Truyền hình nhà nước Iran hôm 5/1 ước tính hàng triệu người tuần hành ở hai thành phố Ahvaz và Mashhad để tỏ lòng kính trọng khi thi hài tướng Qasem Soleimani được đưa qua các tuyến phố. Các báo cáo cho biết đây là những đám rước lớn nhất ở Iran kể từ tang lễ năm 1989 của người sáng lập Cộng hòa Hồi giáo Ayatollah Ruhollah Khomeini.
Xe chở thi hài tướng Soleimani, người được truyền thông Iran mệnh danh là “chỉ huy của lòng dân”, di chuyển chậm chạp qua những con phố. Người dân mặc đồ đen, mang theo ảnh chân dung của ông, than khóc, đập tay vào ngực và hô khẩu hiệu của người Hồi giáo Shiite.
Đám rước tại thành phố Ahvaz, thủ phủ tỉnh Khuzestan, tây nam Iran, bắt đầu lúc 7h tại Quảng trường Rumi. Hàng trăm nghìn người mặc đồ đen phủ kín các tuyến phố và cây cầu bắc qua sông Karun để bày tỏ sự tôn kính cuối cùng đối với thiếu tướng Soleimani. Họ cũng mang theo cờ Shiite đỏ, tượng trưng cho máu đổ của ai đó bị giết một cách bất công và kêu gọi báo thù.
Những người mặc đồ đen cũng tuần hành ở Mashhad, thủ phủ tỉnh Khorasan-e Razavi, đông bắc Iran và là thành phố đông dân thứ hai của nước này, trong ngày 5/1. Họ hô vang khẩu hiệu trả thù và đi theo chiếc xe chở thi hài Soleimani về phía đền thờ Imam Reza.
Những người tuần hành cũng ném khăn lên nóc xe chở thi hài để mong được dòng máu của người “tử vì đạo” ban phước.
Soleimani cùng với một số quan chức Iran bị giết trong không kích được đưa từ Iraq về nước từ sáng 5/1. Sau lễ tưởng niệm ở Ahvaz, thi hài ông được chuyển về thủ đô Tehran bằng máy bay vào tối cùng ngày. Sau đó thi hài được đưa tới làm lễ ở thành phố thiêng Qom, trước khi tang lễ ở quê nhà Kerman được tổ chức ngày 7/1.
Theo Thông tấn xã Mehr, Soleimani đặc biệt được tôn kính ở Khuzestan bởi khi còn trẻ, ông đã tham gia bảo vệ khu vực này trong những ngày đầu Chiến tranh Iran – Iraq (1980-1988).
Các cuộc tuần hành tưởng nhớ ông cũng sẽ diễn ra tại Baghdad và Karbala, thánh địa của người Shiite.
Tướng Soleimani là quan chức quyền lực thứ hai Iran. Ông được bổ nhiệm làm chỉ huy đặc nhiệm Quds của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) năm 1997. Mỹ cho rằng việc tiêu diệt Soleimani đã ngăn được một số vụ tấn công khủng bố lớn nhằm vào quân nhân và người dân Mỹ, trong khi Iran xem đây là hành động khủng bố và thề sẽ trả thù.
Huyền Lê (Theo RT) – Vnexpress