Hakan Sukur chạy Uber kiếm sống

Hakan Sukur, cựu tiền đạo lừng danh của Thổ Nhĩ Kỳ, phải làm nhiều nghề để nuôi sống gia đình ở Mỹ vì cáo buộc phản động nơi quê nhà.

“Tôi phải làm tài xế Uber và thỉnh thoảng bán sách để trang trải cuộc sống ở Washington”, Sukur tiết lộ trên tờ WELT am Sontag (Đức) số ra hôm 12/1. 

Sukur trên một cuốc xe Uber.
Sukur trên một cuốc xe Uber.

Sukur, được mệnh danh là “Bò mộng Bosphorus” thời còn thi đấu, là một trong những tên tuổi lớn nhất, và là đội trưởng tuyển Thổ Nhĩ Kỳ đoạt HC đồng World Cup 2002. Tuy nhiên, cuộc sống hậu bóng đá tưởng êm đềm của ông bỗng đảo lộn sau khi tham gia chính trường, và đứng về phe đối lập với chính phủ của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan. Cựu tiền đạo 48 tuổi phải sang Mỹ sống lưu vong cùng vợ con, sau khi tham gia vào vụ đảo chính bất thành tháng 7/2016. Cuộc binh biến đó khiến Sukur bị chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ truy nã, buộc tội “phản quốc”, “khủng bố”.  

Hakan Sukur chạy Uber kiếm sống
*Những bàn thắng đẹp nhất của Sukur.

“Sự thù địch bắt đầu nhắm vào gia đình tôi”, Sukur kể về những biến cố sau khi ông rời hàng ngũ đảng cầm quyền AKP của Erdogan và đứng về phe đối lập. “Họ ném đá vào cửa hàng của vợ tôi, con tôi bị sỉ nhục trên đường. Tôi thì bị đe dọa vì những phát ngôn của mình. Khi tôi bỏ ra nước ngoài, họ bỏ tù bố tôi và tịch biên mọi tài sản của tôi. Tôi chẳng còn gì trên thế giới này”.

Bố của Sukur mới đây được ra tù sau khi mắc bệnh ung thư, nhưng bị quản thúc tại gia. Mẹ của ông cũng bị chẩn đoán mắc ung thư. “Những năm vừa qua là quãng thời gian thật sự khó khăn với bố mẹ tôi. Không những thế, bất kỳ ai có liên quan đến tôi đều gặp khó khăn về tài chính”, cựu đội trưởng Thổ Nhĩ Kỳ kể.

Sukur (phải) khi cùng Galatasaray đoạt Cup UEFA (tiền thân của Europa League hiện tại) vào năm 2000. Ảnh: UEFA.
Sukur (phải) khi cùng Galatasaray đoạt Cup UEFA (tiền thân của Europa League hiện tại) vào năm 2000. Ảnh: UEFA.

Sau khi sang Mỹ sống lưu vong, Sukur từng mở quán cafe ở California, nhưng không yên ổn được lâu vì bị những đồng hương bất đồng chính kiến  làm phiền. Sukur còn nhận ra bản thân tiếp tục bị cô lập sau vụ một sinh viên Thổ Nhĩ Kỳ ở Mỹ bị bỏ tù 14 tháng vì chụp ảnh selfie cùng ông. 

“Khi tôi gia nhập đảng AKP, Thổ Nhĩ Kỳ còn tuân thủ các tiêu chuẩn của EU, và nhận rất nhiều dòng tiền đầu tư từ châu Âu. Nhưng các chính sách của Erdogan dần làm mọi thứ tồi tệ, đẩy Thổ Nhĩ Kỳ đi theo con đường khác, ngả về Trung Đông hơn là châu Âu”, Sukur nói thêm về lý do ông rời AKP để gia nhập phe đối lập với Erdogan. 

Sukur thi đấu chuyên nghiệp từ năm 1987 đến 2007. Ông là tiền đạo hay nhất trong lịch sử đội tuyển Thổ Nhĩ Kỳ, ghi 51 bàn sau 112 lần ra sân. Từng đoạt hàng loạt danh hiệu quốc nội và Cup UEFA trong màu áo Galatasaray, Sukur còn khoác áo các CLB nước ngoài như Torino, Inter Milan, Parma và Blackburn.

Sukur trong trận bán kết World Cup 2002 mà anh cùng Thổ Nhĩ Kỳ thua Brazil 0-1. Ảnh: Sporting-heroes.
Sukur trong trận bán kết World Cup 2002 mà anh cùng Thổ Nhĩ Kỳ thua Brazil 0-1. Ảnh: Sporting-heroes.

Năm 2008, sau khi giải nghệ, ông bắt đầu tham gia hoạt động chính trị, từng được bầu làm nghị sĩ quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc tổng tuyển cử 2011.

Nhật Tảo (theo WELT am Sontag) – Vnexpress