Giám đốc cơ quan y tế khẩn cấp Iran nhiễm nCoV

Pirhossein Kolivand, giám đốc cơ quan y tế khẩn cấp Iran, dương tính với nCoV sau khi hàng loạt quan chức nước này nhiễm bệnh. 

Văn phòng của ông Kolivand cho biết sức khỏe của quan chức này “vẫn tốt” và không cần lo lắng. Trước đó, Thứ trưởng Y tế Iran Iraj Harirchi, quan chức khác trên tuyến đầu chống Covid-19, cũng nhiễm nCoV sau khi xuất hiện triệu chứng ho và sốt.

Giám đốc cơ quan y tế khẩn cấp Iran Pirhossein Kolivand. Ảnh: IRNA.
Giám đốc cơ quan y tế khẩn cấp Iran Pirhossein Kolivand. Ảnh: IRNA.

Trong cuộc họp báo tại thủ đô Tehran hôm nay, phó chủ tịch quốc hội Iran Abdul Reza Misri cho biết có 23/290 nghị sĩ dương tính với nCoV, tương đương tỷ lệ 8%. Quốc hội Iran đã dừng toàn bộ phiên họp từ ngày 28/2.

Ông Misri cũng công bố nội dung thư ngỏ của Chủ tịch Quốc hội Iran gửi tới lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei, trong đó ủng hộ việc tiếp tục đình chỉ họp quốc hội, đồng thời kêu gọi các nghị sĩ tránh tiếp xúc với công chúng để ngăn nCoV lây lan. 

Phát biểu trên truyền hình hôm nay, ông Khamenei đề nghị người dân tuân thủ những khuyến cáo về phòng ngừa dịch bệnh từ chính quyền, trong khi các cơ quan chính phủ và lực lượng vũ trang cần hỗ trợ hết sức cho Bộ Y tế. Lãnh tụ Iran cũng khẳng định sẽ minh bạch trong công tác đối phó dịch. 

“Vấn đề này rồi sẽ qua. Đó không phải thứ gì đó khác thường. Tôi không muốn hạ thấp sự nghiêm trọng của vấn đề, nhưng cũng đừng phóng đại nó”, ông Khamenei nói.

Thứ trưởng Y tế Iran Alireza Raisi hôm nay cho biết nước này đã ghi nhận hơn 2.300 ca nhiễm nCoV, trong đó 77 trường hợp tử vong. Với số liệu mới công bố, Iran trở thành ổ Covid-19 lớn thứ ba thế giới và có số ca tử vong nhiều thứ hai sau Trung Quốc đại lục.

Masoumeh Ebtekar, phó tổng thống Iran phụ trách vấn đề phụ nữ và gia đình, nằm trong số các bệnh nhân nhiễm nCoV và đang điều trị tại nhà. Ông Mohammad Mirmohammadi, 71 tuổi, thành viên hội đồng cố vấn cho lãnh tụ tối cao Iran, cũng nhiễm virus và qua đời hôm qua.

Tình hình dịch bệnh ngày càng nghiêm trọng khiến nhiều chuyên gia nghi ngờ năng lực y tế của Iran, đồng thời lo ngại về tính minh bạch của các số liệu. 

Ánh Ngọc (Theo Reuters, CNN) – Vnexpress