Trái với những vùng đất khác thực vật phát triển tốt là tín hiệu đáng mừng, ở Bắc Cực điều này đồng nghĩa với những hệ quả tiêu cực không chỉ cho nơi này mà còn với toàn cầu.
Một nhóm gồm 40 nhà khoa học từ 36 trường đại học và các tổ chức môi trường đã thực hiện nghiên cứu về độ phủ xanh Bắc Cực trong nhiều năm qua. Qua hình ảnh từ vệ tinh và từ trực thăng được đánh dấu theo thời gian, nhóm nhận thấy thực vật đã phát triển nhiều hơn với tỉ lệ gấp khoảng 1,5 lần.
Thậm chí một số vùng băng vĩnh cửu trước đây vắng bóng thực vật cũng đã xuất hiện màu xanh của cỏ dại. TS Isla Myers Smith – Trường Khoa học địa lý, Đại học Edinburgh, tác giả nghiên cứu – cho biết: “Trên hình ảnh vệ tinh, có thể nhìn thấy một số mảng cỏ dại ở những vùng trước đây chưa xuất hiện”.
Tạp chí The Wired ghi nhận, màu xanh xuất hiện nhiều ở Bắc Cực là dấu hiệu cho thấy vùng đất này đang ngày càng chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu. Theo các nhà khoa học, Bắc Cực đang ấm lên với tốc độ gấp 2 lần những khu vực khác của Trái đất.
Băng tan nhanh đã làm xuất hiện những mảng đất trống, đồng thời cung cấp nước ngọt cho cỏ dại phát triển.
Dù nổi tiếng lạnh và băng giá, Bắc Cực không phải là vùng cằn cỗi như Nam Cực mà vẫn có sự sống, đặc biệt là vào những mùa băng tan.
Rễ cỏ dại thường nằm sâu trong đất đá bên dưới lớp tuyết, chờ khi đến mùa ấm trong năm sẽ phát triển và tiếp tục chu kỳ những năm kế tiếp. Theo nhóm nghiên cứu, rễ cỏ dại ở Bắc Cực cũng được ghi nhận dài hơn và bám sâu hơn vào các lớp đất so với trước đây.
Cỏ dại là một trong những nguyên nhân góp phần vào số lượng các đám cháy kỷ lục ở đây trong hơn nửa thế kỷ, được ghi nhận vào năm 2019.
Những thay đổi trong thảm thực vật nơi đây cũng thay đổi cách cacbon được hấp thụ và thải vào khí quyển, ngoài ra đặt ra quan ngại những động vật ăn cỏ sẽ dần chuyển dịch về vùng cực này.
Một số hiện tượng cực đoan đã xuất hiện nhiều hơn do thời tiết ở Bắc Cực ấm hơn, chẳng hạn sấm sét dần trở nên phổ biến ở nhiều khu vực nơi đây. Nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Nature Climate Change.
Trước đó, vào năm 2013, Viện Bảo tàng lịch sử thiên nhiên Mỹ cũng lập bản đồ mẫu dự báo về các loại cây, cỏ, bụi rậm có thể sinh sống ở nhiều vùng thuộc Bắc Cực.
Nhóm đưa ra dự báo sẽ có một khu vực rộng lớn ở đây được phủ cây xanh từ nay đến năm 2050, chủ yếu ở một số vùng phía nam Bắc Cực thuộc lãnh thổ Canada, Nga và thuộc bang Alaska của Mỹ.
Nhóm cũng cho biết đến năm 2050, các mảng thực vật sẽ phát triển về hướng bắc thêm 20 vĩ độ với diện tích tăng lên 52%. Bên cạnh đó, từ 48-69% thực vật sẽ tiến hóa thêm giống mới.
Theo HOÀNG THI – Tuổi Trẻ