5h ngày 10/2, chuyến bay của Vietnam Airlines đáp xuống sân bay Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, đưa 30 công dân Việt Nam từ Vũ Hán trở về, trong đó có 16 lưu học sinh. Vợ chồng lưu học sinh Trần Đình Nhân và Nguyễn Thị Vũ Hoài mang theo con gái nhỏ, chia sẻ về chuyến đi “không thể quên“.
Đầu tháng 2, nhiều nước như Mỹ, Nhật Bản, Thái Lan đã đưa công dân từ vùng dịch Vũ Hán về nước. Các lưu học sinh Việt Nam và người nhà ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc ai cũng nóng ruột mong được về, dù phải cách ly 14 ngày.
Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc đã kiến nghị đưa công dân, trong đó phần lớn là lưu học sinh còn kẹt ở Vũ Hán, về nước. Trên nhóm wechat gồm nhân viên sứ quán và các lưu học sinh, những câu hỏi như Lệnh bay đã được thông qua chưa? Bao giờ máy bay đến? Phương án ra sân bay như thế nào? Làm sao qua các chốt kiểm tra? liên tục được đặt ra. Đại sứ quán một mặt lo xúc tiến kế hoạch di tản, một mặt trấn an mọi người.
Một ngày trước khi về nước, nhóm nhận thông báo “chưa có lệnh bay”, không khí nặng nề bao trùm, không ai nhắn tin trêu đùa nhau nữa. Nguyên đêm ấy, vợ chồng tôi cũng như nhiều lưu học sinh khác không ngủ được, điện thoại để chuông thật to. Tuy nhiên, đáp lại chỉ là sự im lặng.
Sáng 9/2, lệnh bay vẫn chưa có, căng thẳng leo thang gấp bội, mọi người bắt đầu nghĩ đến khả năng kế hoạch rời Trung Quốc trục trặc. Trong khi đó, số người chết vì nCoV tại tỉnh đã lên 780, tăng 81 người so hôm trước. Trên toàn Trung Quốc, số người chết là 811, số ca nhiễm là hơn 37.500.
Hơn 15h cùng ngày, tin nhắn từ Đại sư quán “Lệnh bay đã được thông qua, các nhóm căn khoảng cách, tính thời gian để di chuyển ra sân bay”. Mọi người vỡ òa hạnh phúc. Hành lý đã gói ghém kỹ càng từ hai ngày trước, chúng tôi nhanh chóng thu xếp để chuẩn bị lên đường.
Có 6 điểm đón lưu học sinh ở Vũ Hán, mỗi điểm cách nhau chừng 30 phút đi ôtô. Vợ chồng tôi và con gái nhỏ cùng các lưu học sinh của Đại học Sư phạm Hoa Trung đứng ở điểm đón thứ tư. Chúng tôi mặc trang phục bảo hộ, đi bộ từ ký túc xá dành cho sinh viên quốc tế ra đó lúc 18h15.
Đến điểm đón cuối cùng ở Đại học Khoa học kỹ thuật Vũ Hán, mọi người phát hoảng vì không thấy người đứng chờ, hóa ra do mới sang chưa quen đường, bạn sinh viên này mất nhiều thời gian để mò mẫm tìm đường.
Đại sứ quán cho xe đi hết các điểm tập kết đón người rồi ra sân bay. Lịch trình di chuyển đã được thông báo với Sở Ngoại vụ tỉnh Hồ Bắc để lãnh đạo tỉnh ra thông báo đặc biệt cho các chốt chặn trên đường cho xe qua.
Sau khi đón hết nhóm lưu học sinh ở thành phố Vũ Hán cùng bốn công dân khác, xe nhằm hướng sân bay thẳng tiến. Một chốt, rồi hai chốt kiểm tra đã qua, mọi thứ diễn ra tốt đẹp. Trên đường, những chiếc xe chở hàng gắn biển quân đội di chuyển khá nhiều. Trên xe, mọi người không ai nói chuyện, chỉ có tiếng khóc của cháu bé 9 tháng tuổi, con một cặp vợ chồng lưu học sinh.
Qua trạm kiểm soát cuối cùng đặt ở trạm thu phí sát sân bay, xe từ từ tiến tới, một đội cảnh sát trật tự yêu cầu lái xe xuất trình giấy tờ và giấy thông hành do lãnh đạo tỉnh Hồ Bắc cấp. Đủ giấy tờ, nhưng nhân viên trạm chưa cho qua vì lý do “đợi người của Sở Ngoại vụ đến xác nhận”. Cả đoàn toát mồ hôi lo lắng.
Đại sứ quán liên tục liên lạc với Sở Ngoại vụ tỉnh Hồ Bắc, đề nghị cử người đến làm việc với trạm kiểm soát. Một tiếng, rồi hai tiếng chờ đợi trôi qua. Cháu bé 9 tháng tuổi do mặc đồ bảo hộ ngột ngạt nên khóc không ngừng.
22h32 ngày 9/2, cuối cùng cán bộ Sở Ngoại vụ tỉnh Hồ Bắc đã đến kịp để xác nhận. Quãng đường từ Đại học Sư phạm Hoa Trung đến sân bay chỉ mất một tiếng đi ôtô, nay mất tới 5 tiếng.
Sân bay quốc tế Thiên Hà bình thường đông kín người ra vào, nay vắng lặng. Hai nhân viên sân bay hỗ trợ làm thủ tục, cung cấp thêm đồ ăn nhẹ để mọi người lấy lại sức sau quãng đường di chuyển vất vả.
Lo ngại lớn nhất lúc này thân nhiệt. Đêm trước nhiều người không ngủ, nay di chuyển nhiều, kéo hành lý mệt, lại mặc đồ bảo hộ kín mít, thân nhiệt tăng thì không lên được máy bay. Những giấy tờ chứng minh khác tuy đã được kiểm tra kỹ nhưng nhân viên kiểm dịch vẫn giám sát chặt theo tình hình thực tế. Nhiều người ngồi xuống ghế nghỉ ngơi, cởi bớt áo khoác và quạt cho người bớt nóng.
Lần lượt từng người bước qua máy quét thân nhiệt. Mỗi lần kiểm soát viên gật đầu là cả đoàn ồ lên vui sướng. Mỗi cái nhíu mày của họ cũng đủ để làm “đứng tim những người yếu vía”. 23h45, người cuối cùng trong đoàn hoàn thành kiểm tra y tế.
2h sáng 10/2, Đại sứ Phạm Sao Mai gửi lời chúc mừng đến mọi người. 3h sáng, máy bay số hiệu HVN68 cất cánh rời Vũ Hán, cả đoàn thở phào nhẹ nhõm. Sau hai đêm mất ngủ vì chờ đợi căng thẳng, chúng tôi đã có thể yên tâm chợp mắt.
Đình Nhân – Hoài Vũ – Vnexpress