Giò me xứ Nghệ: Quảng cáo thịt bê, bên trong… thịt lợn

100% nguyên liệu “giò me” (được làm từ thịt bò tơ, một số nơi gọi là bê), một trong những đặc sản nổi tiếng của xứ Nghệ, được làm bằng thịt lợn, là kết quả điều tra nhiều cơ sở sản xuất của chúng tôi. Được quảng cáo làm từ 100% thịt me (bê) nguyên chất, nhưng giá rẻ bất ngờ, giá sỉ chỉ từ 120.000 – 150.000đ/kg.

Nhiều người ăn tấm tắc khen ngon, quên rằng, giá thịt bê tươi đã trên 200.000đ/kg, làm sao khi chế biến thành giò, cùng với tỉ lệ hao hụt là nhiều chi phí khác, mà vẫn được bán với giá đó?

Giò me được làm từ thịt… lợn

Được một người từng buôn bán “giò me” (giò – có nơi gọi là chả) đã giải nghệ cho biết loại “đặc sản” này thực chất làm từ thịt lợn và phụ gia, chúng tôi bán tín bán nghi, nên quyết định tìm hiểu thực hư. Trong vai một người có nhu cầu nhập giò bò về bán buôn, chúng tôi được giới thiệu đến một cơ sở sản xuất nổi tiếng tại xã Nghi Phú (TP. Vinh, Nghệ An). Vào sân, đã thấy nhiều bó lá chuối to dùng để gói giò để ngổn ngang.

Chủ cơ sở cho biết: “Giò bò bán vào dịp này không nhiều, chủ yếu làm vào dịp tết, bọn em làm ngày làm đêm”. Hỏi giá, người này nói: Giá 1kg giò bò 120.000đ, dịp tết đắt nhất cũng 140.000đ”. Chúng tôi thắc mắc: “Giò bò sao rẻ vậy, thịt bò rẻ giá cũng đã trên 200.000đ/kg mà?”.

Chị thật thà: “Nói là giò bò, nhưng được làm 100% từ thịt lợn. Lớp bì bên ngoài cũng là da lợn xay nhỏ. Thêm hương vị nữa là có mùi thịt bò”.

Chị còn nói thêm, do Nghi Phú có nhiều người làm nghề mổ lợn nên nguồn thịt lợn và da lợn rất sẵn. Thấy chúng tôi tròn mắt ngạc nhiên, chị dẫn xuống nhà xem các ổ giò còn để trong tủ đông, và nói thêm: “Nhiều nơi quảng cáo giò me do mình làm nhưng thực ra đều là giò từ Nghi Phú chuyển lên cả”. Chúng tôi ghi số điện thoại, hẹn chị sẽ làm việc cụ thể về số lượng hàng.

Ông Nguyễn Văn Toàn – Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Phú (TP.Vinh) – cho biết, hiện trên địa bàn xã có 15 hộ làm nghề giò chả, trong đó có một số hộ làm lớn. Khi chúng tôi đề cập chuyện “giò bò” làm bằng thịt lợn, ông Toàn tỏ ra ngạc nhiên, và gọi điện cho một hộ làm giò khá lớn trong xã, rồi bật loa ngoài cho chúng tôi cùng nghe.

Ông Toàn hỏi: “Bên anh có làm giò bò không, giá bao nhiêu 1kg”, người kia đáp: “200.000đ; loại này có tỉ lệ 70% thịt bò, 30% thịt lợn”. “Vậy có loại giò nào làm bằng thịt lợn không?” – “Có một loại giò, làm bằng thịt lợn mạ (sề), giá 140.000đ/kg”.

“Vậy anh có bỏ chất gì vào để ra mùi bò chứ?”, ông Toàn hỏi. “Không, vì thịt lợn mạ nó săn chắc, màu gần giống như thịt bò rồi”, người kia đáp. Tuy nhiên, ông Toàn vẫn tỏ ra băn khoăn, vì nếu không bỏ chất gì vào, thì sao ra mùi thịt bò được.

Cũng theo lời dân buôn giò giới thiệu, chúng tôi tiếp tục đến một cơ sở sản xuất giò lớn ở phường Quán Bàu (TP.Vinh). Cách vài chục mét đã thấy phảng phất mùi giò bê. Về giá cả, chủ cơ sở cho biết nếu đặt trước thì giá 130.000 – 140.000đ/kg; còn nếu gần tết mới đến lấy thì giá 170.000đ/kg, vì lúc này nhu cầu rất lớn. Khi được hỏi: “Có phải giò bò “xịn” không?”, chị chủ nhà thừa nhận, giò này không phải làm từ thịt bò, nếu làm bằng thịt bò thì giá cao hơn nhiều.

Tìm hiểu thêm về “công nghệ” làm giò bò, chúng tôi gọi điện cho một người thân quen, sản xuất giò chả, bán ở chợ tại Hà Tĩnh. Anh cho biết có làm giò me, giá sỉ 130.000đ/kg. “Giò me gì mà rẻ vậy, có phải me “lợn” không?”, chúng tôi hỏi. Anh nói: “Có nhiều loại “giò me” lắm. Nếu muốn me thật giá phải 220.000đ/kg”.

Cơ quan chức năng nói gì?

Điều tra về “Giò me xứ Nghệ, sự thật sau những lời “có cánh””, PV phát hiện nhiều hành vi thiếu trung thực, lừa gạt người tiêu dùng của những người buôn bán “đặc sản giò me”.

Đến chợ Vinh, chúng tôi được giới thiệu gặp chị Ch, người chuyên buôn bán các phụ gia thực phẩm. Biết chúng tôi muốn mua phụ gia làm giò me, chị Ch đưa ra một lọ phụ gia, dán bằng chữ Trung Quốc, được chú thích bằng tiếng Việt: “Phụ gia thực phẩm: Chất tăng hương thịt”, công dụng: “Tạo hương thịt hài hòa tự nhiên, che mùi tạp, khắc chế vị chua và đắng”, sản xuất tại tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Chúng tôi ngửi thử và thấy mùi vị y như mùi “giò me” sản xuất từ thịt lợn được bán tràn lan trên thị trường. Chị Ch còn cho biết dân làm giò thường mua một chất bột màu trắng, để bảo quản.

Ông Dương Văn Hùng – Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thuỷ sản Nghệ An – cho biết, sau khi tiếp nhận phản ánh của nhóm phóng viên Lao Động, đã tổ chức kiểm tra 6 – 7 cơ sở sản xuất giò. Qua kiểm tra, các cơ sở này thừa nhận thứ “giò me”, hay “giò bò” mà họ sản xuất, đều được làm từ thịt lợn, cộng với hương liệu (ngũ vị hương, thảo quả, hoa hồi…) gia vị để tạo mùi bò.

Chất phụ gia làm giò bán tại chợ Vinh. Ảnh: PV
Chất phụ gia làm giò bán tại chợ Vinh. Ảnh: PV

“Cái này là do nhầm lẫn trong tên gọi, do người buôn bán lừa người tiêu dùng, có tính chất gian lận thương mại, chứ người sản xuất họ không nói là giò bò”, ông Dương Văn Hùng nói. Qua test tại chỗ, không phát hiện có hàn the, chất cấm. Tuy nhiên, sản phẩm giò chả của các cơ sở này đều không có nhãn mác ghi rõ thương hiệu, xuất xứ, thời gian sản xuất, thành phần…

Ông Dương Văn Hùng giải thích do các cơ sở này sản xuất nhỏ lẻ, nên chưa thực hiện được. “Chúng tôi đang hướng dẫn cho họ, trong tương lai là phải làm nhãn mác, ghi rõ các thành phần” – ông Dương Văn Hùng nói.

Còn ông Trần Đăng Ninh – Trưởng Chi cục Quản lý thị trường Nghệ An – cho biết, theo quy định tại Nghị định 89/2006 về nhãn hàng hóa, thì nhóm hàng thực phẩm khi lưu thông trên thị trường bắt buộc phải có dán nhãn, ghi rõ các thông tin: Cơ sở sản xuất, định lượng; Ngày sản xuất; Hạn sử dụng; Thành phần hoặc thành phần định lượng; Thông tin, cảnh báo vệ sinh, an toàn; Hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản. Nếu cơ sở vi phạm thì bị xử phạt hành chính.

Không phát hiện hộ nào vi phạm?

Làm giò chả là nghề truyền thống của nhiều hộ tại xã Nghi Phú (TP. Vinh). Được biết, hằng năm có các đoàn thanh-kiểm tra về vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng không phát hiện hộ nào vi phạm. Nghe chúng tôi đề cập việc giò bò nhưng làm từ thịt lợn, ông Nguyễn Văn Toàn – Phó Chủ tịch UBND xã – nói “không biết chuyện này”.

Không có chất để tạo mùi thịt bò?

“Về giò me thì không thấy vấn đề gì, qua các lần test cũng không phát hiện chất cấm. Chỉ có bao gói bằng giấy như giấy ximăng là đã được khuyến cáo nhiều lần không nên sử dụng” – ông Dương Văn Hùng – Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thuỷ sản Nghệ An – nói. Trước thông tin do chúng tôi cung cấp, ông Hùng hứa sẽ tổ chức kiểm tra. “Hiện nay, theo tôi biết là không có chất gì để tạo mùi thịt bò, me cả.

“Nhưng cái khó của chúng tôi là khi làm việc, cơ sở sản xuất họ sẽ không nói đây là giò lợn hay giò me, vì không có nhãn mác bên ngoài. Nếu thịt lợn mà làm giò me, thì đó là vấn đề gian lận thương mại, còn có độc hại hay không thì phải làm các xét nghiệm” – ông Hùng nói.

Theo Lao động

Để lại một bình luận