Tại cuộc gặp báo chí chiều 23/2, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo VN, cho biết ý tưởng thử nghiệm cầu an, cúng dường trực tuyến xuất phát từ trước Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.
Khi Việt Nam đối mặt với đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 mới ở một số địa phương, Giáo hội Phật giáo VN đã hướng dẫn các chùa tổ chức khóa tu, những buổi cầu an, tụng kinh, giảng Phật pháp trực tuyến. Đến nay, nhiều chùa đã thực hiện rất tốt công việc này, thu hút nhiều người dân tham dự. Sau đó, thông qua mạng xã hội Phật giáo (Butta.vn), Giáo hội mở cổng đăng ký cầu an trực tuyến cho nhân dân.
“Cũng như khi đến chùa cầu an, nhiều người dân, phật tử khi tham gia cầu an trực tuyến, muốn được phát tâm công đức cho các chùa. Vì vậy, để tạo điều kiện cho nhân dân, Giáo hội đề ra chủ trương thử nghiệm hình thức cúng dường trực tuyến thông qua ví điện tử hoặc quét mã QR”, Thượng tọa Thích Đức Thiện nói.
Việc thử nghiệm được thực hiện ở 12 chùa, cơ sở tự viện Phật giáo. Sau mỗi buổi cầu an, người dân có tâm công đức sẽ cúng dường trực tuyến qua ví điện tử. Hoặc nếu người dân đến chùa, thay vì phải xếp hàng chờ ghi công đức, có thể quét mã QR. Tuy nhiên, Thượng tọa Thích Đức Thiện khẳng định việc cúng dường là hoàn toàn tự nguyện và tùy tâm của mỗi người, không có sự bắt buộc hoặc yêu cầu.
Theo đánh giá sơ bộ, đến nay 12 chùa ứng dụng cúng dường trực tuyến đều có lượng công đức rất nhỏ. Những ngày đầu, số lượng người tham gia khá nhiều, nhưng sau đó ít hơn. Dự kiến, việc cúng dường trực tuyến được thử nghiệm trong ba tháng đầu xuân, sau đó Giáo hội Phật giáo VN sẽ tổng kết, đánh giá như ưu điểm, nhược điểm của hình thức này để xem xét có tiếp tục triển khai trên diện rộng hay không.
“Cúng dường trực tuyến sẽ làm minh bạch tiền công đức. Việc này cũng chấm dứt thực trạng người dân đến chùa, nhét tiền vào tay tượng như dư luận phản ánh trước đây”, Thượng tọa Thích Đức Thiện nói, đồng thời chia sẻ đây là hình thức mới mẻ, nên nhiều người còn ngỡ ngàng, chưa quen.
Đại diện Giáo hội Phật giáo VN khẳng định, các chùa đăng ký cúng dường qua ví điện tử phải có giấy tờ hợp pháp, nên khó xảy ra tình trạng kẻ xấu lợi dụng để thu lợi bất chính.
“Trong khi dịch bệnh có thể còn kéo dài, thì đây là một hình thức hữu ích để người dân được thể hiện nhu cầu tín ngưỡng”, Thượng tọa Thích Đức Thiện nói và khẳng định, khi đại dịch Covid-19 chấm dứt, Giáo hội Phật giáo VN sẽ tiếp tục triển khai bài bản việc cầu an, cúng dường trực tuyến.
Để phòng chống Covid-19, nhiều địa phương đã yêu cầu dừng các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng. Từ 1/2, Hà Nội dừng các lễ hội. Người dân được khuyến cáo chỉ ra đường trong trường hợp cần thiết và tuân thủ yêu cầu phòng dịch khi ra khỏi nhà.
Từ 9/2, TP HCM dừng các nghi lễ tôn giáo và các hoạt động từ 20 người trở lên ở cơ sở tôn giáo, thờ tự để phòng chống dịch.
Viết Tuân – Vnexpress