Bộ Quốc phòng Hàn Quốc tuần trước thông báo triển khai Đơn vị Chống cướp biển Cheonghae tới eo biển Hormuz nhằm bảo vệ tuyến hàng hải quan trọng với nền kinh tế nước này. Lực lượng này hoạt động ngoài khơi Somalia từ năm 2009, hiện gồm tàu khu trục đa năng ROKS Wang Geon, trực thăng săn ngầm Lynx cùng 300 binh sĩ.
Thông tin được đưa ra trong bối cảnh Seoul ngày càng chịu sức ép từ Washington nhằm góp quân cho liên minh tuần tra hàng hải tại Trung Đông. Tuy nhiên, kế hoạch của Hàn Quốc đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều trong nước, cũng như gây nguy cơ đẩy nước này vào thế khó ở Vùng Vịnh.
Quyết định triển khai đơn vị Cheonghae là bước đi chiến lược nhằm bảo vệ 25.000 công dân Hàn Quốc cũng như đảm bảo an ninh hàng hải cho các tàu thương mại của nước này tại Trung Đông. 70% nguồn dầu thô và 900 lượt tàu hàng Hàn Quốc đi qua eo biển Hormuz mỗi năm.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc khẳng định đơn vị Cheonghae sẽ hoạt động độc lập, không nằm trong liên quân do Mỹ dẫn đầu nhằm thể hiện quan điểm trung lập với căng thẳng giữa Washington và Tehran.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã thông báo cho cả Mỹ và Iran trước khi công bố quyết định triển khai lực lượng, cho rằng đây là bước đi xoa dịu Tehran khi bảo đảm tách rời hoạt động khỏi liên quân do Washington dẫn đầu nhưng vẫn bảo vệ được lợi ích chiến lược của Seoul tại Trung Đông.
Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi gọi quyết định của Hàn Quốc là “không thể chấp nhận được”, khẳng định sự hiện diện của quân đội nước ngoài trong khu vực là mối đe dọa. Trong khi đó, Mỹ và các đồng minh Vùng Vịnh hoan nghênh động thái của Hàn Quốc, mô tả đó là biện pháp tăng cường sức ép quốc tế lên Iran.
Quyết định của Hàn Quốc cũng làm dấy lên nhiều tranh cãi ngay trong chính trường nước này giữa những người theo chủ nghĩa tự do với phe bảo thủ. Cả đảng Dân chủ cầm quyền và đảng đối lập Hàn Quốc Tự do cánh hữu đều ủng hộ đợt triển khai lực lượng quân sự tới Trung Đông, trong khi đảng Công lý cánh tả và đảng Bareunmirae lại phản đối và yêu cầu chính phủ Hàn Quốc phải xin ý kiến quốc hội.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc khẳng định họ không cần xin quốc hội phê chuẩn trong trường hợp này, đưa dẫn chứng là các chiến dịch triển khai quân giải cứu công dân tại Libya và Yemen năm 2011, 2014 và 2015.
“Seoul đang đặt lợi ích quốc gia lên đầu với quyết định điều quân đến eo biển Hormuz. Tuy nhiên, những rủi ro tiềm tàng về chiến lược, thương mại và ngoại giao cho thấy Hàn Quốc đang rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan khi vừa phải tránh làm tổn hại quan hệ với Mỹ, đồng minh thân cận nhất và Iran, nước có thể gây ảnh hưởng tới nguồn cung dầu và thương mại hàng hải của họ”, nhà phân tích Hae Won Jeong nhận xét.
Hữu Khôi (Theo Diplomat) – Vnexpress