Chiều 26/5, trả lời tại buổi họp báo, ông Nguyễn Vạn Phúc cho biết về làm hiệu trưởng được 3 năm. Cây phượng được trồng năm 1996. Mỗi năm, trường đều thuê công ty quản lý cây xanh đến chăm sóc. Mới nhất là hồi tháng 2, 3, đơn vị cây xanh cũng đến tỉa cành và bón phân các cây trong trường.
Lúc 6h22, khá đông học sinh ngồi ăn sáng dưới sân trường. Cây phượng bất ngờ bật gốc, đè 18 em bị thương, chủ yếu ở lớp 6/8.
Giọng buồn, ông Phúc nói, nhà trường rất bất ngờ và đáng tiếc về tai nạn. Tối qua trời mưa, nhưng sáng nay thời tiết tốt, các học sinh ngồi dưới sân trường để chuẩn bị lên lớp. Nhóm học sinh gặp nạn ngồi ăn sáng gần cổng bảo vệ.
Các thầy cô và phụ huynh nỗ lực đưa học sinh ra ngoài, trong đó em Nguyễn Trung Kiên bị nặng. Một số phụ huynh nóng lòng muốn đưa các em đi bệnh viện nhưng theo nguyên tắc y tế, với người bị thương nặng nếu quá trình di chuyển xử lý không tốt sẽ khiến tình trạng nặng hơn. Vì vậy nhà trường quyết định chờ xe cấp cứu, nhân viên y tế đến chăm sóc ban đầu cho các em sẽ an toàn hơn.
“Em Kiên vẫn tỉnh táo khi thầy cô tiếp cận, uống nước thầy cô đưa. Hỏi thăm tình hình, em nói ‘con thấy mệt’. Sau đó, thầy cô kêu con nằm xuống nghỉ chờ xe cấp cứu đến liền. Nhưng khi các bác sĩ đến, em đã mê man. Các bác sĩ hô hấp nhân tạo, cấp cứu tại chỗ, sau đó đưa tới Bệnh viện An Sinh thì em tử vong”, ông Phúc cho biết.
Gia đình Kiên thuộc diện cận nghèo, hoàn cảnh khó khăn. Mẹ của em vừa sinh con nhỏ 3 ngày. Trong 14 em bị thương có 3 nạn nhân bị sây sát nhẹ, bác sĩ đã khám, kê thuốc và cho về nhà theo dõi.
“Nhà trường rất bất ngờ. Cây phượng nhìn bề ngoài rất tươi tốt, lá xanh, hoa cũng nở rộ. Cây đổ là sự cố đáng tiếc, nhà trường không mong muốn nhưng dù sao nó cũng đã xảy ra rồi. Nếu nói về trách nhiệm thì tôi xin nhận, vì mình là hiệu trưởng”, ông Phúc nhìn nhận.
Hiện, trường đã cho đốn một cây phượng khác, nhiều tuổi hơn cây bị đổ sáng nay, đề phòng sự cố.
Theo bác sĩ Nguyễn Duy Long (Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115), khi bác sĩ có mặt ở hiện trường, nam sinh đã ngưng thở, có vết thương vùng đầu, xương sườn và chân. Nạn nhân được đưa đến Bệnh viện An Sinh cấp cứu bởi đây là nơi gần nhất.
Ông Lê Hoài Nam (Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo) nói, lần đầu TP HCM xảy ra việc cây đổ trong trường học. Trước mùa mưa bão, Sở có lưu ý các trường về công tác an toàn trường học. Sự việc lần này là bài học cho ngành giáo dục về công tác đảm bảo an toàn cho học sinh.
Theo ông Nam, việc quản lý cây xanh thuộc về hiệu trưởng, nhưng muốn đốn cây thì phải xin phép cơ quan quản lý có chức năng.
Trường THCS Bạch Đằng được thành lập từ năm 1964 với tên gọi ban đầu là trường tư thục cấp 2-3 Lê Bảo Tịnh. Đến năm học 2005-2006, trường chính thức mang tên THCS Bạch Đằng.
Học sinh TP HCM nghỉ hơn 3 tháng để phòng chống Covid-19, học sinh trung học trở lại trường từ đầu tháng 5.
Mạnh Tùng – Hữu Công – Vnexpress