Trong đêm chung kết Ý tưởng trẻ thơ lần thứ 12 diễn ra tại Hà Nội ngày 12/1, ban tổ chức đã tìm ra 10 ý tưởng xuất sắc cho hai nhóm học sinh lớp 1-3 và 4-5.
Trong đó, hai giải nhất thuộc về ý tưởng “Máy ép lá chuối khô thành túi giấy” của Phạm Ngọc Bảo Châu, Nguyễn Ngọc Bảo Hân (Đồng Tháp) và “Bọ rùa chữa cháy từ xa bằng đạn chân không” của Nguyễn Hà Thùy Chi, Vũ Hà Anh (Hà Nội).
Chia sẻ về ý tưởng “Máy ép lá chuối khô thành túi giấy”, Phạm Ngọc Bảo Châu cho biết, nông thôn Việt Nam trồng nhiều cây chuối, những lá chuối tươi có thể gói bánh, còn lá chuối khô đem bỏ. Vì vậy, các bạn nhỏ đã nghĩ ra và mơ ước có một cái “Máy ép lá chuối khô thành túi giấy” để góp phần giảm tải ô nhiễm môi trường, lại tận dụng được nguyên liệu bỏ đi.
Để thực hiện mô hình, nhóm dùng chai nhựa, hộp nhựa, ống nước bỏ đi cắt nối tạo thành máy ép lá chuối khô. Các máy kẹp được trang trí bằng cách quấn dây ruy băng màu, băng chuyền vận chuyển được tận dụng từ đồ chơi cũ và sơn màu. Các khuôn dựng hỗn hợp thì lấy que kem cắt ra và dán keo lại. Túi giấy được sử dụng từ giấy thật. Cuối cùng gắn thêm hệ thống đèn led, mô tơ điện cho mô hình.
Về cơ chế hoạt động, đầu tiên các máy kẹp sẽ kẹp lá chuối, sau đó cánh quạt cắt nhỏ lá chuối đưa xuống nồi trộn (màu đỏ) bên dưới. Nồi trộn trộn đều muối cacbonat vào các miếng chuối để chuối mau tan ra và kết sợi dễ dàng. Hỗn hợp này được đưa vào nồi đun (màu vàng) bên dưới. Nồi đun có gắn những tấm pin mặt trời để biến thành lượng nhiệt tạo ra hỗn hợp bột lá chuối mịn và sệt. Sau đó ống dẫn màu xanh sẽ đưa hỗn hợp bột lá chuối ra khuôn ép. Các khuôn này nhanh chóng làm hỗn hợp khô đi để tạo ra giấy. Các cánh tay rô bốt xếp giấy thành túi giấy, băng chuyền vận chuyển ra ngoài.
Trong khi đó, với ý tưởng Bọ rùa chữa cháy từ xa bằng đạn chân không, Nguyễn Hà Thùy Chi cho biết, em dùng các tấm mút xốp mềm để tạo hình bọ rùa. Trên thân bọ rùa khoét một lỗ nhỏ để gắn súng bắn hơi đồ chơi, tạo thành ống phóng đạn, dùng vải tạo thảm cỏ, mô phỏng đám cháy…
Về cơ chế hoạt động, bọ rùa chữa cháy từ xa là một chú rô bốt có hình dáng con bọ rùa màu cam, trên lưng có quạt hút tạo chân không và quạt hút hơi nước, khí co2 để tạo bọt chữa cháy. Bên trong là hai bộ máy, một bộ máy hút chân không, bộ còn lại tạo đạn bọt chữa cháy. Hai loại đạn này được nạp vào hai ống phóng trên lưng bọ rùa. Đầu bọ rùa là trung tâm điều khiển, trên đầu có hai râu ăngten thu tín hiệu đám cháy. Khi xảy ra cháy, râu bọ rùa phát hiện tín hiệu, tự động dò rồi định vị cho súng phóng đạn đến. Đạn chân không khi đến đám cháy sẽ mở bung ra tạo một vùng chân không dập tắt ngay đám cháy, đạn bọt cũng đồng thời phủ bọt chữa cháy lên những tàn đóm còn sót lại để dập tắt hẳn không cho đám cháy bùng phát trở lại.
Ngoài hai giải nhất là học bổng trị giá 20 triệu đồng, ban tổ chức còn trao hai giải nhì học bổng 14 triệu đồng, hai giải ba học bổng 8 triệu đồng, bốn giải Honda, mỗi giải 4 triệu đồng, 20 giải khuyến khích học bổng 2 triệu đồng.
Trường học của các học sinh đoạt giải nhất, nhì, ba sẽ lần lượt nhận được phần thưởng có trị giá tương ứng là 60, 50 và 40 triệu đồng bằng hiện vật.
Trong khuôn khổ sân chơi “Ý tưởng trẻ thơ” năm 2019, Honda Việt Nam đã trích ra số tiền 2,5 tỷ đồng dành tặng các hoạt động khuyến học là trao tặng 680 suất học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn biết vươn lên trong học tập cũng như tài trợ trang thiết bị thư viện cho 12 trường tiểu học thuộc 12 tỉnh trên cả nước (bao gồm: sách, trang thiết bị, máy móc…).
Qua 12 năm thực hiện, công ty đã trao tặng 7.000 suất học bổng và 72 thư viện trên toàn quốc với tổng số tiền hơn 18,3 tỷ đồng. “Đây là những con số ấn tượng và có ý nghĩa khích lệ lớn với các em nhỏ, đồng thời khẳng định uy tín của sân chơi và những đóng góp của Honda Việt Nam”, đại diện Honda cho biết.
Sân chơi Ý tưởng trẻ thơ do Công ty Honda Việt Nam (HVN) phối hợp với Vụ Giáo dục Tiểu học – Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Năm thứ 12 phát động, ban tổ chức đã nhận về con số kỷ lục là 587.968 ý tưởng, tăng hơn 50.000 ý tưởng so với năm trước, nâng tổng số ý tưởng qua 12 năm lên đến hơn 3,2 triệu.
Năm nay, với chủ đề “Cùng Honda cho một cuộc sống tốt đẹp hơn, gắn liền với việc bảo vệ môi trường và nâng cao ý thức an toàn giao thông”, các bạn nhỏ thuộc hai khối lớp 1-3 và 4-5 đã mang đến nhiều ý tưởng ngộ nghĩnh thể hiện trí tưởng tượng phong phú, nhưng thiết thực, mang tính thời sự.
Với ba vòng thử thách bao gồm: Hình thành và thể hiện ý tưởng bằng tranh vẽ, Thực hiện mô hình, Thuyết trình, các em nhỏ đã có cơ hội thử sức và phát huy toàn diện các kỹ năng như: tính sáng tạo, cách tư duy logic khi nghĩ ra ý tưởng và vẽ ý tưởng đó thành bức tranh, tinh thần vượt qua khó khăn, thử thách trong quá trình thực hiện mô hình và trau dồi các kỹ năng mềm khi thuyết trình, nói lên ước mơ của mình.
Thế Đan – Vnexpress