Trong một lần hợp tác với đơn vị doanh nghiệp để sửa chữa, bảo trì hệ thống đốt rác thải y tế, kỹ sư Nguyễn Văn Bình (Viện Nghiên cứu Cơ khí) được chủ doanh nghiệp chia sẻ mong muốn có dây chuyền công nghệ xử lý mới, hạn chế độc hại ngoài môi trường, nhưng vì giá thành hệ thống thiết bị nhập ngoại cao nên còn do dự.
Là kỹ sư cơ khí nhưng quan tâm đến môi trường, anh Bình tìm hiểu thêm các công nghệ mới trên thế giới. Nhận thấy công nghệ hấp khử trùng được phát triển tại nhiều nước như Mỹ, Iceland, Đức, trong khi Việt Nam đa số còn sử dụng phương pháp đốt thông thường cho rác thải y tế. “Nếu thành công, công nghệ này có thể là bước cải tiến trong vấn đề xử lý rác thải y tế trong nước”, anh nói.
Dành 2 năm để tìm hiểu và nghiên cứu, đến năm 2019, kỹ sư Bình và cộng sự đã giải mã công nghệ và chế tạo thành công hệ thống hấp rác thải y tế không tạo chất thải thứ phát gồm dioxin và furan.
Hệ thống chạy thử nghiệm tại một công ty xử lý rác thải y tế, với các thành phần rác thuộc nhóm lây nhiễm mầm bệnh (vật liệu thấm máu, dịch, chất bài tiết của bệnh nhân như găng tay, bông gạc, dây truyền máu…) đạt công suất 4 tấn/ngày. Các xét nghiệm vi sinh rác thải y tế sau xử lý đạt kết quả theo yêu cầu của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.
Nói về quy trình xử lý, nhóm tác giả cho biết, hệ thống được chế tạo gồm nồi hấp dung tích 9.000 lít, nồi hơi 480 lít và tủ điều khiển hệ thống. Rác y tế được chuyển vào nồi hấp khử trùng với ba công đoạn (chân không, nạp hơi nước và áp suất nhiệt độ cao, khử trùng từ 135 độ C trở lên. Thời gian 40 phút cho 700 kg rác.
Điểm đặc biệt, hơi nước bão hòa ở nhiệt độ cao giúp khử toàn bộ vi trùng, vi khuẩn, tác nhân gây bệnh trong rác thải. Quá trình này không gây mùi, không phát sinh chất dioxin và furan như phương pháp đốt thông thường.
Toàn bộ quá trình xử lý được vận hành tự động, khi hết thời gian khử trùng, rác được làm nguội và nghiền nhỏ kích thước khoảng 2-3 cm, ép thành bánh, sau đó tiến hành chôn lấp. Thành phẩm sau xử lý là rác thải vô trùng, không có khả năng lây nhiễm ngoài môi trường. “Kể cả khi chôn lấp, sản phẩm không tốn nhiều diện tích và đặc biệt không ảnh hưởng đến môi trường đất và nước”, anh Bình nói.
Hệ thống có tính năng và công suất tương tự, nếu nhập khẩu có giá khoảng 10 tỷ đồng. Tuy nhiên hệ thống chế tạo trong nước cho thời gian xử lý ngắn, năng suất tăng khoảng 15 – 20% so với công nghệ của hãng hàng đầu thế giới, trong khi giá thành chỉ bằng 1/3 giá nhập ngoại.
Bước đầu làm chủ công nghệ, anh Bình cho biết, nhóm tiếp tục cải tiến để giảm giá thành và giới thiệu sản phẩm tới những công ty xử lý rác thải khác trong nước.
Nguyễn Xuân – Vnexpress