Gia đình anh Xuân Trung ở TP Hải Phòng mua vé máy bay từ Hải Phòng đi TP HCM, sau đó đi xe khách du lịch đồng bằng sông Cửu Long dịp Tết. Dịch bệnh bùng phát, Hải Phòng nguy cơ trở thành vùng dịch vì đã có vài nơi bị phong tỏa, người dân được khuyến cáo hạn chế di chuyển. Gia đình anh Trung đành bỏ hành trình vì lo sợ mang mầm bệnh lây lan cho người khác.
“Tôi đã gọi cho hãng máy bay xin hoãn chuyến bay hoặc hoàn tiền để bay sau dịch, nhưng hãng trả lời là không thể hỗ trợ được. Lý do vé của chúng tôi là loại giá rẻ, nơi ở chưa phải là vùng dịch, các chuyến bay vẫn bình thường”, anh Trung kể, đành chấp nhận bỏ hơn 10 triệu đồng tiền vé.
Tương tự gia đình chị Thúy Hà ở quận Bình Thạnh, TP HCM, đã bỏ ra hơn 20 triệu đồng mua vé máy bay về quê tại huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương, dịp Tết Tân Sửu để dự lễ thượng thọ 80 tuổi của ông nội. Dịch bùng phát, Hải Dương trở thành tâm dịch, chỉ trong 5 ngày đã ghi nhận 242 bệnh nhân, toàn tỉnh giãn cách xã hội từ ngày 28/1. Vì thế, chị Hà quyết định hủy chuyến.
Sau nhiều lần liên lạc với hãng hàng không, chị Hà được nhân viên trả lời loại vé của gia đình chị chỉ được đổi ngày bay có mất phí mà không được hoàn tiền, trong khi cả gia đình đã bỏ ra mấy chục triệu đồng. “Vợ chồng con cái chỉ được cùng nghỉ vào dịp Tết, bọn trẻ con không thể nghỉ học nên khó đổi sang ngày khác. Đi thì không được, bỏ vé thì không được hoàn tiền. Tôi nghĩ hãng nên hoàn tiền cho khách vì dịch bệnh bất khả kháng”, chị Hà phàn nàn.
Tính đưa cả gia đình từ Hà Nội về Nghệ An ăn Tết bằng tàu hỏa, chị Thu Thanh, ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, lại lo ngại về rồi không thể trở lại thủ đô, ảnh hưởng đến công việc của hai vợ chồng. Chị dự định hủy vé tàu, nhưng như thông báo của ngành đường sắt muốn hoàn vé phải trả phí 30% – mức quá cao.
“Mấy ngày qua, chúng tôi đứng ngồi không yên, chưa nghĩ ra phương án đi hay ở lại thủ đô. Đổi vé tàu thì mất phí, còn về quê thì không yên tâm”, chị Thanh nói.
Những ngày qua, tổng đài Vietnam Airlines hay ngành đường sắt đều nhận được nhiều câu hỏi của hành khách về các chuyến bay có diễn ra bình thường không, tình hình đi lại có an toàn không, chính sách đổi trả vé như thế nào…
Theo đại diện Vietnam Airlines, hãng đã áp dụng miễn phí đổi vé cho hành khách bị ảnh hưởng do dịch bệnh như bị cách ly, đang ở trong vùng dịch hoặc những khách có hành trình đến vùng dịch (cần có giấy tờ chứng minh). Còn lại những hành khách không ở trong vùng dịch thì vẫn áp dụng đổi, hoàn vé theo điều kiện vé như trước đây khi các chuyến bay diễn ra bình thường. Với trường hợp cụ thể, khách cần liên lạc đại lý, phòng vé hoặc tổng đài hãng để được hỗ trợ.
Đại diện Vietnam Airlines cũng cho hay, mấy ngày gần đây chỉ có một số ít hành khách muốn hủy vé, đổi chuyến trong dịp Tết. Hãng vẫn giữ nguyên lịch bay Tết này với kế hoạch tăng hơn 414.000 chỗ so với thường lệ. “Chúng tôi mong hành khách chia sẻ với những khó khăn của hãng hàng không, các hãng đã thiệt hại nặng do ảnh hưởng dịch bệnh”, đại diện hãng nói.
Ông Trần Thiện Cảnh, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), cho biết mức phí hoàn vé 30% đã có từ lâu nhằm ngăn chặn tình trạng đầu cơ vé mỗi dịp Tết đến, tính theo đúng quy định của Bộ Tài chính. Năm nay, ngành đường sắt đã hỗ trợ cho hành khách hoàn vé như có thể bảo lưu vé trong một năm. Khách có thể đổi hành trình, thời gian đi hay sang tên cho người khác, nếu không dùng vé này thì được nhận lại tiền hoàn toàn bộ từ đầu năm 2022.
“Chúng tôi khuyến khích hành khách bảo lưu vé vì chính sách linh hoạt, lợi ích cho cả hành khách và ngành đường sắt”, ông Cảnh nói.
Theo lãnh đạo VNR, từ khi dịch bùng phát, đến nay đã có khoảng 33.000 vé được hành khách trả lại, trị giá gần 30 tỷ đồng. Phần lớn hành khách trả vé tại ga Sài Gòn và Dĩ An (Bình Dương) cho các chặng tàu từ nam ra bắc trước Tết và ngược lại sau Tết. Đầu ga Hà Nội không nhiều người trả vé.
Anh Duy – Vnexpress