúa chưa kịp trổ bông, cái tôm cái tép dưới sông đã cạn, chỉ có hoa gạo cứ rừng rực giữa trời như một niềm ám ảnh. Hạt gạo thì hiếm, hoa gạo thì nhiều nhưng oái oăm thay hoa gạo không thể thay được cho hạt gạo. Đã có biết bao nhiêu bà mẹ xưa gọi tên hoa gạo tháng ba mà lòng đau tức tưởi khi nghĩ đến đàn con rã rời đói khát thèm từng hạt gạo lẻ rơi! Tôi nhớ, có lần chị gái tôi đi đồng về, nghiêng quang đổ ra góc sân một thúng hoa gạo, gọi các em lại chơi. Mấy anh chị em tôi chạy ùa ra chơi đùa, tìm tòi. Tôi đưa hoa lên miệng nhai ngấu rồi nhăn mặt nhè những cánh hoa nát trong miệng, mếu máo. Mẹ tôi từ bếp chạy lại, ôm tôi vào lòng, lấy khăn vuông chấm mắt. Rồi mẹ thẫn thờ nhìn đám hoa đỏ lừ, lẳng lặng bốc hoa vào thúng mang ra phía sau vườn.

Bất chấp thời gian, cuộc đời dâu bể, hoa gạo vẫn đều đặn trỗi mùa đơm hoa tháng ba. Trong nắng gió mùa xuân, lửa gạo thắp bập bùng niềm ấm sáng, làm bừng lên khuôn mặt làng quê sau một mùa đông giá lạnh. Ngoài kia, khoảng trời tháng ba đã lấp ló những bông gạo đầu mùa. Tôi lại rưng rưng nhớ về con đê làng mình phủ đầy hoa gạo. Và không hiểu sao, tôi lại thấy dáng mẹ tôi giữa màu hoa lửa cháy. Chỉ có điều màu hoa gạo như bừng lên lung linh, soi chiếu gương mặt mẹ rạng ngời, tràn ngập nắng tháng ba.

                                                                           Tản văn của NGUYỄN VĂN SONG

Để lại một bình luận