Giải vận đen bằng bất động sản, HSG của ông Lê Phước Vũ vẫn trở thành cổ phiếu “chết”?

Ông Lê Phước Vũ – Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen

Được coi là con nợ “nghìn tỷ” với kết quả kinh doanh ngày càng “bết bát”, cổ phiếu HSG của ông Lê Phước Vũ đã bốc hơi trên 75% giá trị so với đầu năm. Ông chủ của tập đoàn Hoa Sen (HSG) từng phải bán đất thu hồi vốn nay lại gia tăng sở hữu tại các công ty bất động sản nhưng dường như vận đen vẫn không ngừng đeo bám.

Hoa Sen Group tăng sở hữu tại các công ty bất động sản

CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) của ông Lê Phước Vũ mới đây đã có thông báo về nghị quyết của HĐQT về việc thông qua chủ trương tăng tỷ lệ sở hữu tại các công ty con/công ty liên kết.

Theo đó, Hoa Sen sẽ tăng sở hữu tại CTCP Hoa Sen Yên Bái từ 70% lên 95%. Đơn vị này được thành lập giữa năm 2016 với vốn điều lệ 120 tỷ đồng. Trong tháng 9 vừa qua, tòa nhà Trung tâm thương mại, khách sạn Hoa Sen Yên Bái đang trong quá trình xây dựng đã bất ngờ bốc cháy. Dự án này được khởi công từ năm 2016, do chính CTCP Hoa Sen Yên Bái làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư dự kiến 1.200 tỷ đồng và dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào quý I.2019.

Đồng thời, HSG cũng tăng vốn tại CTCP Hoa Sen Quy Nhơn từ mức 45% lên 99%. Được thành lập cùng thời điểm với Hoa Sen Yên Bái, Hoa Sen Quy Nhơn có vốn điều lệ 100 tỷ do 3 cổ đông HSG (45%), Công ty TNHH Đầu tư và Du lịch Hoa Sen (45%) và ông Lê Phước Vũ (10%) góp.

Ông Lê Phước Vũ – Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen
Ông Lê Phước Vũ – Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen

Bên cạnh đó, Hoa Sen của đại gia Lê Phước Vũ tăng sở hữu tại CTCP Đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Hoa Sen Du Long từ 45% lên mức 95%. Hoa Sen Quy Nhơn và Hoa Sen Du Long đều có người đại diện pháp luật là ông Trần Ngọc Chu, Phó Chủ tịch HĐQT Thường trực của Hoa Sen.

Lý do tăng tỷ lệ sở hữu mà Hoa Sen của ông Lê Phước Vũ đưa ra là nhằm đảm bảo sự nhất quán, linh hoạt trong hoạt động điều hành quản trị của tập đoàn này đối với các công ty con/công ty liên kết trong lĩnh vực khách sạn, bất động sản và hạ tầng xây dựng.

Trước đó, HSG từng chuyển nhượng để rút hết vốn ra khỏi 3 dự án bất động sản và 1 dự án logistics là dự án Cảng Quốc tế Hoa Sen – Gemadept. Mới đây nhất, Tập đoàn Hoa Sen của ông Lê Phước Vũ tiếp tục chuyển nhượng dự án tại Đường Đỗ Xuân Hợp, phường Phước Long B, quận 9, Tp.HCM để thu hồi vốn đầu tư, tổng giá trị chuyển nhượng gần 140 tỷ đồng.

Mặt khác, vào cuối tháng 9, cũng do khó khăn về tài chính khiến HSG quyết định ngừng triển khai Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái Đầm Vân Hội – Yên Bái, đây từng là dự án Chủ tịch Lê Phước Vũ rất tâm đắc.

Vận đen đeo bán và chuỗi ngày “thê thảm” của cổ phiếu HSG

Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu HSG của Hoa Sen đã lao dốc mạnh từ đầu năm và đang giao dịch ở ngưỡng giá thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.

Chốt phiên giao dịch ngày 26.12, HSG của Lê Phước Vũ giảm về mức sàn 5.960 đồng/cp. Nếu so với mức giá đỉnh điểm trên 24.000 đồng/cổ phiếu trong năm 2018, giá trị của HSG trên sàn chứng khoán đã bốc hơi gần 76% giá trị.

Diễn biến mã cổ phiếu HSG trong vòng 1 năm
Diễn biến mã cổ phiếu HSG trong vòng 1 năm

Sự sụt giảm của mã cổ phiếu HSG được xem như hệ quả của việc kinh doanh “bết bát” và vay nợ “đầm đìa”.

Tập đoàn Hoa Sen của ông Lê Phước Vũ đã bắt đầu cho thấy những dấu hiệu tiêu cực về tình hình kinh doanh kể từ đầu năm 2017 khi lợi nhuận không ngừng sụt giảm và mới đây nhất, con số lỗ đậm hơn 100 tỷ mà HSG công bố trong quý cuối cùng của niên độ 2017-2018 đã khiến nhiều người ngỡ ngàng. Lợi nhuận cả niên độ 2017-2018 của Hoa Sen cũng chỉ còn 410 tỷ đồng, bằng đúng lợi nhuận của năm 2014.

Một trong những nguyên nhân chính khiến lợi nhuận Hoa Sen giảm sâu năm nay là do áp lực lãi vay quá lớn. Trong niên độ 2017-2018, Hoa Sen của ông Lê Phước Vũ đã phải trả lãi vay 812 tỷ đồng, trong khi năm trước chỉ là 482 tỷ đồng.

Tại thời điểm 30.9.2018, tổng vay nợ của Hoa Sen là hơn 14.300 tỷ đồng, tăng gần 2.500 tỷ đồng chỉ sau 1 năm. Trong đó, vay nợ ngắn hạn là 10.879,9 tỷ và dài hạn là 3.417 tỷ đồng, lần lượt tăng 1.865 tỷ và 626,2 tỷ đồng so với đầu niên độ, tương ứng mức tăng 20,7% và 22%.

Hoa Sen của ông Lê Phước Vũ cũng đã phải vay nợ ròng 2.495 tỷ đồng để hỗ trợ cho dòng tiền âm lớn 2.635,8 tỷ đồng chi để mua sắm, xây dựng tài sản cố định và dài hạn.

Hiện, HSG của ông Lê Phước Vũ đang vay tại 16 ngân hàng cả trong lẫn ngoài nước, trong đó có 3 ngân hàng lớn của Việt Nam là BIDV, Vietcombank, VietinBank với dư nợ lên đến vài nghìn tỷ đồng. Dù HSG đã tất toán 8 khoản nợ tại 5 ngân hàng, giá trị các khoản vay ngắn hạn lại tăng lên, tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu của Hoa Sen vẫn lên mức kỷ lục là 3,02 lần.

Theo nhìn nhận của ông Nguyễn Việt Đức, chuyên gia cao cấp Chiến lược thị trường CTCP Chứng khoán MB (MBS), ngành thép là ngành có tính cạnh tranh cao, trong khi nguồn vốn đầu tư lớn. 1 khi giá bán giảm, doanh nghiệp sẽ lỗ rất nhanh. Chính vì vậy, khi thông tin kết quả kinh doanh không đạt kỳ vọng, làn sóng bán tháo sẽ xuất hiện. Điều này khiến cho giá trị của HSG giảm sút liên tục và nhà đầu tư càng bán ra mạnh mẽ hơn.

“HSG vay nợ quá nhiều, và khi nhà đầu tư nhìn vào bảng cân đối tài sản của HSG họ sẽ tháo chạy khỏi mã cổ phiếu này. Thậm chí, bây giờ HSG có nâng tỷ lệ sở hữu tai các doanh nghiệp bất động sản (BĐS) như động thái mới đây của ông chủ tập đoàn Hoa Sen Lê Phước Vũ thì HSG cũng không có kịch bản tươi sáng hơn.

Điều đáng nói, nhà đầu tư vừa thấy động thái rút khỏi BĐS thì nay Hoa Sen lại về tăng sở hữu tại các công ty BĐS. Như vậy, nhà đầu tư không biết ông chủ của HSG đang làm gì, đang diễn trò gì. Thông điệp của HSG về BĐS là không rõ ràng. Chính vì thế, HSG không níu chân được nhà đầu tư trên thị trường”, ông Đức đánh giá.

Ông Nguyễn Việt Đức, chuyên gia cao cấp Chiến lược thị trường CTCP Chứng khoán MB (MBS)
Ông Nguyễn Việt Đức, chuyên gia cao cấp Chiến lược thị trường CTCP Chứng khoán MB (MBS)

Vị chuyên gia này cũng khẳng định, “Một khi cổ phiếu đã đi xuống và sẽ tồn tại ở mức giá đó rất lâu. Muốn bật lại được thì phải có sự tái cơ cấu nhất định. HAG là 1 ví dụ điển hình. HAG chỉ đảo chiều tăng giá khi có sự vào cuộc của Thaco. Nói thế có nghĩa rằng, tình trạng như HSG hiện nay có thể coi như 1 mã cổ phiếu chết”.

“Khi vay tiền ngân hàng kinh doanh không hiệu quả thì phải xác định tái cơ cấu mới thu hút được sự quan tâm trở lại của nhà đầu tư. HSG cũng thế, cần có 1 sự tái cơ cấu rõ ràng nếu không nhà đầu tư mới dám chơi. Cổ phiếu đã chết sẽ chết rất lâu, như HAG đến nay cũng gần 8 năm, hay như trường hợp của ITA cũng vì nợ quá lớn nên thời gian rớt giá của mã cổ phiếu này lên tới 10 năm. HSG của ông Lê Phước Vũ cũng có thể rơi vào trường hợp tương tự bởi hiện nay nhà đầu tư không dại gì đầu tư vào 1 công ty đi xuống”, ông Đức nêu khuyến nghị.

Theo danviet.vn

 

Để lại một bình luận