Chính quyền tổng thống George W. Bush quyết định không tung đòn không kích giết thiếu tướng Qassem Soleimani khi ông đang ở trong tầm ngắm năm 2007, theo lời kể của tướng Stanley McChrystal, cựu lãnh đạo Bộ Chỉ huy Tác chiến Đặc biệt (JSOC) Mỹ với NYTimes.
Theo McChrystal, vào tháng 1/2007, lực lượng đặc nhiệm dưới quyền ông phát hiện Soleimani trên đoàn xe di chuyển từ Iran vào miền bắc Iraq. Mỹ lúc đó có động cơ để không kích Soleimani, bởi Washington từ lâu đã coi tướng Iran là người khiến hàng trăm lính Mỹ ở Iraq thiệt mạng.
Tuy nhiên, chính quyền tổng thống Bush khi đó không phê chuẩn quyết định tấn công vì không muốn một cuộc đối đầu và các căng thẳng chính trị kéo dài. Mchrystal đã theo dõi đoàn xe chở Soleimani khuất dần vào bóng tối mà không có hành động nào.
Dưới thời chính quyền Obama, chính sách đối ngoại của Mỹ với Iran có sự thay đổi. Obama đã nỗ lực cải thiện quan hệ với Iran và đạt được thỏa thuận hạt nhân lịch sử hồi năm 2015. Theo các điều khoản trong thỏa thuận, Mỹ sẽ không tấn công các quan chức hàng đầu của Iran.
Cả hai người tiền nhiệm của Tổng thống Mỹ Donald Trump đều cho rằng việc sát hại một quan chức quyền lực hàng đầu Iran chỉ khiến Mỹ sa lầy vào một cuộc chiến lớn hơn với nước này, khiến các đồng minh ở châu Âu và Trung Đông xa lánh, cũng như làm xói mòn ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực.
Quan điểm này dần thay đổi dưới thời Trump. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Phó tổng thống Mike Pence là những người quyết tâm nhất trong việc kêu gọi Mỹ đối phó với ảnh hưởng ngày một lớn của Iran ở Iraq.
Hồi tuần trước, các quan chức quân sự Mỹ đã chuẩn bị danh sách các phương án hành động của Mỹ để chấm dứt tình trạng bạo lực do Iran gây ra ở Iraq để trình lên Tổng thống Trump phê duyệt. Trong danh sách này, phương án hạ sát tướng Soleimani được coi là “ít tiềm năng” nhất.
“Họ không nghĩ rằng Trump sẽ chọn phương án này. Từ sau vụ khủng bố 11/9/2001, các quan chức Lầu Năm Góc thường đưa ra các phương án bất khả thi để tổng thống thấy các phương án khác hấp dẫn hơn”, theo một nguồn tin Lầu Năm Góc.
Để trả đũa vụ tấn công vào căn cứ K-1 ở Kirkuk, miền bắc Iraq hôm 27/12 khiến một nhà thầu quân sự Mỹ thiệt mạng, Trump hôm 28/12 loại bỏ phương án hạ sát Soleimani và thông qua kế hoạch không kích nhóm vũ trang Hồi giáo dòng Shiite do Iran hậu thuẫn.
Tuy nhiên, sau khi đại sứ quán Mỹ tại Baghdad bị người biểu tình tấn công, Trump hôm 2/1 đã quyết định ra tay với Soleimani. Điều này đã khiến các quan chức Lầu Năm Góc rất bất ngờ.
Trump đưa ra lệnh không kích “tiêu diệt” Soleimani bất chấp những tranh cãi về độ xác thực của các báo cáo tình báo cho rằng tướng Soleimani đang lên kế hoạch cho các cuộc tấn công mới nhắm vào lợi ích của Mỹ ở Syria, Lebanon và Iraq.
Các nguồn tin cho hay Lãnh tụ Tối cao Iran Ali Khamenei chưa thông qua kế hoạch tấn công của Soleimani và đã yêu cầu tư lệnh lực lượng Quds về Tehran để thảo luận thêm khoảng một tuần trước khi ông này bị hạ sát.
Tuy nhiên, Trump khẳng định cuộc không kích giết Soleimani là cần thiết để ngăn chặn các cuộc tấn công trong tương lai nhắm vào công dân và lợi ích Mỹ ở Trung Đông.
Quốc Hưng (Theo Dawn, NY Times, Bussiness Insider) – Vnexpress