Hàng trăm nghìn người thất nghiệp ở Hollywood

Mac Brandt – đóng Mac Sullivan trong phim “Kingdom” – nộp đơn xin chính phủ 1.200 USD trợ cấp thất nghiệp.

Mac Brandt kiếm sống nhờ nghề diễn sáu năm qua, xuất hiện trong series KingdomArrested Development... Công việc giúp anh chi trả cuộc sống mà không cần làm thêm ở quầy bar hay phục vụ bàn như trước. Nhưng cuộc sống của anh xoay chuyển hoàn toàn vào tháng 3, khi cơn bão Covid-19 càn quét qua nước Mỹ.

Mac Brandt trong series We The People. Ảnh: ABC.
Mac Brandt trong series “We The People”. Ảnh: ABC.

Brandt nói: “Trước đây, khi tôi xuất hiện trên Station 19, mọi người chắc chắn nghĩ: ‘Ồ, gã này được lên tivi, hẳn sẽ kiếm được rất nhiều tiền. Thực ra đó là một ngành công nghiệp. Anh phải tiếp tục có việc, tiếp tục thử vai để duy trì. Nhưng giờ tôi không thể làm điều đó khi mọi thứ đều đóng cửa”.

Brandt đã nộp đơn xin thất nghiệp và được phép trả chậm các khoản vay thế chấp và thuê xe. Anh được duy trì nợ thẻ tín dụng, từ đó có đủ tiền mua nhu yếu phẩm. Brandt đang đợi 1.200 USD trợ cấp từ chính phủ liên bang. Diễn viên 39 tuổi, hiện có hai con nhỏ, cho biết đang cân nhắc tìm việc ở trang Amazon.

Mac Brandt trong phim thể thao Kingdom
Mac Brandt đóng Mac Sullivan (xuất hiện ở 0:17) trong series truyền hình thể thao “Kingdom” trên kênh DirecTV từ năm 2014 tới 2017. Video: Youtube.
   

Rạp chiếu phim tối đèn, sân khấu đóng cửa và các dự án phim bị trì hoãn vô thời hạn khiến hàng chục đến trăm nghìn người như Brandt mất kế sinh nhai. Mỹ cách ly xã hội chưa đến hai tháng, nhưng tổn thất từ đại dịch đã khiến ngành phim ảnh, truyền hình, âm nhạc sụp đổ. Đây là cuộc khủng hoảng kinh tế lớn nhất từ trước đến nay đánh vào Hollywood, Broadway và những trung tâm giải trí khác, lấn át cả hậu quả của vụ khủng bố 9/11 và cuộc đại suy thoái toàn cầu năm 2009. Nhà thiết kế, quay phim, nghệ sĩ make-up, nhân viên hậu trường, người bán vé, diễn viên phụ cảm nhận sâu sắc nhất về tình cảnh này. Công việc của họ không nổi bật, nhưng là xương sống của doanh nghiệp.

Tháng 2, Hiệp hội Điện ảnh Mỹ ước tính ngành công nghiệp điện ảnh và truyền hình sử dụng 892.000 lao động. Theo dữ liệu liên bang, khoảng 125.000 nhân viên và những người làm việc trong hệ thống rạp chiếu phải nghỉ không lương hoặc bị sa thải. 170.000 người khác là diễn viên, đạo diễn, người vận hành máy quay, kỹ thuật viên ánh sáng, nhà thiết kế… phần lớn không có việc.Tương tự, khoảng 72.000 người làm việc cho các sân khấu, 210.000 lao động ở các công viên giải trí… đều phải nghỉ không lương. Ngành giải trí – theo định nghĩa rộng – có vài trăm nghìn người thất nghiệp kể từ đầu tháng 3, con số gấp nhiều lần số liệu trong cuộc đại suy thoái 2009.

Không kể trường hợp ngoại lệ là những ngôi sao hạng A như Brad Pitt và Jennifer Lawrence, phần lớn người trong ngành giải trí đều chấp nhận rủi ro, làm việc theo thời vụ, vừa hối hả kiếm tiền vừa chờ đợi một bước đổi đời – có thể không bao giờ xảy ra. Khi thị trường lao động đang cạn kiệt vì đại dịch, họ còn rất ít cách để kiếm sống. Thậm chí, làm phục vụ bàn cũng khó khăn, vì hầu hết nhà hàng đã đóng cửa.

Sự phụ thuộc vào kinh tế thời vụ gây ra vô số vấn đề khi nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp. Nhiều người phải mất vài tuần khổ sở tập hợp một bản khai chắp vá những người chủ lao động trước đây. Anka Malatynska – quay phim 40 tuổi, từng thực hiện series Insecure của HBO – nói: “Tôi đã làm việc ở bốn tiểu bang khác nhau và khi tôi nói chuyện với kế toán của mình, cô ấy bảo cần nộp đơn xin thất nghiệp ở cả bốn tiểu bang”.

Marquis Howell, 39 tuổi, có ba con nhỏ, chơi guitar và bass tại công viên Disney ở Anaheim, California. Công ty đã trả anh 193 USD mỗi tuần trong hai tuần đầu tiên sau cách ly xã hội. Anh đang phải vật lộn để trả tiền thuê nhà. Marquis có thể kiếm thêm tiền từ các video ngắn mà người xem trả cho anh qua các ví điện tử, nhưng số tiền ngày càng ít đi.”Tôi đã cố gắng đăng ký trợ cấp thất nghiệp nhưng đó như là việc tốn công vô ích. Tôi đang sống như một bóng ma”, anh nói. Disney đã đóng cửa các công viên trên khắp thế giới tháng trước và buộc 100.000 nhân viên nghỉ làm từ ngày 19/4.

Công viên Disneyland ở Mỹ đóng cửa từ ngày 14/3. Ảnh: EOA-EFE.
Công viên Disneyland ở Mỹ đóng cửa từ ngày 14/3. Ảnh: EOA-EFE.

“Chúng tôi hoàn toàn bế tắc và sống nhờ vào tiền tiết kiệm, quỹ hỗ trợ diễn viên hay bất cứ sự trợ giúp nào của công đoàn” – Iris Abril, nghệ sĩ make-up của series Brooklyn 99, nói. 

Một số công ty như Netflix, Warner Media, Viacom… bắt đầu gây quỹ hỗ trợ những người thất nghiệp. Dù vậy, nhiều người lo lắng tài chính sẽ lại cạn kiệt nếu giãn cách xã hội kéo dài suốt mùa hè hoặc một đợt dịch nữa bùng phát.

Thu Thảo (theo Variety)

  – Vnexpress