Hành trình từ 1% thành công đến cột mốc lịch sử của SpaceX

Cột mốc mới cho ngành hàng không vũ trụ vừa được xác lập: lần đầu tiên một công ty tư nhân phát triển thành công phương tiện tối tân đưa con người vào vũ trụ.
Hành trình từ 1% thành công đến cột mốc lịch sử của SpaceX - Ảnh 1.
Khoảnh khắc Crew Dragon kết nối với ISS – Ảnh: NASA

Đúng 15h22 ngày 30-5 (giờ Mỹ), tức rạng sáng 31-5 theo giờ Việt Nam, tên lửa đẩy Falcon 9 của Công ty SpaceX đã rời bệ phóng từ Trung tâm vũ trụ Kennedy ở bang Florida.

Vận tốc của tên lửa đẩy tăng nhanh chóng chỉ sau 2 phút. Tầng một của tên lửa tách ra ở độ cao hơn 87km và quay trở về mặt đất khoảng 7 phút sau đó, trong lúc động cơ ở tầng 2 khởi động và tiếp tục đưa tàu Crew Dragon tiến vào quỹ đạo đã định.

Sau hành trình bay tự do dài gần 19 tiếng, tối 31-5 (giờ Việt Nam), tàu Crew Dragon chở theo phi hành gia NASA Doug Hurley và Bob Behnken đã kết nối thành công với Trạm không gian quốc tế (ISS).

Khi thành lập SpaceX năm 2002, tỉ phú Elon Musk từng cho rằng những gì công ty ông thực hiện là một sứ mạng không tưởng. Musk ước tính, khả năng thành công của công ty chỉ từ 0,1-1%.

Tuy nhiên đến nay, SpaceX không chỉ tạo nên một bước ngoặt mới cho Elon Musk mà còn cả ngành hàng không vũ trụ Mỹ và trên thế giới.

Hành trình từ 1% thành công đến cột mốc lịch sử của SpaceX - Ảnh 2.
Chuyến bay đánh dấu SpaceX trở thành doanh nghiệp tư nhân đầu tiên chở phi hành gia vào vũ trụ. Trong ảnh: 2 thành viên mới từ Crew Dragon vừa đặt chân lên ISS – Ảnh: NASA
Hành trình từ 1% thành công đến cột mốc lịch sử của SpaceX - Ảnh 3.
Doug Hurley và Bob Behnken là 2 người nhận nhiệm vụ lần này. Cả hai cũng từng có kinh nghiệm đi trên các tàu con thoi. Tại ISS, họ sẽ kết hợp với đồng nghiệp Chris Cassidy và 2 phi hành gia người Nga ở đây thực hiện các nhiệm vụ khoa học – Ảnh: NASA
Hành trình từ 1% thành công đến cột mốc lịch sử của SpaceX - Ảnh 4.
Tàu Crew Dragon 4 chỗ, hình dạng giống với các tàu Apollo trước đây nhưng được trang bị các công nghệ hiện đại. “Chúng tôi đã ngủ một ít vào đêm qua. Chúng tôi ngạc nhiên khi có thể ngủ rất ngon trên chiếc tàu mới này”, Behnken cho biết. Trước đó, tên lửa Falcon 9 đưa tàu Crew Dragon lên quỹ đạo từ bệ phóng 39A ở Trung tâm Vũ trụ Kennedy của NASA, Florida (Mỹ) vào ngày 30-5 (giờ Mỹ) – Ảnh: NASA
Hành trình từ 1% thành công đến cột mốc lịch sử của SpaceX - Ảnh 5.
SpaceX từng vượt qua nhiều trở ngại trước khi tạo được bước ngoặt như hiện nay. Trước đó hồi tháng 4-2019, khoang tàu Crew Dragon từng bị hủy trong thử nghiệm trên mặt đất ở Cape Canaveral. Năm 2016, một tên lửa Falcon 9 cũng phát nổ sau khi bay 139 giây. Trong ảnh là đợt phát nổ vào năm 2016 – Ảnh: NASA
Hành trình từ 1% thành công đến cột mốc lịch sử của SpaceX - Ảnh 6.
Ban đầu, ngày phóng tàu dự kiến tổ chức vào 28-5. Đến phút chót, SpaceX hủy phóng do thời tiết xấu. Ngay cả ngày 30-5, Falcon 9 vẫn chưa chắc có thể cất cánh do trời nhiều mây và rủi ro sét đánh – Ảnh: NASA
Hành trình từ 1% thành công đến cột mốc lịch sử của SpaceX - Ảnh 7.
Thử thách với Crew Dragon vẫn còn phía trước. Sau khi các phi hành gia xong nhiệm vụ trong 4 tháng tới, Crew Dragon tiếp tục chở họ về Trái đất. Chuyến đi này không dễ dàng, dù Crew Dragon được trang bị một lớp lá chắn nhiệt và 4 chiếc dù nhằm giảm tốc độ của tàu vũ trụ khi rơi xuống Đại Tây Dương. Đến lúc đó mới có thể khẳng định nhiệm vụ này của Crew Dragon hoàn toàn thành công hay không. Trong ảnh: Doug Hurley và Bob Behnken đang điều khiển Crew Dragon – Ảnh: NASA
Hành trình từ 1% thành công đến cột mốc lịch sử của SpaceX - Ảnh 8.
Tổng thống Donald Trump, đệ nhất phu nhân Melania và Phó tổng thống Mike Pence đã đến theo dõi buổi phóng tàu – Ảnh: NASA
Hành trình từ 1% thành công đến cột mốc lịch sử của SpaceX - Ảnh 9.
Kể từ chương trình tàu con thoi 30 năm kết thúc năm 2011, Mỹ đều nhờ vào các tàu của Nga nếu muốn lên ISS với chi phí khoảng 86 triệu USD mỗi người. Năm 2014, NASA ký hợp đồng gần 6,8 tỉ USD với hai tập đoàn là Boeing và SpaceX chế tạo tàu vũ trụ thay thế – Ảnh: NASA
Hành trình từ 1% thành công đến cột mốc lịch sử của SpaceX - Ảnh 10.
Hiện tại, SpaceX có khoảng 7.000 nhân viên và ngân sách hoạt động là 1,7 tỉ USD/năm. Trong khi đó, NASA có khoảng 17.500 nhân viên và ngân sách hoạt động 20 tỉ USD/năm. Dù hơi “lép vế” về nhân lực và tài chính, SpaceX hiện đi tiên phong so với NASA trong việc phát triển rất nhiều công nghệ phức tạp và táo bạo – Ảnh: NASA

Theo HOÀNG THI – Tuổi Trẻ