Theo Bloomberg, nhu cầu đối với hoa lan của Thái đã giảm mạnh sau khi các doanh nghiệp và khác sạn trên toàn cầu buộc phải đóng cửa để ngăn dịch bệnh lây lan.
Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vườn lan của Thái Lan, ông Sompong Thaveesuk, cho biết hàng triệu cành lan tại đây đang bị cắt đi hoặc vứt bỏ hằng ngày vì không tìm được người mua. Hoa lan của Thái thường được sử dụng để trang trí tại nhà hàng, khách sạn hoặc các dịp lễ lạc, sự kiện lớn.
“Gần như không có người mua, và ngay cả khi chúng tôi muốn xuất khẩu hoa, chúng tôi cũng không làm được vì đa số chuyến bay thương mại thường chở hoa cũng bị hủy bỏ”, ông Sompong cho biết và ước tính nhu cầu đã sụt giảm 95%.
Thái Lan xuất khẩu hơn một nửa số hoa lan trồng được và ngành xuất khẩu này mang lại cho người Thái hàng chục triệu USD. Tuy nhiên, không chỉ các nhà xuất khẩu mới gặp rắc rối, nhu cầu từ người mua tại Thái cũng giảm mạnh vì hoạt động du lịch đình trệ.
Các chủ vườn và nhà xuất khẩu lan tại Thái hiện đang tập trung vào việc duy trì vườn nuôi trong khi chờ nhu cầu tăng trở lại. Ngành này đang chiếm khoảng 50.000 lao động của Thái Lan.
Dù vậy, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 chưa có dấu hiệu dừng lại, giới quan sát nhận định vẫn còn khá lâu để ngành nghề này có thể khôi phục. Tính đến 18-4, Thái Lan đã ghi nhận 2.733 ca nhiễm và 47 trường hợp tử vong.
Trước đó, các thông tin về hoạt động trồng và xuất khẩu hoa tulip Hà Lan và hoa hồng Kenya cũng lâm vào tình trạng tương tự.
Từ cuối tháng 3, Hiệp hội Hoa Hà Lan cảnh báo nhiều thành viên có thể bị phá sản trong tương lai không xa do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 khiến nhu cầu mua hoa sụt giảm nghiêm trọng.
Ngày 13-3, hội này phải hủy 20% lượng hoa tồn dư vì không có người mua. Ngành công nghiệp hoa ở Hà Lan tạo việc làm cho 150.000 lao động và chiếm khoảng 35% lượng hoa cắt cành và hoa chậu xuất khẩu trên toàn cầu. Thị trường này trị giá 6,2 tỉ euro/năm.
Trong khi đó, mỗi trang trại tại Kenya đã phải trả hàng chục nông dân về nhà vì ế ẩm .
Theo NGUYÊN HẠNH – Tuổi Trẻ