Việc đổ bộ sang Signal và Telegram đang diễn ra rầm rộ, khi nhiều người cảm thấy bị tấn công trực tuyến vì Facebook, Twitter, YouTube, Snapchat… cấm Tổng thống Mỹ Donald Trump với lý do ông sử dụng những mạng xã hội này để kích động bạo động ngày 6/1. Parler, một ứng dụng truyền thông xã hội bảo thủ khá phổ biến, cũng bị Amazon đóng cửa cuối tuần qua.
Trước sự hỗn loạn đó, Signal và Telegram nổi lên như giải pháp thay thế mới. Theo thống kê của Sensor Tower, chỉ từ ngày 6 đến 10/1, Signal, vốn có 32 triệu lượt tải tính đến tháng 6/2020, đã thu hút thêm 7,5 triệu lượt tải trên toàn cầu từ kho ứng dụng App Store và Google Play. Trong khi đó, Telegram cũng thông báo đã vượt mốc 500 triệu người dùng. Thậm chí, chỉ trong vòng 72 giờ (tính đến 13/1), nền tảng này lôi kéo được 25 triệu người dùng mới.
Hai ứng dụng này không thể thay thế cho Twitter và Facebook nếu xét về hoạt động mạng xã hội, nhưng mang đến những thứ mà hai mạng kia không có: ẩn danh, mã hóa và không kiểm duyệt nội dung.
Pavel Durov – nhà sáng lập Telegram
Sinh năm 1984 tại Nga, Durov lại trải qua hầu hết thời tuổi thơ ở Turin, Italy – nơi bố làm việc. Ông trở về Nga năm 2001. Khi còn đi học, Durov từng tấn công mạng máy tính của trường và bị trường cắt quyền truy cập. Chàng thanh niên trẻ cũng từng tuyên bố với bạn học là muốn trở thành “biểu tượng Internet”.
Năm 2006, Durov cùng anh trai sáng lập VKontakte, một mạng xã hội tiếng Nga có cách hoạt động tương tự Facebook. Sản phẩm nhanh chóng phổ biến với 350 triệu người dùng, giúp Durov trở thành triệu phú.
Theo Washington Post, 5 năm sau, ông lần đầu xung đột với chính phủ Nga vì từ chối “bịt miệng” các chính trị gia đối lập trên VKontakte. Sau đó, ông phải trốn khỏi Nga vì bị cảnh sát điều tra về một vụ va chạm giao thông – tai nạn mà Durov mô tả là có động cơ chính trị.
Cùng lúc đó, anh em nhà Durov âm thầm phát triển một dự án bí mật – ứng dụng nhắn tin mã hóa Telegram, cạnh tranh với các đối thủ lớn trên thị trường như WhatsApp và hứa hẹn bảo vệ người dùng khỏi sự can thiệp của bên thứ ba.
Tháng 8/2013, Telegram ra mắt và lập tức phổ biến trong giới các chính trị gia đối lập, nhà hoạt động và những người muốn thay đổi hiện tại. Nhưng Telegram cũng mất gần một thập kỷ để loại bỏ ISIS khỏi nền tảng. Đến cuối 2017, lượng người dùng của Telegram đạt 180 triệu và vừa cán mốc nửa tỷ người dùng vào ngày 13/1.
Tổng thống Mỹ Trump từ lâu đã duy trì tài khoản công khai trên Telegram và tiếp tục đăng bài trên ứng dụng sau khi bị Facebook và Twitter “trục xuất”. Tuy nhiên, ở đây ông mới có khoảng 500.000 “khán giả”, trong khi trên Twitter và Facebook, ông thu hút hơn 100 triệu người theo dõi.
“Telegram đã trở thành nơi trú ẩn lớn nhất cho những người tìm kiếm một nền tảng giao tiếp cam kết bảo mật và quyền riêng tư”, nhà sáng lập Pavel Durov chia sẻ trên Telegram về làn sóng người dùng mới. “Chúng tôi sẽ không làm bạn thất vọng”.
Hiện tổng giá trị tài sản của Pavel Durov ước tính khoảng 3,8 tỷ USD và ông đang làm việc tại Dubai.
Brian Acton – tỷ phú hậu thuẫn Signal
Đầu năm 2018, Brian Acton, nhà đồng sáng lập WhatsApp, rời Facebook vì bất đồng quan điểm về kiếm tiền từ dữ liệu người dùng. Tháng 3 năm đó, ông nhắm thẳng vào công ty cũ với dòng tweet giận dữ: “Đã tới lúc xóa Facebook”. Thông điệp xuất hiện đúng lúc Facebook đang dính vào vụ bê bối làm lộ dữ liệu người dùng.
Cùng giai đoạn đó, Acton đầu tư 50 triệu USD vào tổ chức phi lợi nhuận mới là Signal Foundation và giữ vai trò Chủ tịch. Mục tiêu của tổ chức này là tài trợ cho ứng dụng Signal, cho phép người dùng gửi tin nhắn mã hóa đầu cuối.
Signal ra đời năm 2014 và được phát triển bởi một chuyên gia bảo mật có biệt danh Moxie Marlinspike (không rõ tên thật). Công nghệ mã hóa gần như bất khả xâm phạm của nó nhanh chóng giành được sự khen ngợi của nhiều người, trong đó có tỷ phú Jack Dorsey, CEO Twitter và cựu điệp viên CIA Edward Snowden, người cho biết đang sử dụng Signal mỗi ngày.
Trước đó, Brian Acton là nhân viên thứ 44 của Yahoo. Ông bỏ đi vì chán nản trước việc tập trung không ngừng nghỉ của công ty vào việc kiếm tiền quảng cáo. Ông cùng đồng nghiệp Jan Koum rời Yahoo năm 2008. Họ đi tới châu Mỹ một năm rồi trở về Mỹ, nộp đơn vào Facebook nhưng đều bị từ chối.
Cả hai thành lập WhatsApp năm 2009. Ba năm sau, họ bán ứng dụng cho công ty từng từ chối mình với thỏa thuận trị giá 19 tỷ USD. Khi làm việc tại Facebook, một người bạn chung giới thiệu Moxie Marlinspike với Acton. Cả hai nhanh chóng có ấn tượng tốt về nhau và hợp tác để bổ sung một số phần mềm mã hóa trong Signal vào WhatsApp.
Signal cung cấp cho người dùng phương thức giao tiếp dễ dàng, an toàn, ẩn danh hoàn toàn. Với nguồn vốn từ Signal Foundation, ứng dụng không cần lo lắng về kinh doanh quảng cáo – điều Acton không ưa ở Facebook. Nhờ công cụ giao tiếp riêng tư, Signal trở thành ứng dụng phổ biến cho các nhà báo và nhà hoạt động, trong đó có những người lên kế hoạch cho cuộc biểu tình Black Lives Matter.
Tuy nhiên, một bước ngoặt trớ trêu là ứng dụng đang trở thành thiên đường kỹ thuật số cho người bảo thủ. Người dùng cánh hữu bị thu hút bởi ứng dụng mang đến khả năng lập kế hoạch và giao tiếp hàng loạt mà không bị kiểm duyệt. Về lý thuyết, Signal mã hóa tin nhắn nên không có quyền truy cập nội dung của người dùng, do đó việc hợp tác với các cuộc điều tra của cảnh sát là không thể.
Khi công bố quyết định thành lập Signal Foundation, Acton mô tả trên blog mục tiêu của Signal là “hành động vì lợi ích cộng đồng và đóng góp có ý nghĩa cho xã hội bằng cách xây dựng công nghệ bền vững, tôn trọng người dùng”. Tuy nhiên, hồi tháng 9/2019, Acton chia sẻ trên Time rằng ông cảm thấy buồn vui lẫn lộn khi trong nhiều trường hợp, lượng người dùng ứng dụng tăng đột biến, nhưng lại xuất phát từ những sự kiện tồi tệ của thế giới.
Theo bảng xếp hạng của Forbes năm 2020, Acton là người giàu thứ 836 thế giới với tài sản trị giá 2,5 tỷ USD.
Châu An – Vnexpress