Hơn 10 năm gắn bó với công tác Đoàn của địa phương, anh Lê Hữu Thắng (xã Thạch Liên, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) đã có 17 lần tình nguyện hiến máu. Điều đặc biệt, việc làm có ý nghĩa của anh đã lan rộng thành phong trào trong xã, hễ có người cần thì người dân sẵn sàng cho máu.
Thủ lĩnh đoàn 17 lần hiến máu tình nguyện
Năm 2009, lần đầu anh Thắng tham gia hiến máu khi đang làm bí thư chi đoàn cơ sở. Từ đó đến nay, đều đặn năm nào anh Thắng cũng tham gia hiến máu, có những năm anh tham gia hiến máu 3 lần.
Trong 17 lần tham gia hiến máu có có tới 7 lần anh trực tiếp hiến máu cứu người. Anh Thắng chia sẻ, sau 17 lần hiến máu, anh cảm thấy sức khỏe của mình vẫn rất ổn định.
Việc hiến máu không chỉ tốt cho sức khỏe mà còn là nghĩa cử cao đẹp nhằm sẻ chia khó khăn và tiếp nguồn sống cho người bệnh, người bị thương do tai nạn, rủi ro trong cuộc sống hàng ngày.
Lần đầu tiên hiến máu trực tiếp của anh là vào năm 2013. Đối tượng cho máu của anh Thắng là một sản phụ bị băng huyết sau khi sinh. Anh Thắng kể lại: “Trong lúc đang làm thì tôi nhận được điện thoại của huyện đoàn thông báo về một ca cấp cứu cần hiến máu trực tiếp tại bệnh viện Đa khoa huyện.
Biết có cùng nhóm máu với bệnh nhân, tôi liền xin nghỉ rồi chạy xe lên bệnh viện luôn. Sau khi hiến máu, biết nạn nhân qua cơn nguy kịch bản thân cảm thấy rất xúc động vì giọt máu của mình cho đi một cách có ý nghĩa”.
Lần cho máu đáng nhớ nhất của anh Thắng cũng là một ca cấp cứu băng huyết sau khi sinh. Bệnh nhân là một phụ nữ tại xã Ngọc Sơn (huyện Thạch Hà). Lúc này anh Thắng vừa đi làm về.
Nghe điện thoại xong anh nhờ hàng xóm trông con rồi chạy xe vào bệnh viện để truyền máu. Tại đây, các bác sĩ đều tiên lượng xấu về tình trạng của bệnh nhân.
“Đã nhiều lần hiến máu trực tiếp nhưng tôi cảm thấy đó là lần mà sự sống của họ rất mong manh. Người nhà thì khóc rất nhiều nên mình cũng khá căng thẳng.
Trong đầu mình lúc đó chỉ nghĩ rằng cho bao nhiêu cũng được chỉ mong muốn cứu được 2 mẹ con. Đến khi nghe tin 2 mẹ con đã được cứu sống, không chỉ người nhà mà bản thân mình cũng thấy nhẹ nhõm và rất vui sướng”, anh Thắng xúc động.
Chia sẻ về lý do sẵn sàng hiến máu tình nguyện trong các phong trào mà địa phương, cơ quan tổ chức, anh Thắng tâm sự: “Mỗi lần hiến máu tôi đều có một suy nghĩ duy nhất là phải cứu sống cho được nạn nhân.
Việc hiến máu mang đến niềm vui, hạnh phúc thật sự nên chắc chắn tôi sẽ không dừng lại, tiếp tục lan tỏa những điều tốt đẹp, nhân văn ấy đến với cộng đồng xung quanh”.
Vận động cả làng cùng hiến máu cứu người
Ngoài việc tích cực tham gia hiến máu, anh Thắng còn là một tuyên truyền viên giỏi, thường xuyên vận động nhân dân, bạn bè, gia đình, đồng nghiệp… cùng tham gia.
Trong suốt những năm qua với cương vị là Bí thư đoàn xã, anh cùng Ban chấp hành đoàn phối hợp với các ngành của xã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động Đoàn viên thanh niên và nhân dân tham gia hiến máu tình nguyện.
Qua đó, việc tuyên truyền giúp người dân nêu cao tinh thần, trách nhiệm của thanh niên với cộng đồng xã hội và hiểu rõ hơn về những lợi ích khi tham gia hiến máu tình nguyện như được khám sàng lọc, xét nghiệm máu và những quyền lợi sau khi hiến máu…
Với vai trò là Bí thư Chi đoàn, trong các buổi họp Chi đoàn, Thắng tranh thủ lồng ghép tuyên truyền việc hiến máu nhân đạo để mọi người hiểu và tham gia.
Để phong trào hiến máu tình nguyện trở thành việc làm thường xuyên, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, anh đã tham ưu với Đảng ủy, UBND xã Thạch Liên ra mắt CLB ngân hàng máu sống trên địa bàn với mục đích tiếp máu trực tiếp cho những trường hợp cần tiếp máu.
Đến nay, Thắng đã trực tiếp tuyên truyền, vận động gần 50 người tham gia hiến máu tại câu lạc bộ. Thành viên trong câu lạc bộ đủ mọi lứa tuổi, công việc.
“Câu lạc bộ hiện nay có 10 người là cán bộ làm việc tại UBND xã, hơn 30 đoàn viên thanh niên, giáo viên và khoảng 10 cán bộ đoàn đã nghỉ hưu. Đặc biệt, trong đó có khoảng 13 người là thành viên cốt cán thường xuyên tham gia cho máu”, anh Thắng cho biết.
Không chỉ cá nhân anh Thắng mà nhiều thành viên trong câu lạc bộ cũng nhiều lần tham gia cho máu như anh Đinh Văn Nga 8 lần; Mai Tùng Sơn 14 lần hay anh Bùi Văn Nam mặc dù tàn tật nhưng nhưng 3 lần tham gia hiến máu…
Đặc biệt, có trường hợp cả làng cùng tham gia hiến máu cứu người. Anh Thắng kể lại: “Đó là trường hợp tại thôn Kham vào đầu năm 2018. Lần đó có chị Nguyễn Thị Phương sinh con thứ 2 bị băng huyết mất máu rất nhiều cần đến 5 đơn vị máu nhưng người nhà không ai trùng nhóm máu.
Sau khi gia đình liên lạc, chúng tôi đã bắc loa thông báo đến các xóm. Trong ngày đó hơn 100 người tại thôn Kham đều gác công việc vào bệnh viện Đa khoa tỉnh để kiểm tra máu xin hiến.
May mắn là có đủ 5 đơn vị máu để cứu 2 mẹ con chị Phương qua cửa tử”.
Phượng Vũ – Dân Trí