Ngày 19/2, ông Hoàng Minh Luân, Chủ tịch UBND xã Lại Xuân, cho biết ông Đào Văn Đến (khu Đầm Thượng, thôn 11) đã phát hiện 13 cọc gỗ nằm sâu dưới ao của gia đình khi bơm nước bắt cá.
“Một tuần trước, các chuyên gia khảo cổ học đã đến khảo sát và bước đầu nhận định cần khai quật khu ao này để nghiên cứu mối liên quan đến chiến trận Bạch Đằng Giang 1288”, ông Luân nói.
Theo quan sát, ao cá có 5 cọc nhô lên khỏi mặt bùn 30-60 cm; 4 cọc cách mặt bùn 10-15 cm; hai cọc nằm trong hốc đá kè bờ ao. Nhiều cọc bị gãy đầu. Dịp này gia đình ông Đến đang hút bùn, cải tạo mặt đáy ao để chuẩn bị cho mùa vụ cá mới. “Các chuyên gia cho rằng cần khai quật kịp thời để tránh cọc gỗ bị hủy hoại”, ông Luân nói.
Ngày 18/2, UBND thành phố Hải Phòng ra quyết định cho phép khai quật khảo cổ khẩn cấp khu vực phát hiện cọc gỗ tại khu Đầm Thượng, thời gian khai quật kéo dài đến 31/3.
Bảo tàng Hải Phòng và Sở Văn hóa Thể thao được giao giữ gìn, bảo quản, tránh để hiện vật bị hư hỏng, thất lạc; báo cáo Bộ trưởng Văn hóa Thể thao Du lịch, UBND thành phố phương án bảo vệ và phát huy giá trị hiện vật.
Người dân cho hay, vị trí bãi cọc mới phát hiện xưa kia là Đầm Thượng rộng 40 ha, nằm ở nơi giao nhau giữa 3 con sông: Đá Bạch, Kinh Thầy và Đá Vách. Sau nhiều năm phù sa bồi lắng, nơi này trở thành cánh đồng trồng lúa.
Năm 2009, huyện Thủy Nguyên triển khai dự dán nuôi trồng thủy sản ở xã Lại Xuân, cho phép xã giao đất cho hơn 20 hộ dân đào ao thả cá, trồng cây ăn quả. “Trong quá trình đào ao, một số hộ từng đào trúng cây cọc gỗ nhưng lúc đó chưa được thông tin để khai quật khảo cổ”, lãnh đạo xã Lại Xuân cho hay.
Theo ông Đào Văn Đến, gia đình mua ao vườn ở Đầm Thượng năm 2014, lúc đó “dưới ao đã có những cọc gỗ”. Về sau ông Đến muốn nhổ bỏ các cọc gỗ vì mỗi lần kéo lưới đánh bắt cá thì lưới bị mắc vào cọc. “Muốn vậy nhưng tôi không dám vì nghe đồn rằng đây là di tích lịch sử, cần phải giữ lại”, ông nói.
Cuối năm 2019, khi hay tin bãi cọc gỗ Cao Quỳ phát lộ, ông Đến nhờ người thông tin với các nhà khảo cổ học và chính quyền địa phương về bãi cọc gỗ trong ao nhà.
Ông Hoàng Văn Hiệp (60 tuổi, hàng xóm nhà ông Đến) cũng cho biết “khi còn nhỏ, tôi đã thấy khu Đầm Thượng là bãi cọc rộng mênh mông”. Dưới khu vườn trồng cây ăn quả nhà ông “cũng có cọc gỗ”.
Chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên Nguyễn Huy Hoàng nói chính quyền địa phương đã thỏa thuận với hộ dân về việc khai quật và sẽ hỗ trợ kinh phí để gia đình ổn định cuộc sống.
Trước đó ngày 1/10/2019, một phần bãi cọc nhọn bằng gỗ lim, sến, táu phát lộ dưới lớp bùn tại 3 hố trên cánh đồng Cao Qùy, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên. Cọc được đóng sâu đến 2,5 m, đầu có ngoàm dùng để luồn dây kéo hoặc mộng ở giữa thân. Mỗi cọc có đường kính 20 đến 50 cm, chôn cách nhau 5 đến 7 m. Mẫu cọc được giám định bằng phương pháp đồng vị phóng xạ Cacbon 14 cho kết quả niên đại từ năm 1270 đến 1430.
Các nhà nghiên cứu bước đầu nhận định bãi cọc Cao Quỳ là bãi cọc của quân và dân Nhà Trần chống quân xâm lược Nguyên Mông lần thứ 3 năm 1288.