Hàng triệu con gà giúp chế văcxin cúm tại Mỹ không có tác dụng với corona

Mỹ có các trang trại bí mật nuôi những con gà đẻ trứng dùng trong điều chế vắcxin các loại cúm thông thường. Tuy nhiên, virus corona khác với các virus cúm thông thường nên phương pháp truyền thống dùng trứng gà lại không có tác dụng.
Hàng triệu con gà giúp chế văcxin cúm tại Mỹ không có tác dụng với corona - Ảnh 1.
Một kỹ thuật viên phòng thí nghiệm tiêm virus cúm vào trứng gà mái trong quá trình nghiên cứu văcxin tại Viện Virus học Torlak, Serbia ngày 3-3 – Ảnh: GETTY IMAGES

Đài CNN ngày 27-3 cho biết mỗi ngày có hàng trăm ngàn quả trứng từ những con gà trên được chuyển đến các cơ sở lưu trữ được bảo vệ nghiêm ngặt.

Những quả trứng gà này không phải dành cho các bữa ăn sáng mà chính là dùng để điều chế văcxin cúm. Trong 80 năm qua, phần lớn thế giới đã dựa vào trứng gà để sản xuất văcxin cúm.

Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết khoảng 174,5 triệu liều văcxin cúm đã được phân phối trên khắp nước Mỹ trong mùa cúm mùa kết thúc vào tháng 2-2020, trong đó ước tính 82% các liều văcxin này được sản xuất từ trứng gà của các trang trại trên.

Đầu tư hàng triệu USD

Với mỗi trứng dùng để sản xuất 1 liều văcxin, ước tính Mỹ đã phải sử dụng 140 triệu trứng chỉ trong mùa cúm mùa này. Ngoài ra, để chuẩn bị cho mùa cúm mùa hằng năm, cũng như các đại dịch có thể xảy ra, Chính phủ Mỹ đã đầu tư hàng trăm triệu USD trong 15 năm qua để đảm bảo có đủ trứng sản xuất văcxin.

Tuy nhiên, khi thế giới đang đối mặt với cuộc khủng hoảng mới là virus corona chủng mới (SARS-CoV-2), gây bệnh cho gần 600.000 người trên toàn cầu với hơn 27.000 ca tử vong, thì trứng gà tại các trang trại bí mật trên lại không có tác dụng gì.

Từ những năm 1930, các nhà khoa học đã khám phá ra việc sử dụng trứng gà trong sản xuất văcxin. Nhóm nghiên cứu ở Anh đã thử nghiệm văcxin đầu tiên trong lực lượng vũ trang vào năm 1937. Một năm sau đó, Mỹ phát hiện rằng có thể bảo vệ quân đội bằng cách tiêm phòng cúm.

Đến đầu những năm 1940, văcxin cúm sản xuất từ trứng gà đã sẵn sàng cho mọi công dân Mỹ.

Hàng triệu con gà giúp chế văcxin cúm tại Mỹ không có tác dụng với corona - Ảnh 2.
Các khay trứng gà tại một cơ sở của nhà sản xuất văcxin Sanofi Pasteur ở Pennsylvania, Mỹ – Ảnh: GETTY IMAGES

Về cách sản xuất văcxin, CDC Mỹ và các phòng thí nghiệm khác hợp tác với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để chọn ra một số chủng virus cúm nhất định và gửi cho các nhà sản xuất văcxin tư nhân.

Cúm có thể có các biến thể và các chủng virus gây cúm có thể thay đổi mỗi năm. Điều này có nghĩa là con người cần văcxin mới cho mỗi mùa cúm.

Virus được chọn sẽ được tiêm vào trứng của con gà mái đã thụ tinh, và virus sẽ nhân lên nhiều lần trong một vài ngày. Đây là điều sẽ diễn ra tương tự khi virus được tiêm vào trong một vật chủ là con người.

Sau đó, các nhà khoa học thu hoạch chất lỏng chứa virus trong trứng, làm virus bất hoạt để không còn khả năng gây bệnh để thu về kháng nguyên của virus. Kháng nguyên là chất khi xâm nhập vào cơ thể người sẽ được hệ thống miễn dịch nhận biết và sinh ra kháng thể tương ứng.

CDC Mỹ cho biết toàn bộ quá trình trên mất ít nhất 6 tháng. Phát ngôn viên của Sanofi, nhà sản xuất văcxin lớn nhất tại Mỹ, cho biết vị trí các trang trại nuôi gà trên là thông tin mật.

Không có tác dụng trong sản xuất văcxin ngừa SARS-CoV-2

Hiện nay thế giới vẫn chưa có văcxin ngừa virus corona chủng mới vì virus này khác hơn so với các virus gây cúm thông thường nên các phương pháp truyền thống sử dụng trứng điều chế văcxin không có hiệu quả.

Do vậy, kho dự trữ trứng khổng lồ của Mỹ đã không giúp được gì trong bối cảnh các nhà khoa học trên thế giới đang chạy đua với thời gian để tìm ra phương pháp chữa trị cũng như vắcxin phòng ngừa virus corona chủng mới.

Tháng 9-2019, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp yêu cầu các cơ quan y tế phải mở rộng việc sử dụng các biện pháp thay thế khác ngoài dùng trứng trong điều trị văcxin cúm.

Một trong những lý do chính là quy trình sản xuất 6 tháng là quá chậm. Ông Leo Poon, trưởng phòng khoa học thí nghiệm y tế cộng đồng tại ĐH Hong Kong, cho rằng một căn bệnh có thể lan rộng ra toàn cầu trong khoảng thời gian 6 tháng này. Ngoài ra, virus khi tiêm vào trứng có thể đột biến và khiến văcxin trở nên kém hiệu quả hơn.

Một vấn đề khác là nguồn cung dễ bị tổn thương. “Nếu có đại dịch cúm gia cầm H5N1 thì gà có thể chết rất nhiều và nguồn cung cấp trứng sẽ giảm đáng kể, ảnh hưởng đến quá trình sản xuất văcxin” – ông Poon nói.

WHO cho biết hiện nay có hơn 20 loại văcxin phòng ngừa virus corona chủng mới tiềm năng, sử dụng các công nghệ không dựa vào trứng, đang được phát triển. Dù vậy, các quan chức y tế thế giới cảnh báo sẽ phải mất ít nhất một năm trước khi bất kỳ loại văcxin corona nào được chứng minh là có hiệu quả và được phê chuẩn để phân phối rộng rãi.

Theo ANH THƯ – Tuổi Trẻ